Nhìn lại 20 năm "5 không”, “3 có” và “4 an”
Ngày 25/9, TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện chương trình TP “5 không”, “3 có” và “4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ về văn hóa, văn minh đô thị.
Nhìn lại 20 năm thực hiện chương trình, TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: xóa hết 850 hộ đói và chuyển sang thực hiện mục tiêu không có hộ đặc biệt nghèo.
Đà Nẵng cũng đã cơ bản xóa mù chữ từ năm 2009 và giảm số lượng học sinh bỏ học; hỗ trợ hơn 90% số học sinh bỏ học chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề; cơ bản không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, điểm nóng xin ăn.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 10.836 căn hộ chung cư, nhà liền kề và khu ký túc xá tập trung với 6.876 chỗ ở cho sinh viên, góp phần giải quyết giảm áp lực về chỗ ở cho người dân trên địa bàn TP; giải quyết việc làm cho 421.681 lao động, hạ tỉ lệ thất nghiệp từ 5,06% năm 2006 xuống còn 3,4% ở cuối năm 2019…
Du lịch Đà Nẵng được xây dựng thương hiệu một phần nhờ không có nạn lang thang xin ăn
|
Về an ninh trật tự, Đà Nẵng đã kiểm soát được người nghiện trên địa bàn, tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng với 56/56 xã, phường đều thành lập Tổ Công tác cai nghiện ma túy; khám phá gần 2.000 vụ vi phạm về phát tán tài liệu, sử dụng công nghệ cao, cướp tài sản, tội phạm tín dụng đen... nhờ vậy TP không còn xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương...
Về công tác an toàn thực phẩm, ngành chức năng đã đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 61.000 lượt cơ sở, xử lý vi phạm gần 2.000 trường hợp, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 5.089/5.155 cơ sở đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý, 8/66 chợ đạt mô hình chợ đảm bảo ATTP, 269 siêu thị, cửa hàng tiện ích đảm bảo đủ điều kiện ATTP.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, sau 20 năm triển khai thực hiện Chương trình, hầu hết các nhiệm vụ đều đạt kết quả tích cực, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách giải pháp, cách làm sáng tạo.
Cùng với những thành quả đạt được, việc thực hiện các chương trình vẫn còn hạn chế nhất định. Đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo hành vẫn còn xảy ra; Tình trạng trẻ em, người cao tuổi bị lợi dụng chăn dắt, người khuyết tật bán hàng rong xin ăn biến tướng, đeo bám chèo kéo khách ngày càng tinh vi, gần đây xuất hiện tình trạng người nước ngoài lang thang, gây khó khăn trong công tác xử lý.
Đường Bạch Đẳng (Đà Nẵng)
|
Công tác phòng, chống ma túy thiếu sự đồng bộ. Việc cai nghiện chủ yếu là tập trung bắt buộc còn việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn chưa phát huy hết hiệu quả; Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra trên địa bàn còn nhiều vướng mắc về phiên dịch, dịch thuật, khó khăn trong điều tra, thu thập chứng cứ...
Không để người dân nào rơi lại phía sau
Trước những kết quả đạt được, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo không có người lang thang xin ăn, 100% người lang thang, xin ăn trên địa được phát hiện đưa về địa phương, gia đình quản lý hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội; trên 90% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát cam kết không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong kết hợp với xin ăn tại cơ sở mình; không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường; không có học sinh bỏ học, bị đuối nước; không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cải thiện nhà ở, phấn đấu cuối năm 2025 toàn TP không còn hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đối với lĩnh vực “3 có”, mục tiêu sẽ nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn TP đạt trên 31m2/người, trong đó tại khu vực đô thị là 31,5m2/người và tại khu vực nông thôn là 29,0m2/người, tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án nhà ở đạt trên 70%; phấn đấu giải quyết việc làm mới hàng năm đạt tỉ lệ từ 4,5-5%/so với lực lượng lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%; đảm bảo 90% người dân và du khách tiếp cận được các thông điệp tuyên truyền về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, xử lý triệt để đối với hành vi đeo bám chèo kéo khách du lịch, xin ăn biến tướng và quảng cáo rao vặt sai quy định.
Đối với chương trình “4 an”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài, quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, phấn đấu điều tra làm rõ từ 80-90% các vụ án hình sự, 95-100% các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí (về số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm liền kề trước đó; đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, khổng để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, 100% cơ sở sản xuất đủ điều kiện đảm bảo ATTP...
Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đề nghị các cấp ủy xác định việc thực hiện các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị là nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện thường xuyên; thực hiện các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - phát biểu tại hội nghị
|
“Quan điểm, chủ trương nhất quán của TP là phát triển gắn với giải quyết chặt chẽ các vấn đề xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân của TP đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất.” - ông Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, 43 tập thể và 22 cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong các chương trình an sinh xã hội của TP đã được TP. Đà Nẵng khen thưởng.
Chương trình TP “5 không” được Đà Nẵng phát động từ năm 2000 với 5 mục tiêu: “Không có hộ đói; Không có mù chữ (không có học sinh bỏ học); Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy; Không có giết người cướp của”. Chương trình “3 có” thực hiện từ năm 2005 với mục tiêu: người dân Đà Nẵng đều “có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”. Năm 2016, TP đã quyết định ban hành Chương trình “4 an”: “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. |