Trước thông tin cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân, Mỹ đã tấn công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk, và điều này đã khiến Nga hết sức giận dữ.
Điện Kremlin đã ngừng sử dụng kênh đối thoại được thành lập từ tháng 10/2015 với mục tiêu giảm nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga trên lãnh thổ Syria. Nga cũng cam kết sẽ củng cố khả năng phòng không của Syria sau vụ tấn công của Mỹ. Nhưng theo National Interest, Mátxcơva có thể sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa quân sự mạnh tay hơn trong những tuần tới.
Hôm 7/4, điện Kremlin đã đưa ra tuyên bố: “Tổng thống Nga coi các cuộc không kích của Mỹ vào Syria là hành động xâm lược đối với một quốc gia có chủ quyền với một cái cớ bịa đặt, vi phạm luật pháp quốc tế. Động thái này của Mỹ là một đòn nghiêm trọng giáng xuống quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở trong tình trạng tồi tệ”.
National Interest cho rằng Nga dường như chắc chắn sẽ đáp trả lại cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, nhưng không trực tiếp chống lại Mỹ. Thay vào đó, Nga sẽ chuyển sự phẫn nộ sang những nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn. “Theo tôi, Nga có thể đáp trả bằng cách cắt mọi liên lạc và sự hợp tác với Mỹ ở Syria, nhắm mục tiêu và tiêu diệt các lực lượng thân Mỹ, bổ sung thêm quân đến Syria và có thể thực hiện diễn tập quy mô lớn ở châu Âu”, chuyên gia quốc phòng và chính sách đối ngoại Nga Vasily Kashin, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp Mátxcơva trả lời National Interest.
Bằng cách làm suy yếu lực lượng thân phương Tây ở Syria, Nga sẽ đảm bảo cho tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền, đồng thời bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực. “Điều này có thể sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Syria và sẽ có thể gây ra tổn thất về lực lượng tình báo. Về cơ bản, sự đáp trả của Nga lần này cũng sẽ giống như sau sự cố với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng không tấn công trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ mà nhằm vào các lực lượng do Thổ hậu thuẫn, các hoạt động đặc biệt và các thiết bị tình báo của Thổ đã bị nhắm mục tiêu và tổn thất cực kỳ lớn,” ông Kashin nhận định.
Vấn đề lần này phức tạp hơn nếu Mỹ quyết định lật đổ chế độ Assad. Quả thực, đại sứ Mỹ Liên hợp quốc, bà Nikki Haley đã cảnh báo Syria rằng Mỹ có thể sẽ sẵn sàng mở rộng chiến dịch quân sự chống lại Damacus. “Mỹ đã thực hiện bước đi được tính toán rất cẩn thận. Chúng tôi chuẩn bị hành động mạnh tay hơn. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ là không cần thiết. Đã đến lúc các nước văn minh dừng mọi hành vi kinh khủng đang diễn ra ở Syria và yêu cầu một giải pháp chính trị”, bà Haley phát biểu trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Điều này có nghĩa là Nhà Trắng đã đưa ra những thông điệp hỗn độn về việc liệu nước này sẽ mở rộng chiến dịch chống lại chính quyền Assad, hay cuộc tấn công tên lửa ngày 7/4 chỉ là sự kiện duy nhất và sẽ không có lần thứ hai. Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer dường như đã gợi ý rằng chính quyền ông Trump sẽ không theo đuổi một cuộc chiến lớn hơn ở Syria.
Theo National Interest, nếu Mỹ tiến hành chiến dịch lật đổ Assad, Nga chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, sau khi Mỹ định đối đầu trực tiếp với quân đội Nga ở Syria để áp chế hệ thống phòng thủ của Nga, Mátxcơva càng chắc chắn sẽ đáp trả bằng quân sự. “Trong trường hợp này, chúng ta sẽ đối mặt với chiến tranh, và Nga sẽ sử dụng tên lửa hành trình tấn công quân đội Mỹ trên khắp Trung Đông. Và đó sẽ là hành động leo thang chiến tranh toàn diện”, ông Kashin lo ngại.
Một quan chức cao cấp của không quân Mỹ cũng đồng quan điểm với đánh giá của ông Kashin, ông cho rằng cuộc tấn công vào hệ thống phòng không của Nga như hệ thống phòng không S-400 và S-300V4 ở Syria chắc chắn sẽ dẫn tới chiến tranh. “Chúng ta đang nói về việc phải phá hủy hoặc kiềm chế các thiết bị của Nga do lính Nga điều khiển, điều này tất nhiên đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Nga”, vị sĩ quan này trả lời National Interest.
Trong khi đó, các chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga ở cả Mỹ lẫn Nga cho rằng mọi hy vọng nối lại quân hệ giữa chính quyền hai bên đều đã phai nhạt nhanh chóng sau cuộc tấn công tên lửa từ phía Mỹ. “Tôi cho rằng Nga coi đây là một đòn nghiêm trọng giáng xuống hy vọng nối lại quan hệ song phương. Họ sẽ làm lớn vấn đề này và coi đây là hành động phi pháp”, Olga Oliker, giám đốc chương trình Nga và Âu-Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) trả lời National Interest.
Theo National Interest, điện Kremlin hiện đang cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ không gây thiệt hại đáng kể, cuộc tấn công bao gồm 59 tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Porter (DDG-78) và USS Ross (DDG-71). Quả thực, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ không chỉ thông báo Nga trước khi tấn công mà còn đảm bảo chắc chắn rằng không vô tình tấn công vào lực lượng của Mátxcơva. Đổi lại, quân đội Nga có thể đã cảnh báo chính phủ Syria, có nghĩa là chính quyền Assad có thể đã có thời gian sơ tán trước khi Mỹ phóng tên lửa.
“Nga cũng đang cho rằng cuộc tấn công này không hiệu quả. Và tất nhiên, cảnh báo trước cho Nga cũng có nghĩa là Mỹ đã cảnh báo cho Syria”, chuyên gia Oliker khẳng định. “Đáng chú ý là Nga và Syria không sử dụng hệ thống phòng không để chống lại, họ đã để cuộc không kích diễn ra hơn là leo thang căng thẳng. Về cơ bản, họ đã để cuộc tấn công này chỉ mang tính biểu tượng. Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga hành động như vậy? Câu trả lời dễ thấy nhất là nếu Nga không tránh gây xung đột thì nguy cơ sẽ gặp phải mối nguy hiểm lớn hơn từ các hành động mạnh tay hơn của Mỹ”, chuyên gia phân tích.
Do đó, National Interest cho rằng, nếu Mỹ chọn cách leo thang xung đột ở Syria, đặc biệt là hướng tới mục tiêu thay đổi chế độ, các hệ quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra. “Nga có thể đã không còn ủng hộ chế độ Assad quá mạnh như trước, nhưng nếu Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự chống lại Assad, họ sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn”, Okiler nhận định.