Gian lận doanh thu BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ bị phạt thế nào?

VietTimes - Thông tin ít người biết đến, là Biên bản thương thảo, đàm phán hợp đồng Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được lập giữa Nhóm công tác liên ngành của dự án và Liên danh nhà đầu tư – đã quy định rõ mức phạt doanh nghiệp dự án, trong trường hợp khai báo doanh thu không chính xác.
Khai báo doanh thu không chính xác, doanh nghiệp dự án sẽ bị phạt. (Nguồn: Internet)
Khai báo doanh thu không chính xác, doanh nghiệp dự án sẽ bị phạt. (Nguồn: Internet)

Cụ thể, biên bản viết: “Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện doanh thu lớn hơn số liệu của doanh nghiệp dự án báo cáo từ 1% - 2% sẽ phạt gấp 60 lần, 2% - 3% sẽ phạt 120 lần, từ 3% trở lên sẽ phạt 180 lần chênh lệch này”.

Đồng thời, “khi doanh thu thực tế trung bình của 2 năm liên tục tăng, giảm từ 5%/năm trở lên so với số liệu tính toán trong phương án tài chính của Hợp đồng thì các bên tiến hành điều chỉnh hợp đồng (thương thảo ký phụ lục hợp đồng), cập nhật doanh thu các năm trước theo thực tế”.

Trích Biên bản thương thảo, đàm phán hợp đồng Dự án đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Trích Biên bản thương thảo, đàm phán hợp đồng Dự án đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, biên bản trên được lập vào ngày 17/7/2014 tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải.

Đứng đầu nhóm công tác liên ngành của dự án là ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Vụ trưởng – Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Bộ GTVT – Tổ trưởng. Cùng với đó là 14 thành viên khác, đến từ các vụ, cơ quan hữu quan thuộc Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.

Còn liên danh các nhà đầu tư, đại diện là 4 lãnh đạo đến từ 3 đơn vị: Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát; Ông Cấn Hồng Lai – Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Mạnh Tiến – Trưởng phòng KHTT Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 – Cienco 1; Bà Thái Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành.

Liên quan đến công tác kiểm soát thu phí tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, mới đây, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố Biên bản kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) khai thác và quản lý.

Biên bản đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý, bởi, số tiền phí thu được của MPC trong những ngày có sự giám sát của Đoàn kiểm tra lại cao hơn đáng kể so với số liệu MPC tự ghi nhận và báo cáo lên Tổng cục, trước khi có những kiến nghị về sự thiếu minh bạch và nghi ngờ doanh gian lận từ phía Cienco 1 – một trong 3 cổ đông lập nên MPC (đó cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến Tổng cục đường bộ phải lập đoàn thanh tra vào giám sát hoạt động thu phí ở dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ).

Trích Biên bản kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) khai thác và quản lý.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra, giám sát trong thời gian 10 ngày (từ 18 giờ 00 phút ngày 10/7/2016 đến 18 giờ 00 phút ngày 20/7/2016) tại các trạm thu phí trên tuyến mà Đoàn kiểm tra ghi nhận, số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày là 17.509.300.000,0 đồng.

Nhấn mạnh là con số nêu trên mới chỉ là SỐ THU VÉ LƯỢT, chưa bao bao gồm số thu vé tháng 7 và vé quý III.

Báo cáo của MPC với đoàn cho biết, số thu vé tháng 7 là 5.123.250.000 đồng, số thu vé quý III là 5.766.390.000 đồng.

Như vậy, nếu tính gộp cả vé lượt, vé tháng (tháng 7 có 31 ngày), vé quý (quý III có 92 ngày), thì tổng doanh thu thu phí tại tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày mà đoàn kiểm tra về giám sát sẽ là 19,789 tỷ đồng, tương ứng doanh thu trung bình trong một ngày sẽ là 1,979 tỷ đồng.

Trích Báo cáo số 276/BC-PVCG ngày 22/3/2016 của công ty BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ.

Trước đó, theo báo cáo số 276/BC-PVCG ngày 22/3/2016 của công ty BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ về tình hình thực hiện dự án chuyển tới các cổ đông thì doanh thu trong 6 tháng (từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016) của công ty này là 186.134.680.000 đồng. Trong đó, số liệu tháng 3  chưa cập nhật doanh thu vé lượt.

Dựa trên các số liệu trên, Cienco 1 - một trong 3 cổ đông của MPC - đã tính toán và nêu quan điểm: “Tuyến đường với mật độ phương tiện cao doanh thu thu phí hàng tháng trung bình 35 tỷ có nghĩa là khoảng 1,2 tỷ/ngày, đặc biệt có tháng 2/2016 là tháng có dịp Tết Nguyên đán, phương tiện đông hơn lại thấp hơn những tháng bình thường”.

Như vậy, so sánh với số liệu doanh thu thu phí trước đây mà MPC tự công bố (1,2 tỷ đồng/ngày), thì số liệu doanh thu thu phí của công ty trong các ngày có Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ giám sát (1,979 tỷ đồng/ngày) đã tăng đột biến, tới 66,67%.

Giang Nguyên Dũng