Mỹ đã hỗ trợ Trung Quốc phát triển vũ khí như thế nào?

VietTimes -- Nếu Tổng thống cấm các nhà khoa học nước ngoài làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, trong đó có các cơ sở nghiên cứu quân sự, phần lớn các viện nghiên cứu của Mỹ sẽ bị đóng cửa ngay lập tức, bởi không có nhiều người Mỹ muốn trở thành nhà khoa học
Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos nhìn từ trên cao
Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos nhìn từ trên cao

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước phát triển nhảy vọt về phát triển vũ khí. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những thành công đó. Một trong những nguyên nhân quan trọng là có sự hỗ trợ tiềm ẩn từ phía... Hoa Kỳ !

Những nỗ lực nhằm lôi kéo các nhà khoa học của họ trở về từ các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài đã được đền đáp trong lĩnh vực quân sự, trong đó có cả sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

Các dự án quân sự mà những nhà khoa học này tham gia bao gồm phát triển vũ khí siêu nhanh của Trung Quốc có khả năng thâm nhập vào các hệ thống phòng thủ tên lửa và thiết kế các tàu ngầm mới có thể tuần tra một cách yên lặng cạnh bờ biển phía Tây nước Mỹ, những  nhà khoa học có hiểu biết về chương trình nghiên cứu, nói với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực thu hút các nhà khoa học tài năng ở các phòng thí nghiệm ở Mỹ liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và các công trình nghiên cứu quân sự khác, cũng như những người làm việc cho NASA và các công ty như Lockheed Martin Space Systems và Boeing.

Nhiều nhà khoa học quay về Trung Quốc sau khi đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico, nơi chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên, hoặc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở bang California, một cơ sở có vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân hiện nay của Mỹ, hoặc tại Phòng Nghiên cứu của Không quân đặt tại Căn cứ không quân Wright-Patterson ở bang Ohio.

Mặc dù chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng đã có rất nhiều nhà khoa học từ Los Alamos quay  trở lại các trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc, vì thế mọi người gọi đùa họ là "câu lạc bộ Los Alamos".

Phòng thí nghiệm Los Alamos, nơi có một loạt các cơ sở nghiên cứu quốc phòng, bao gồm một siêu máy tính và máy gia tốc hạt được sử dụng cho nghiên cứu vũ khí, đã thuê nhiều nhà khoa học nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt tài năng khoa học và kỹ thuật Mỹ. Trang web của cơ sở này cho biết, hơn 4% trong số gần 10.000 nhân viên làm việc tại đây có nguồn gốc Châu Á.

Năm 1999, Mỹ cáo buộc nhà vật lý hạt nhân gốc Đài Loan, ông Wen Ho Lee, làm việc tại Los Alamos, với tội danh đã chuyển thiết kế đầu đạn hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ cho Trung Quốc. Cáo buộc đã bị gỡ bỏ năm 2006 do thiếu chứng cứ, nhưng vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại lan rộng trong cộng đồng các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại phòng thí nghiệm.

Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, nước này đã cố gắng thu hút các nhà khoa học từng học tập làm việc tại nước ngoài trở về nước. Họ đã có một thành công ban đầu là ông Qian Xuesen, người từ Viện Công nghệ Massachusetts trở về nước năm 1955 để lãnh đạo chương trình nghiên cứu không gian và tên lửa quân sự của đất nước.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực của mình, sử dụng các biện pháp khuyến khích bằng tài chính, kêu gọi lòng yêu nước và hứa hẹn triển vọng nghề nghiệp tốt hơn để thu hút các nhà khoa học có kinh nghiệm ở nước ngoài trong nghiên cứu quốc phòng.

Giáo sư Chen Shiyi

Giáo sư Chen Shiyi - một trong những nhà khoa học trở về từ Los Alamos - trên cương vị Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm của Quốc gia về Sự biến dạng và Hệ thống phức hợp tại Đại học Bắc Kinh, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển khí cụ bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (tạm dịch siêu vượt thanh) của Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) tại Bắc Kinh nói với tờ Bưu điện.

Tháng Tư năm ngoái, Trung Quốc cho thử nghiệm một khí cụ vượt siêu thanh, có thể di chuyển với tốc độ lên đến 11.000km / h - khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Với tốc độ như vậy, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi nào trên hành tinh chỉ trong hơn một giờ - quá nhanh đối với bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào hiện có để có thể chống trả.

Sự phát triển của vũ khí yêu cầu cần có những cơ sở hạ tầng thử nghiệm tinh vi, bao gồm đường hầm gió tốc độ cao. Phòng thí nghiệm của ông Chen đã xây dựng đường hầm gió đầu tiên ở Trung Quốc.

Ông Chen từng là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phi tuyến tính ở Los Alamos, nhưng năm 1999, ông đã từ bỏ công việc của một lãnh đạo cấp cao và quay trở lại Trung Quốc vào năm 2001.

Ông là một chuyên gia về nhiễu loạn, một trong những vấn đề thách thức nhất trong vật lý. Một vật thể đi qua không khí hoặc chất lỏng sẽ gây ra sự hỗn độn rối loạn, việc dựng mô hình trên máy tính là vô cùng khó khăn. Các đối tượng chuyển động càng nhanh, việc dựng mô hình càng phức tạp.

Nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc nói, ông Chen đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục nhà nước Trung Hoa xây dựng đường hầm gió tốc độ cao để phát triển các khí cụ bay vượt siêu thanh.

"Tôi không nghĩ rằng ông ấy đã mang về bản thiết kế của đường hầm gió hoặc bản vẽ một khí cụ vượt siêu thanh từ Los Alamos", nhà nghiên cứu nói, yêu cầu giấu tên vì sự nhạy cảm của chủ đề.

"Những công trình của ông ở bên đó chủ yếu là phần lí thuyết, liên quan đến các vấn đề khoa học hơn là các chi tiết công nghệ. Nhưng ông có thể đã nhìn thấy và nghe những thứ mà từ đó ông có thể đề xuất với chính phủ một kế hoạch rất thuyết phục sau khi trở về nước".

Khi việc hoàn thành công trình đường hầm gió tốc độ vượt siêu thanh được công bố năm 2010, đó là cơ sở thứ ba trên thế giới thuộc loại này và là cơ sở duy nhất hoạt động bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ - trang web của Phòng Thí nghiệm cho hay.

Khi được đề nghị bình luận về chuyện này, ông Chen không có hồi âm gì.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUSTech)

Năm 2015, Chính quyền Trung ương bổ nhiệm ông Chen, khi đó là Phó Chủ tịch Đại học Bắc Kinh, làm lãnh đạo trường Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUSTech) với tham vọng đưa trường đại học non trẻ tại Thâm Quyến trở thành một trường “Standford” của Trung Quốc.

Một trong những việc làm đầu tiên của ông là lập ra Câu lạc bộ Los Alamos, khi ấy đã phát triển nhanh chóng tại các Viện nghiên cứu tốp đầu của Đại lục như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Học viên Khoa học Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Hoa, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Phúc Đán.

Năm 2015, sau 16 năm làm việc tại Mỹ, Tiến sĩ Zhao Yusheng, một trong những cựu lãnh đạo nhóm tại Trung tâm Khoa học Neutron ở Los Alamos, nhận lời về SUSTech với cương vị Giám đốc nghiên cứu  phụ trách kế hoạch phát triển của Trường.

Tiến sĩ Wang Xianglin đã rời Los Alamos vào tháng 9 năm ngoái và trở thành giáo sư chủ nhiệm bộ môn hóa học của SUSTech. Wang đã trải qua hơn 18 năm tại Los Alamos, trải qua các công việc từ một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đến người  quản lý dự án của bộ phận hóa học, nơi ông đã phát triển các vật liệu mới cho các ứng dụng an ninh như các thiết bị lưu trữ năng lượng và cảm biến sinh học. Theo bản lý lịch đăng trên trang web của trường đại học, ông đã giành được nhiều giải thưởng cho các công trình nghiên cứu của mình và làm việc như là một chuyên gia cho Trung tâm Phân tích Dữ liệu An ninh Quốc phòng nội địa của của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2015.

Tiến sĩ Shan Xiaowen,Trưởng Khoa cơ học và Công trình vũ trụ của SUSTech cũng là một người cũ của Los Alamos. Ông cũng là một nhà khoa học cao cấp trong công trình phát triển máy bay C 919, loại máy bay chở khách phản lực đầu tiên của Trung Quốc.

Bản danh sách vẫn còn tiếp tục...Tiến sĩ He Guowei, một nghiên cứu viên của viện Cơ học trực thuộc CAS rời Los Alamos chẳng bao lâu sau ông Chen. Cũng là một nhà nghiên cứu về nhiễu động học, ê kíp của ông giờ đây đang xây dựng mô hình trên computer để phát triển tàu ngầm - trang web của Viện cho hay.

Một bước đột phá mới đây đã cho phép họ dự báo được một cách nhanh chóng và chính xác các nhiễu động do tàu ngầm sinh ra. Công nghệ đó sẽ giúp Trung Quốc chế tạo những tàu ngầm chạy yên lặng hơn và phát hiện tàu ngầm đối phương tốt hơn.

Ông từ chối nói về công việc tại Los Alamos, “Thời ấy đã lâu rồi. Những điều tôi biết bây giờ chẳng còn phù hợp nữa” - ông nói.

Không phải ai trở về từ Los Alamos cũng liên quan đến nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự. Li Ning, người đứng đầu Trường Năng lượng thuộc Đại học Hạ Môn từng là nhà vật lý hạt nhân tại cơ sở gia tốc ở Los Alamos vào những năm 1990. Hiện tại ông đang dẫn dắt các nhà khoa học trong chương trình phát triển thế hệ nhà máy nguyên tử mới, sạch hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn của Trung Quốc.

Tiến sĩ Hang Wei, từng làm việc ở Los Alamos trong 8 năm, trở thành giáo sư Hóa học của Trường Đại học Hạ Môn vào năm 2005, đã nói rằng, việc trở về Trung Quốc của các nhà khoa học “chỉ là chuyển chỗ làm việc” và không nên bị coi là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ.

“Khi tôi còn ở bên đó, có lẽ có cả trăm nhà khoa học Trung Quốc ở Los Alamos” - ông ta nói. “Đa số bọn tôi đều là người nước ngoài. Chúng tôi không phải là công dân Mỹ.

“Chúng tôi ở mức bảo vệ an ninh thấp nhất. Tại Los Alamos có vận hành một hệ thống bảo vệ an ninh vào loại tinh vi và tỷ mỷ nhất trên thế giới. Chúng tôi tuyệt đối không được tiếp cận với các bí mật quân sự”.

Tuy nhiên, ông Hang cũng thừa nhận rằng các công trình nghiên cứu của ông và của các nhà khoa học Trung Quốc khác có thể ứng dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.

“Lằn ranh (giữa ứng dụng quân sự và dân sự) là rất mong manh” - ông này nói.

Một chuyên gia an ninh quốc gia của đại lục cho báo Post hay, rằng chính phủ Mỹ đã biết đến sự chảy máu chất xám, nhưng khó có thể làm gì nhiều, bởi vì các nhà khoa học được tự do lựa chọn nơi làm việc và làm việc cho ai.

“Thậm chí (Tổng thống) Trump cũng chẳng thể làm gì nhiều - chuyên gia này nói - “nếu ông ấy cấm các nhà khoa học nước ngoài, phần lớn các viện nghiên cứu của Mỹ sẽ bị đóng cửa ngay lập tức, bởi không có nhiều người Mỹ muốn trở thành nhà khoa học”.

James Andrew Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, nói rằng, các nhà khoa học “là đối tượng tuyển dụng của tình báo Trung Quốc và điều này yêu cầu phải hết sức chú ý”.

Sự thành công của trong nỗ lực của Trung Quốc thu hút nhân tài cũng có “chuyện này chuyện nọ”, ông Lewis nói. “ Nhiều người trở về rồi lại ra đi, cũng vì lý do đó, nhiều người giàu Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài -  Vancouver hay Sydney tốt hơn ở Bắc Kinh”.

“Nếu người ta làm công việc khoa học, sẽ có rất ít sự rủi ro về an ninh. Đó là thực tế bình thường và cộng đồng khoa học luôn mang tính quốc tế. Nếu họ làm việc về nghiên cứu vũ khí, tất sẽ có độ rủi ro, nhưng các nhà khoa học nước ngoài thông thường không được tiếp cận”.