15 năm chờ đợi cầu Phú Định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bến phà Phú Định đã quá già để gánh kỳ vọng kết nối khu đô thị phía Nam và phía Tây TP.HCM. Người dân mong mỏi một cây cầu chiến lược. Mong lâu đến độ nhiều người đã quên cây cầu nằm trên quy hoạch suốt 15 năm.

Cầu Phú Định ở đâu?

Hơn 4 năm ngồi bán cá gần bến phà Phú Định, nhưng chị Lành chẳng biết cây cầu chiến lược dự kiến sẽ được xây ở khu mình ngày ngày mưu sinh.

“Ở chỗ đó thì phải” - người phụ nữ lam lũ quê Cà Mau chỉ tay về phía công trường chống ngập trên dòng kênh đen sì ở phía xa xa. Chị chỉ ngờ ngợ vì khu đó có công trường chứ thực lòng cũng chưa bao giờ được nghe, được biết về một dự án cầu Phú Định đầy tham vọng.

Mà đâu chỉ một người dân ngụ cư như chị Lành, nhiều dân gộc Quận 8 cũng tỏ ra mơ hồ khi chúng tôi hỏi về dự án cầu Phú Định. Hầu hết họ đều trỏ về một cây cầu nhỏ cũ kỹ bắc qua dòng kênh đen sì, hôi thối có gắn biển “cầu Phú Định”, chạy cắt sang đường Nguyễn Văn Luông.

Từ đại lộ Võ Văn Kiệt quẹo xuống có cây cầu cũ kỹ đề "cầu Phú Định". Nhưng đây không phải cây cầu Phú Định được mong ngóng.

Từ đại lộ Võ Văn Kiệt quẹo xuống có cây cầu cũ kỹ đề "cầu Phú Định". Nhưng đây không phải cây cầu Phú Định được mong ngóng.

Nhưng nó không phải là cây cầu Phú Định mà chúng tôi đang tìm!

Cây cầu nhỏ được mọi người trỏ thuở trước có tên "cầu Hòa Lục". Bến đò Hòa Lục xưa chính là chỗ này. Từ đây xuôi xuống 3km là bến phà Phú Định. Con đường nối 2 điểm này, dọc theo kênh Lò Gốm có tên đường Phú Định, song song với đường Mễ Cốc bên kia sông. Vì nằm trên đường Phú Định nên có lẽ, cầu Hòa Lục mới được cải sang giống tên đường chăng (?!).

Trước khi đi dò tìm trên thực địa, chúng tôi cũng đã thử cách phổ biến nhất của thời 4.0, đó là "tra google". Nhưng google cũng bó tay.

Chẳng thể định vị cầu Phú Định, thay vào đó, trang tìm kiếm phổ biến nhất thế giới lại gợi ý cả loạt quảng cáo đầu tư đất nền, đất dự án, căn hộ. Vô vàn những bản tin “chuẩn SEO” cho các từ khóa tìm kiếm như "khởi công cầu Phú Định", "cầu Phú Định xây dựng ở đâu",… từ các trang địa ốc, tô vẽ sự phát triển thần kỳ của Quận 8 khi có cầu. Thậm chí có trang đã đăng luôn cả phối cảnh cho dự án cầu Phú Định, nhưng nhìn kỹ thì có vẻ nó bê nguyên hình ảnh… cầu Mỹ Tho.

Chủ trương đầu tư chưa có nhưng nhiều trang đia ốc đã "vẽ" sẵn cầu Phú Định, ca tụng sự phát triển thần kỳ của Quận 8 trong tương lai .

Chủ trương đầu tư chưa có nhưng nhiều trang đia ốc đã "vẽ" sẵn cầu Phú Định, ca tụng sự phát triển thần kỳ của Quận 8 trong tương lai .

Vậy cầu Phú Định ở đâu?

Chúng tôi liên hệ với một chuyên gia bất động sản. Vị này cho một lời khuyên đáng giá: Muốn định vị chính xác dự án cầu Phú Định cần phải lần lại quy hoạch tuyến đường vành đai 2 của TP.HCM.

Theo đó, cầu Phú Định được xác định nằm trong vành đai phía Tây (Đoạn 4). Đoạn này dài khoảng 5,3km từ Khu công nghiệp Tân Tạo đi qua kênh Chợ Đệm và cắt với nút giao Nguyễn Văn Linh. Thông tin từ công báo của TP.HCM cho biết thêm: Tổng mức đầu tư của đoạn vành đai này dự kiến vào khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB là 6.600 tỷ đồng.

Vậy cầu Phú Định sẽ là cây cầu qua kênh Chợ Đệm thuộc Đoạn 4 này. Phóng tuyến lên bản đồ, vị trí của nó sẽ gần bến phà Phú Định, nối đường Hồ Học Lãm và đường Trịnh Quang Nghị.

15 năm chờ cầu Phú Định

5,3 km của Đoạn 4 (tuyến đường mà cầu Phú Định là một thành phần) nằm trong số 12 km còn tắc, khiến Vành đai 2 TP.HCM chưa thể khép kín như kế hoạch đã đề ra hơn 10 năm.

Mục tiêu nối liền các khu đô thị phía Nam và phía Tây TP.HCM, vì thế, vẫn cách trở. Bất chấp rằng, tầm nhìn về cầu Phú Định đã có từ năm 2007, khi chính quyền chốt quy hoạch xây dựng Vành đai 2 vùng TP. HCM. Tức là đã 15 năm.

Vành đai 2 vùng TP.HCM vẫn chưa thể khép kín. (Đồ họa: Plo)

Vành đai 2 vùng TP.HCM vẫn chưa thể khép kín. (Đồ họa: Plo)

“Quyết tâm khép kín Vành đai 2” được tuyên bố và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ít năm trở lại đây. Hậu Covid-19, nó càng được nhắc đến nhiều hơn, xem như một động lực quan trọng cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế.

Đoạn thứ 4 của Vành đai 2 với chiều dài 5,3 km từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh quận 7 cũng được đề xuất chủ trương đầu tư ngay trong năm 2022”, nhiều tờ báo dẫn lời lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM vào cuối năm 2021.

Theo vị này, việc đầu tư xây dựng cầu Phú Định qua kênh Chợ Đệm để tạo hành lang vận tải hàng hóa từ các khu công nghiệp phía Tây, Tây Bắc đi cảng Hiệp Phước, Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thị, giảm ùn tắc qua cửa ngõ phía Tây.

Những cây cầu tạm cũng đã hoen gỉ vì quá già, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vào giờ cao điểm cho người dân khi tham gia giao thông.

Những cây cầu tạm cũng đã hoen gỉ vì quá già, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vào giờ cao điểm cho người dân khi tham gia giao thông.

Một tín hiệu tích cực nhưng nó cũng cho thấy, dự án cầu Phú Định vẫn đang... chờ chủ trương đầu tư. Mà thế thì thiết kế dự án dĩ nhiên vẫn chưa có và chưa được công bố.

Theo lãnh đạo TP.HCM, khó khăn lớn nhất của dự án đường Vành đai 2 là nguồn vốn. Dù chính quyền đã rất quan tâm nhưng do thiếu vốn nên 2 năm qua dự án chưa thể khép kín (đền bù, giải tỏa mặt bằng), ngoài ra là vướng mắc khi chuyển qua đầu tư công, thay vì hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT như trước (do loại hợp đồng này không còn hiệu lực theo nghị định mới).

Sở GTVT TP.HCM khẳng định việc đầu tư khép kín Vành đai 2 "thực sự cấp bách", tạo đồng thuận để triển khai thu phí hạ tầng cảng biển ở thành phố sắp tới. Ngoài ra, vốn đầu tư sẽ bị tăng nếu tiếp tục chậm triển khai do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Những con phà già cỗi ngày ngày chờ khách qua kênh ở bến phà Phú Định.

Những con phà già cỗi ngày ngày chờ khách qua kênh ở bến phà Phú Định.

...

Chúng tôi đứng ngay cây xăng số 1 đầu đường Hồ Học Lãm, nhìn qua dòng kênh đen kịt, lềnh bềnh lục bình xanh. Phóng hết tầm mắt vẫn không thấy bóng dáng con đường Trịnh Quang Nghị, nơi dự kiến là đầu bên kia của cầu Phú Định.

Bắt phà qua kênh, cuối đường Trịnh Quang Nghị là dãy tôn cũ kỹ chắn tạm bợ dòng kênh đen. Cơ sở vật chất của phà Phú Định bến bên này chắc cũng đang "chờ chủ trương" nên xập xệ, tồi tàn./.