Hàng loạt di dân và sinh viên trong diện bị cấm, nhưng có visa hợp lệ nhân cơ hội sắc lệnh bị đình chỉ để bay sang hoặc hay trở lại nước Mỹ trước khi thắng bại được phân định.
Sắc lệnh di trú của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống siêu cường Mỹ tiếp tục bị công luận trong lẫn ngoài nước Mỹ công kích là kỳ thị và phân biệt đối xử. Đặc biệt, chính bên trong nước Mỹ, sắc luật bị xem là đi ngược lại truyền thống tự do và nhân đạo của Mỹ bị chống phá kịch liệt từ nhiều giới.
Trên mặt trận pháp lý, trận đấu diễn ra tại toà phúc thẩm liên bang San Francisco mà phần thua đầu tiên nghiêng về phía Nhà Trắng. Ngày 5/2/2017, đơn kháng cáo của bộ tư pháp nộp vào chiều hôm trước, chống lại một phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, tiểu bang Washington, đã bị toà phúc thẩm bác bỏ.
24 giờ trước, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle , do tổng thống George W Bush bổ nhiệm, ra phán quyết đình hoãn sắc lệnh gây tranh cãi của tổng thống Donald Trump.
Như vậy, tân chủ nhân của Nhà Trắng bị thua keo đầu tiên. Công dân 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi ( Libya,Somalia,Iran, Iraq, Syria,Yemen và Soudan) và dân tị nạn tiếp tục được sang Mỹ. Tuy nhiên theo AFP, cánh cửa hé mở này có thể bị đóng lại nhanh chóng. Donald Trump là một người đa mưu và không có thói quen nhượng bộ. Ông cho biết đã chỉ thị cho bộ an ninh nội địa «kiểm soát nghiêm nhặt hơn những người đến Mỹ mà tư pháp làm công việc này trở thành rất khó khăn».
Một cách chi tiết, tòa phúc thẩm liên bang San Francisco đòi hai bên xung khắc phải cung cấp thêm bằng chứng và lập luận. Kỳ hạn chót của hai tiểu bang Washington và Minnesota, bên nguyên đơn, vào lúc 11h59 phút đêm 5/2/2017, giờ địa phương. Còn bộ tư pháp Mỹ thì đến trưa ngày 6/2.
Chủ nhật, chính quyền Trump cử phó tổng thống Mike Pence đến các đài truyền hình để «giải thích và thuyết phục công luận về tính chính đáng của sắc lệnh nhằm bảo vệ Mỹ chống khủng bố». Ông Mike Pence tuyên bố một cách tự tin chính phủ sẽ thắng trên mặt trận pháp lý.
Phe chống đối cũng huy động lực lượng biểu tình tại New York và ở các thủ đô phương Tây. Tại Mỹ, cựu ngoại trưởng Madeleine Albright (Dân chủ) và cựu cố vấn an ninh Stephen Hadley (Cộng hòa) xuất hiện trên đài truyền hình CNN. Người thứ nhất chỉ trích tính chất «lừa dối và thiếu cơ sở» của sắc lệnh, còn người thứ hai nhấn mạnh đến «khuyết điểm chính trị của cách vận hành».
Trong khi chờ đợi tòa phúc thẩm San Francisco ra phán quyết sau cùng với khả năng dây dưa, kẻ thua kéo người thắng lên tận Toà án Tối ao, bộ ngoại giao Mỹ mà trong nội bộ cũng chống lại Donald Trump, đã nhanh chóng xếp sắc lệnh nhập cư qua một bên. Hệ quả là khoảng 60.000 visa nhập cảnh bị đình chỉ đã được tái lập giá trị. Giới luật sư thúc giục thân chủ khẩn cấp lên máy bay còn các hãng hàng không quốc tế đón nhận lại hành khách từ 7 quốc gia trong danh sách đen trong các chuyến bay sang Mỹ sau vài ngày gián đoạn.