Đây là thông tin được TS. Dương Minh Tâm chia sẻ trong hội thảo “Rối loạn liên quan đến stress và những gánh nặng” do Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần trao đổi tại hội thảo
|
Theo TS. Dương Minh Tâm, nhịp sống gấp gáp, lo lắng mưu sinh khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu. Trước thực tế đó, stress sinh ra để giúp cơ thể thích nghi.
“Stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, áp lực học tập, áp lực công việc, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ… cũng dẫn đến stress. Lạm dụng tình dụng ở Việt Nam cao cũng gây sang chấn tâm lý. Điều đáng nói, lạm dụng tình dục thường ở người thân và gây rối loạn ám ảnh suốt đời cho nạn nhân” - TS. Dương Minh Tâm cho biết.
Stress kéo dài gây ra những hệ lụy rất lớn cho bệnh nhân. Chi phí y tế cho điều trị rối loạn lo âu gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Đặc biệt, hơn 90% số người tự tử có rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo UNICEF, năm 2018, có tới 12% trẻ em độ tuổi từ 14 đến 18 mắc các rối loạn liên quan tới stress, như trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn…
Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra, năm 2017, khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... có hơn 13 triệu người mắc, trong đó, chiếm khoảng 40% bệnh nhân dưới 30 tuổi.
TS Dương Minh Tâm -Trưởng phòng Điều trị các bệnh liên quan stress, Viện sức khỏe tâm thần
|
Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác. Vì thế, có tới 30% - 50% số bệnh nhân không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Thêm vào đó, tâm lý kỳ thị bệnh tâm thần trong cộng đồng khiến nhiều người bệnh không đi khám sức khỏe tâm thần.
Đa số bệnh nhân chỉ đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm thần. Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… Đáng nói là có nhiều người bệnh còn tự điều trị bằng ...cúng bái. Vì thế, các bác sĩ rất vất vả trong tư vấn, điều trị bệnh, còn bệnh nhân thì tốn kém tiền của mà bệnh không thuyên giảm.
Trong khi đó, theo TS. Dương Minh Tâm, các rối loạn có liên quan đến stress hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị với chi phí không tốn kém. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần có lối sống khoa học và luôn quan tâm tới sức khỏe bản thân; cân bằng thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và thư giãn...Bên cạnh đó người dân cần hiểu biết về bệnh, để có thể tìm sự trợ giúp khi cần thiết. Như vậy, mỗi người sẽ tự đẩy lùi stress, chủ động bảo vệ sức khỏe tâm thần của chính mình.
Theo TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - sau stress ai cũng có cảm xúc căng thẳng nhất định. Tuy nhiên, nếu thấy đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp, trống ngực, mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được tư vấn.