Chất tạo nạc gây ung thư: Nhập nhiều nhưng quản không nổi

VietTimes -- Theo Bộ Y tế, năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu 3.876 kg Salbutamol, sang năm 2015 lượng nhập đã là 5.215 kg. Bộ Y tế xác nhận phát hiện 6 cơ sở y tế bán ra Salbutamol không đúng đối tượng nhưng không xử lý hình sự được
Chất tạo nạc gây ung thư: Nhập nhiều nhưng quản không nổi

Đây là thông tin chính thức, được Bộ Y tế công bố trong văn bản cung cấp thông tin cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đó, hiện cả nước có 150 công ty có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu và 153 công ty sản xuất có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu nói chung, trong đó có Salbutamol.

Tuy nhiên, trong 2 năm (2014-2015) chỉ có 20 công ty đề nghị cấp phép nhập khẩu Salbutamol. Lượng nhập thực tế theo dõi được là 9.091 kg

Về quy định, Bộ Y tế cho biết có 2 trường hợp được nhập Salbutamol. Cụ thể nếu nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, trường hợp thuốc thành phẩm chứa Salbutamol đã có số đăng ký, nguyên liệu Salbutamol được công bố thì doanh nghiệp được nhập khẩu theo nhu cầu, không bị hạn chế về số lượng, trị giá, không phải xin giấy phép nhập khẩu.

Trường hợp nữa là nhập nguyên liệu Salbutamol theo giấy phép, thì doanh nghiệp được nhập khẩu theo số lượng đề nghị tại đơn hàng trong giấy phép nhập khẩu được duyệt.

Tuy nhiên, văn bản này của Bộ Y tế kín đáo thừa nhận về khả năng khá yếu kém trong theo dõi đường đi của Salbutamol.

Cụ thể, chỉ đến cuối năm 2015, sau khi nhận được thông tin về việc Salbutamol dùng làm thuốc có khả năng bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi gia súc, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Tháng 12/2015, Bộ Y tế phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) kiểm tra 6 cơ sở. Qua đó, đã phát hiện có vi phạm trong việc bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không kinh doanh dược.

C49 đã tiếp nhận hồ sơ sai phạm của 3 trường hợp để điều tra. Tuy nhiên, sau đó C49 cho biết có 2 trong số 3 công ty này chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.

Mặt khác, C49 cũng cho biết chưa có cơ sở tài liệu chứng minh lượng Salbutamol các công ty trên bán không đúng quy định đã sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi (!).

Trong khi đó thì hiện chế tài xử phạt cao nhất chỉ là đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc và đăng ký thuốc. Theo Nghị định 176 ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì các sai phạm này chỉ xử lý phạt hành chính với số phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Còn theo Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực kể 1/7/2016) thì các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm. 

Nói cách khác là bản thân việc theo dõi "đường đi" của Salbutamol nhập khẩu đã...rất khó, thế nên dù đẫ đưa những sai phạm trong sử dụng chất này vào Bộ Luật Hình sự, thì việc có quản được, bắt giữ sai phạm được, và sau đó là xử lý để răn đe được, thì vẫn là vấn đề...bỏ ngỏ.

Sabutamol là kháng sinh được sử dụng để chữa hen phế quản cho người, không thể thiếu trong ngành y tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Salbutamol còn được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để tạo nạc. Người tiêu dùng ăn phải thịt này sẽ có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cụ thể, Salbutamol tác động vào hệ cơ, hệ mạch, gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong.