Nga đại náo Syria: Dằn mặt Mỹ-NATO, truy diệt khủng bố

VietTimes -- Năm tháng và 14 ngày, đây là thời gian mà cụm binh lực viễn chinh Không quân và Hải quân Nga cần thiết để đạt được những mục tiêu then chốt trên chiến trường Syria. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngăn chặn sự mở rộng của lực lượng khủng bố đã hoàn thành.  
Nga đại náo Syria: Dằn mặt Mỹ-NATO, truy diệt khủng bố

Chiến dịch bắt đầu vào ngày 26.08. 2015, Moscow và Damascus đã ký kết hiệp ước quốc tế cho phép lực lượng vũ trang Nga đóng quân vô thời hạn trên sân bay Hmeymim, và chỉ không quá 1 tháng, ngày 30.09.2015, lực lượng không quân vũ trụ Nga bắt đầu dội bom xuống trận địa của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria.

Đến thời điểm lệnh ngừng bắn theo sáng kiến Nga – Mỹ có hiệu lực, không quân Nga thực hiện gần 9 nghìn lần xuất kích, tiêu diệt hơn 12,7 nghìn mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự của các tổ chức khủng bố. Cuộc không kích đã tiêu hủy hơn một nửa nguồn thu từ dầu mỏ ăn cướp của Syria. Theo thông báo của Bộ quốc phòng, lực lượng không quân Nga diệt hơn 2 nghìn chiến binh khủng bố từ Liên bang Nga, trong đó có 17 chỉ huy chiến trường.  

Mục tiêu then chốt đạt được: Hỏa lực yểm trợ đường không của không quân Nga cho phép quân đội Syria không những ngăn chặn được lực lượng khủng bố, mà còn phát triển tiến công trên nhiều tỉnh. Quân đội Syria giành được và giữ vững quyền chủ động chiến lược. Các đòn tiến công liên tiếp của quân đội Syria buộc lực lượng Al-Nusra và IS tháo lui trên hàng loạt chiến trường và tạo điều kiện căn bản để tiến hành những cuộc đàm phán đầu tiên với tất cả các lực lượng tham gia tiến trình đàm phán chính trị giải quyết xung đột Syria.

Thực tế chiến trường chứng minh năng lực

Sự phát triển thần tốc của các sự kiện trong chiến dịch này sẽ được lịch sử quân sự nghiên cứu, nhưng tổng thể chung có thể nhận rõ thông qua các con số. Khởi điểm đầu tiên, cụm binh lực viễn chinh gồm 48 máy bay và trực thăng chiến đấu, bao gồm máy bay ném bom Su – 34 và Su-24M, cường kích chiến trường Su-25SM, tiêm kích chiến thuật Su-39SM và Su-35S, trực thăng chiến đấu Mi-8 và Mi- 24.

Cuộc chiến Syria của không quân Nga đã trở thành cuộc kiểm tra toàn diện năng lực tác chiến của lực lượng trong suốt thời gian nửa thế kỷ qua tính từ cuộc chiến Afganistan. Ngay từ thời điểm đầu tiên của chiến dịch, các chuyên gia quân sự phương Tây vô cùng kinh ngạc trước sức chiến đấu của máy bay ném bom chiến thuật Su-24 và cường kích chiến trường Su-25 đã lỗi thời.

Những máy bay chiến đấu lão làng thể kỷ trước, được hiện đại hóa và lắp đặt thêm trang thiết bị tác chiến điện tử có được khả năng với độ chính xác kinh hoàng tấn công hủy diệt các sở chỉ huy, căn cứ quân sự, phương tiện chiến đấu của đối phương. Máy bay chiến đấu Nga sử dụng các loại vũ khí từ thông thường cổ điển đến điều khiển đánh đêm có độ chính xác cao.

Chiến trường Syria là lễ khai sinh đầy tuổi của máy bay ném bom chiến trường đa nhiệm “Vịt con” Su-34. Nhiệm vụ tác chiến chủ yếu của Vịt con là tấn công các mục tiêu mặt đất – mặt nước bằng vũ khí có độ chính xác cao, nhưng Su-34 chứng minh thêm một khả năng đáng sợ nữa là có thể mang theo tên lửa “không đối không” vượt qua được không chiến trở về an toàn.

Tác chiến đa nhiệm đã trở thành thương hiệu mới của không quân chiến đấu Nga. Tiêm kích siêu cơ động Su – 30 SM, có khả năng chiến đấu ngang ngửa với những tiêm kích hiện đại nhất thế giới, cũng rất nhẹ nhàng trong nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất. Sự xuất hiện của Su- 35S thế hệ 4++ đã khiến những tướng lĩnh, sở hữu các chiến đấu cơ "Typhoon" và "Raptor" cảm thấy hoảng hốt thật sự khi tính toán về khả năng thống trị bầu trời trong một cuộc không chiến tiềm năng.

Điểm nhấn quan trọng nhất của cuộc chiến đường không là sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược: Tu-160, Tu-95 và Tu-22M3, sử dụng các tên lửa hành trình tầm xa mới. Theo nhận xét của các chuyên gia phương Tây, lực lượng không quân chiến lược Nga có sức mạnh chỉ bằng 1/10 lực lượng không quân chiến lược phương Tây, nhưng với tần suất  xuất kích đến kinh ngạc, cường độ không kích rất cao, có được những thành tích mà không quân NATO không thể tưởng tượng. Trong khi đó, lực lượng hùng hậu Tây bán cầu vẫn tiếp tục “bắn chim sẻ”.

Vị thế quan trọng của vũ khí Nga

Chiến dịch không kích khủng bố ở Syria trở thành chủ đề nổi bật trên diễn đàn quân sự thế giới không chỉ với lực lượng không quân mà còn cả nền công nghiệp quốc phòng Nga. Điều khiến các chuyên gia phương Tây choáng váng  là sự kiện 3 khinh hạm tên lửa thuộc hạm đội Caspian sử dụng tên lửa hành trình Kalibr – NK tấn công các mục tiêu của IS trên khoảng cách 1500 km vượt qua 3 đường biên giới, đánh chính xác và tiêu diệt mục tiêu. 

Vụ phóng tên lửa trên biển Caspian khiến các chuyên gia chưa hết bàng hoàng thì tàu ngầm lớp 636.3 Kilo trên vùng nước Địa Trung Hải lại gây sốc NATO một lần nữa bằng sự kiện phóng liên tiếp 4 tên lửa hành trình từ dưới mặt nước, san phẳng hai sở chỉ huy của IS trên địa bàn tỉnh Raqqa.

Những sự kiện chiến thuật mang ý nghĩa chiến lược trên buộc Bộ tổng tư lệnh các lực lượng chiến lược Mỹ và NATO phải chấp nhận một thực tế hiển nhiên. Tên lửa hành trình Nga có từ lâu, đa năng và có thể lắp đặt trên bất cứ phương tiện mang nào, bao gồm cả những khinh hạm rất phổ thông có lượng giãn nước thấp hơn 3000 tấn và tàu ngầm diesel – điện.

Sự bất an tăng vọt khi Nga bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống tác chiến điện tử mới trên chiến trường Syria. Hệ thống tác chiến điện tử thực sự gây bất ngờ cho các lực lượng quân sự NATO đang hoạt động trên chiến trường Syria, các máy bay trinh sát, tình báo chiến trường hoàn toàn không thu thập được bất cứ nguồn thông tin nào từ phía Nga, không những vậy còn đe dọa luôn hiệu quả tác chiến phòng không của những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại NATO.

Hiệu quả tác chiến vượt mọi suy nghĩ của các chuyên gia cũng như khả năng sống còn trong chiến đấu của công nghệ quốc phòng Nga đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong chiến cuộc Syria. Những trải nghiệm chiến trường của vũ khí trang bị Nga không chỉ là sự minh chứng cho một định hướng phát triển đúng mà còn bổ sung thêm những kinh nghiệm tác chiến sống còn để nâng cấp vũ khí, trang thiết bị thông thường lên một tầm cao mới của chiến tranh hiện đại. Sự xuất hiện “Tổ chim” là một đáp án tuyệt vời cho cuộc chiến chống khủng bố có sự can thiệp của các yếu tố nước ngoài, đẩy các loại vũ khí chống tăng có điều khiển (TOW), vốn đang gây khủng hoảng nặng nề và tâm lý hoang mang cho lực lượng chính quy trở nên vô giá trị.

Chuyện hài hước thứ hai là những chiến đấu cơ cổ lỗ, đã qua thời của mình rất lâu như Su-24 và Su-25 không những vẫn còn bay rất tốt mà còn có thể tấn công IS với độ chính xác cao, tương tự những máy bay hiện đại ngày nay của châu Âu và Mỹ. Phương Tây bắt đầu suy nghĩ về việc phục hồi sản xuất dòng máy bay cổ điển tương tự như “Con quạ”, mà vì lý do nào đó họ đã quên mất từ lâu.

Giữa những chiến đấu cơ cổ điển, Nga đã đưa vào chiến đấu các chiến đấu cơ thế hệ 4++. Những so sánh đều khập khiễng, nhưng Pentagon được dịp theo dõi thực tế hoạt động của Su-35S, sát với thực tế chiến đấu. Tình huống cũng tương tự đối với hải quân, người Mỹ biết rất rõ các tên lửa hành trình Nga đã được trang bị cho tàu tuần dương, khu trục hạng nặng và tàu ngầm nguyên tử - nhưng điều khiến phương Tây quan ngại nhất là ở Nga xuất hiện những lớp chiến hạm nổi giá rẻ, có lượng giãn nước nhỏ, nhưng lại có khả năng tấn công tương đương các khu trục hạm đắt tiền. Thể hiện một tư duy tác chiến hoàn toàn mới, thực sự đáng sợ nếu chiến tranh xảy ra.

Nhưng thành quả đạt được không phải ở cuộc chiến. Hiếm có ai nhận thấy, trên vùng Trung Đông, trật tự thế giới mà phương Tây xây dựng trong vòng 20 năm qua, đã hoàn toàn sụp đổ.

Phá sản hoàn toàn tư tưởng chiến tranh “hỗn loạn có kiểm soát”

Trong hàng chục năm trở lại đây, sức mạnh quân sự của Mỹ là lực lượng không quân và hải quân. Người Mỹ đã đặt toàn bộ niềm tin vào sự phát triển của lực lượng vũ trang tầm cỡ quốc tế này. Từ những năm 70 thế kỷ trước, Mỹ đầu tư rất nhiều vào vũ khí có độ chính xác cao, tự tin rằng quân đội Sao và Vạch chiếm vị thế độc tôn tuyệt đối trong lĩnh vực này.

Cuộc chiến Syria đã làm thay đổi tất cả. Không quân Nga không những có thể “bay chiến đấu” mà còn bay rất tốt, những phi công Nga có những kinh nghiệm và số giờ bay khiến các phi công Phương Tây thật sự ghen tỵ.

Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại Nga, thế giới thấy được thế nào là chống xâm nhập - tiếp cận hay còn gọi là vùng cấm. Trong một thời gian thực sự ngắn ngủi, một tổ hợp phòng phông siêu hiện đại cơ động di chuyển nhiều nghìn km, triển khai nhanh chóng và phong tỏa hoàn toàn vùng trời của một quốc gia.

Một trong những trở ngại chính khiến Mỹ không thể trực tiếp can thiệp vào chiến trường Syria và biến đất nước này trở thành hỗn loạn bằng lực lượng viễn chinh danh giá “Cụm tàu sân bay tấn công chủ lực” và tên lửa Tomahawk là sự hiện diện của tổ hợp tên lửa chống tàu Bastion. Sự hiện diện của tổ hợp tên lửa chống tàu này khiến Washington, dù đã nhiều lần tuyên bố về Lằn ranh đỏ, nhưng các khu trục hạm trang bị Tomahawk vẫn phải hoạt động ngoài tầm chiến đấu với những cảnh báo ngày càng nghiêm khắc về việc có thể bị tiêu diệt.

Kết thúc những ý đồ can thiệp theo cách mà Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi: lập vùng cấm bay là việc trên căn cứ quân sự không quân Hmeymin triển khai tổ hợp tên lửa S-400 "Triumph", không phận Syria cấm bay hoàn toàn với các lực lượng không quân láng giềng không thân thiện. Nhiều năm các thế lực nước ngoài, tổ chức các lực lượng cực đoan, đối lập, thánh chiến với mưu đồ chia xẻ Syria và khai thác nguồn tài nguyên vô chủ từ một quốc gia tan vỡ đã trở thành công dã tràng.

Chiến lược không mới nhưng hoàn hảo

Chiến dịch của lực lượng không quân Nga ở Syria hoàn toàn không mới, mà giống hệt như những các chiến dịch khác của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương nhiều năm tung hoành ở vùng Trung Đông, nhưng chính tư duy chiến lược NATO – Vùng cấm bay và không kích lực lượng mặt đất đã giúp không quân Nga lật ngược thế cờ của quân đội Syria trên chiến trường, đè bẹp hàng trăm tổ chức nổi dậy và cực đoan thánh chiến, giành lại quyền chủ động trên các mặt trận và chuyển sang thế tấn công.

Tư tưởng chiến lược địa chính trị “ Hỗn loạn có kiểm soát” nhằm liên tiếp tạo ra các điểm nóng, vơ vét tài nguyên vô chủ, đẩy hàng triệu người, ngây thơ trong tư tưởng "tôn giáo thánh chiến" và "nhân quyền cao hơn chủ quyền" lao vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” bắt đầu phá sản. Chiến lược “cách mạng mùa xuân” bộc lộ rõ bản chất thật sự là “phương tiện chiến tranh” mới của các thế lực thù địch với nhân loại.

Gần 6 tháng không kích ở Syria, bài học lớn nhất mà thế giới thấy được không phải là cách ném bom chính xác vào các lực lượng khủng bố. Mà là bản chất thật sự của “cách mạng mùa xuân” sẽ đi đến đâu và bằng cách nào có thể giữ được chủ quyền quốc gia dân tộc – nền tảng cơ bản của dân chủ thực sự.

Chiến lược chiến thuật trong các cuộc xung đột, kể từ chiến tranh Việt Nam đặt trọng tâm vào sức mạnh không quân chiến trường.Nhưng không quân không giải quyết chiến trường, mà là lực lượng tác chiến mặt đất.

Các chuyên gia quân sự thế giới, theo dõi tiến trình phát triển xung đột ở Syria, khẳng định quân đội Syria dù có ưu thế về không quân và hỏa lực pháo binh, trước tháng 9.2015 đi dần đến sự sụp đổ chắc chắn.

Sự tan rã của một lực lượng quân sự mạnh trong cuộc chiến tranh du kích trên nền tảng tư tưởng cực đoan có thể nói là một tiến trình tất yếu tự nhiên không tránh khỏi, khi niềm tự hào và ý chí chiến đấu vì quốc gia, dân tộc bị thay thế bởi những tư duy hỗn loạn về niềm tin mù quáng. Quân đội Syria đối mặt với một thảm họa mất lòng tin sâu sắc vào chiến thắng sự bạo tàn, đó là nguyên nhân của sự đổ vỡ tất yếu.

Lực lượng không quân Nga không làm nhiệm vụ như không quân Mỹ hoặc NATO đã làm ở chiến tranh Việt Nam, Kosovo, Iraq, Lybia. Không quân Nga mang lại niềm tin vào chiến thắng cuối cùng cho quân đội Syria. Một khi đã đồng bộ hóa được công tác hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng không quân và bộ binh chiến trường, chiến thắng là điều chắc chắn. Đó chính là bài học then chốt mà quân đội Syria có được trong gần 6 tháng không kích của Không quân Nga.

Quân đội Syria giành được thế chủ động trên chiến trường dựa vào niềm tin chiến thắng và thông tin trinh sát tình báo chính xác. Điều đó hoàn toàn là sự đóng góp không thể phủ nhận của không quân Nga. Từ cơ sở căn bản này các lực lượng bộ binh có thể phát huy được hiệu quả của vũ khí, trang thiết bị hiện đại, chiến thuật năng động, phối kết hợp hoàn hảo các quân binh chủng trên chiến trường.

Các nhà quan sát và chuyên gia quân sự thực sự sốc khi Nga bất ngờ rút lực lượng không quân khỏi Syria, nhưng họ không hiểu tuyên bố của tổng thống Nga Putin khi khẳng định, lực lượng bộ binh giải quyết chiến trường Syria phải là người Syria. Đây không phải là một phát biểu mang tính chính trị, đây là kinh nghiệm sâu sắc của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Chesnya. Không quân thống trị bầu trời hay vũ khí trang bị hiện đại chỉ là công cụ phương tiện, điều kiện tiên quyết để chiếm thế chủ động chiến trường, giành thắng lợi hay không lphụ thuộc vào những chiến sĩ bộ binh cầm súng đi trên sa mạc nóng bỏng của Syria.

Một trong những sứ mệnh không hề được nhắc đến của lực lượng viễn chinh Nga trên chiến trường Syria, đó là truyền đạt bài học kinh nghiệm giành thắng lợi từ chiến trường Việt Nam, Chesnya. Từ một lực lượng chiến đấu thụ động, quân đội Syria đã có thể triển khai các chiến dịch chiến đấu tấn công trên nhiều tỉnh, phối kết hợp các quân binh chủng và thực hiện có kết quả chiến lược phòng thủ hậu phương và vùng giải phóng, có năng lực chống lại các cuộc tấn công, phản kích của các tổ chức khủng bố, cực đoan, vốn đã ăn sâu, bén rễ vào người dân theo cùng tôn giáo. Thực tế trận chiến giành Latakia, tuyến đường vận tải huyết mạch Khanasser - Aleppo và gần đây nhất là chiến dịch phản kích ở Deir Ezzor, tấn công Palmyra đã minh chứng được điều này.

Tất nhiên, không thể nói quân đội Syria sau gần sáu tháng không kích của không quân Nga đã thay đổi hoàn toàn. Còn quá nhiều vấn đề về năng lực chỉ huy điều hành tác chiến, tư duy chiến dịch chiến thuật, kỹ năng tác chiến của binh sĩ trên chiến trường cũng như công tác tư tưởng chính trị tinh thần. Nhưng quân đội Syria đã có bài học then chốt về khả năng giành thắng lợi trên chiến trường, vấn đề quan trọng còn lại chính là bản thân quân đội Syria, từ chỉ huy tối cao đến binh sĩ cuối cùng.      

Thế chủ động chiến lược.

Gần 6 tháng qua, các chiến lược gia phương Tây dưới nhiều góc nhìn khác nhau, cố gắng đánh giá chiến dịch không kích của Nga ở Syria và dự đoán mọi tình huống kết thúc chiến dịch, từ quá tốt đến quá xấu, bao gồm cả vấn đề ‘không suy nghĩ thấu đáo” “sa lầy” sự lập lại của Afganistan.

Nhưng tổng thống Nga Putin lại một lần nữa đưa các chiến lược gia phương Tây vào tình huống hụt hẫng và bất ngờ. Người Nga không san phẳng Raqqa, nghiền nát Palmyra và ca khúc khải hoàn với thất bại của IS, người Nga cũng không ngồi phân chia các khu vực tự trị, các vùng công nghiệp dầu mỏ, nhưng khu vực tái thiết... Nga rút quân. Đây thực sự là một cú sốc.

Có hai nguyên nhân cho vấn đề này, căn cứ vào những tình huống đã nêu: Giành chiến thắng trước một tư tưởng tôn giáo chỉ có thể là người của tư tưởng tôn giáo đó. Giành lại quyền độc lập tự chủ một quốc gia dân tộc phải là người của quốc gia đó. Và người Syria, dù là Shiite, Sunni, người Kurd...đó là sứ mệnh lịch sử của họ.

Nga rút lực lượng không quân viễn chinh, nhưng giữ lại hệ thống khống chế bầu trời trên căn cứ quân sự Hmeymin và hải cảng quân sự Tartus. Đây chính là nhân tố tạo dựng niềm tin cho quân đội Syria và gây khủng hoảng tinh thần cho các lực lượng Hồi giao cực đoan, công cụ răn đe buộc các tổ chức nổi dậy phải ngồi vào bàn đàm phán.

Với khả năng tái triển khai lực lượng chỉ trong vài ngày, cùng với lực lượng không quân chiến lược tầm xa, lực lượng hải quân biển Caspian và Biển Đen, Nga có thể nhanh chóng đè bẹp bất cứ sự bùng phát nào ở Syria và tạo ảnh hưởng lên đấu trường Trung Đông. Như vậy thế chủ động chiến lược vẫn trong tay điện Kremlin.

Quân đội Syria và các lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ Syria cũng chỉ có thể bước trên con đường giành chiến thắng, họ đã thấy rằng – có thể. Trong trường hợp ngược lại, Damascus không có gì hơn ngoài việc tự vấn tội mình.

Chiến dịch không kích gần 6 tháng trên chiến trường Syria có thể nói là một trong những chiến dịch thành công nhất của quân đội Liên Xô trước đây và quân đội Nga hiện nay. Những kết quả đạt được về mặt chiến lược chiến dịch và vũ khí trang bị sẽ được nhận định và đánh giá sâu sắc hơn. Nhưng quân đội chính phủ Syria đứng vững và giành thế chủ động trên chiến trường. Đó là chiến thắng lớn nhất, quan trọng nhất mà lực lượng không quân Nga đạt được. 

TTB