Hà Nội: Thêm 8 doanh nghiệp sẽ thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020

VietTimes -- Tập thể lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vừa đồng ý đề xuất của Sở Tài chính về việc bổ sung thêm 08 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND TP thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016-2020.
Hanel là một trong những thương hiệu nằm trong Kế hoạch thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội.
Hanel là một trong những thương hiệu nằm trong Kế hoạch thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 98/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp bổ sung các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố thực hiện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố kết luận: Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố theo nguyên tắc đối với các doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối theo quy định của Chính phủ thì thoái hết vốn nhà nước.

Đồng ý đề xuất của Sở Tài chính về bổ sung 08 (tám) doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND Thành phố thực hiện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020.

UBND TP giao Sở Tài chính hoàn thiện dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 28/02/2017.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 96 doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong số này có 66 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con và doanh nghiệp độc lập 100% vốn Nhà nước; 30 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội.

Trong đó, Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội có nhiều công ty con phải thực hiện nhất, gồm 16 công ty; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị có 15 công ty; Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 9 công ty; Tổng công ty Du lịch Hà Nội có 9 công ty.

Ngoài ra, kế hoạch thoái vốn này cũng có nhiều thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội như: Giầy Thượng Đình, Nhựa Hà Nội, Dệt Minh Khai, Hanel, Thống Nhất Hà Nội.