Tehran cho biết các biện pháp trả đũa sẽ được duy trì chừng nào Mỹ dỡ lệnh. Iran là quốc gia có phản ứng chính thức đầu tiên trong số 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi trong lệnh cấm của ông Trump. Sáu nước còn lại là Iraq, Libya, Syria, Sudan, Yemen và Somalia.
Iran và Mỹ không có quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, tuy nhiên hiện nay có khoảng một triệu người Iran định cư tại Mỹ và rất nhiều người Iran tới Mỹ hàng năm.
Sắc lệnh nói trên rõ ràng cho thấy tổng thống Trump không muốn tiếp tục chính sách có phần thân thiện của chính quyền Obama với Iran. Quyết định của ông Donald Trump được đưa ra đúng vào lúc Teheran đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với bên ngoài, sau khi thỏa thuận về hạt nhân được ký kết.
Tổng thống Iran Rohani dù không phản ứng trực tiếp về sắc lệnh cấm công dân nhiều nước Hồi giáo vào Mỹ trong ba tháng, nhưng ông nhấn mạnh rằng cái thời của những bức tường ngăn cách giữa các quốc gia «đã thuộc về quá khứ».
Ngày 29/2, trả lời Reuters, bộ trưởng ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết «rất lấy làm tiếc về chính sách này». Indonesia – quốc gia đông đảo người theo Hồi giáo nhất thế giới – không nằm trong nhóm 7 nước nói trên. Theo ngoại trưởng Indonesia, công dân nước này đang làm thủ tục vào Mỹ hiện không gặp trở ngại.
Sứ quán Indonesia tại Mỹ đã khuyến cáo các công dân nên bình tĩnh, tôn trọng luật pháp Mỹ, nhưng cần giữ cảnh giác, và sẵn sàng liên hệ với Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ nếu các quyền của mình bị xâm phạm. Tại Mỹ, có hàng trăm ngàn người Indonesia cư trú.
Phản ứng lại sắc lệnh của ông Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định trên trang tweeter cá nhân, Canada sẽ đón nhận người tị nạn «không phân biệt tôn giáo». Cùng với thông điệp nói trên là bức ảnh cho thấy thủ tướng Canada tới sân bay để đón chuyến bay đầu tiên chở người tị nạn Syria đến Canada hồi tháng 12/2015. Kể từ đó, hơn 35.000 người Syria đã được tiếp nhận tại Canada.
Mặc dù không nằm trong số các nước bị tác động bởi lệnh cấm của Mỹ, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim đã lên án chính sách của Donal Trump, cho rằng: «Chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề người tị nạn bằng những bức tường».
Một ủy ban của quốc hội Iraq ngày 29/1 đã đề nghị chính phủ nước "hành động có qua có lại" đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của của ông Donald Trump. Các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Mỹ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.
Và họ cảnh báo với Nhà Trắng rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS. Tại Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm tiêu diệt IS ở hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm vì rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Mỹ.
Trong khi đó, những người đứng đầu của một số công ty lớn ở Mỹ đã hợp sức chỉ trích nghị định của Tổng thống Donald Trump về người tị nạn, Mashable đưa tin.
"Apple sẽ không thể tồn tại thiếu người nhập cư, chứ đừng nói đến phát triển và thăng hoa như bây giờ", ông Tim Cook, giám đốc điều hành hãng Apple cho biết.
Ông Tim Cook nhận xét rằng sắc lệnh mới của ông Trump ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhân viên của công ty và hãng sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ họ. Theo người đứng đầu Apple, công ty hiện đã liên lạc với Nhà Trắng và cố gắng giải thích tác động tiêu cực do lệnh này gây ra.
CEO của Uber, Travis Kalanick cũng bày tỏ mối lo ngại về chính sách của Tổng thống và cho biết nhân viên của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Theo lời ông Kalanik, sắc lệnh này ảnh hưởng tới "hàng ngàn lái xe của hãng".
Tham gia phê phán sắc lệnh của tổng thống Donald Trump còn có lãnh đạo hãng Netflix Reed Hastings, và người đứng đầu của Twitter, Jack Dorsey. Hai người nói rằng công ty của họ đã gặt hái thành công nhờ có người nhập cư làm việc. Dorsey nói rằng nghị định mới gây tổn hại cho nền kinh tế và không mang tính nhân đạo.