Việt Nam có sức mạnh quân sự xếp thứ 17 thế giới

Theo bảng xếp hạng mới nhất được đăng tải trên trang Global Fire Power, Việt Nam đứng thứ 17 trong danh sách 126 lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới.
Lực lượng đặc công tinh nhuệ của Việt Nam
Lực lượng đặc công tinh nhuệ của Việt Nam

Global Fire Power (GFP) mới đây công bố danh sách xếp hạng năm 2016 sức mạnh quân sự của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên các dữ liệu công khai từ các nguồn mở như báo chí, các chuyên trang quân sự và báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Mỹ đứng đầu trong danh sách còn Cộng hòa Trung Phi xếp cuối cùng. Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2015, lọt vào top 20 và đứng ở vị trí 17, trên các nước như Ba Lan, Thái Lan, Iran, Canada, và Australia.

10 nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới lần lượt là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, và Italy.

Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 17 thế giới trong năm 2016. Ảnh:GlobalFire Power.

Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 17 thế giới trong năm 2016. Ảnh:GlobalFire Power.

Sức mạnh quân sự các quốc gia, vùng lãnh thổ được GFP xếp loại dựa trên chỉ số PwrIndx, trong đó chỉ số PwrIndx lý tưởng là 0,0000. Quốc gia, vùng lãnh thổ nào có chỉ số PwrIndx càng thấp thì thứ hạng trên bảng xếp hạng càng cao.

Chỉ số PwrIndx của GFP không đơn thuần dựa vào tổng số binh sĩ chính quy hay tổng số vũ khí của các quân binh chủng mà tập trung nhiều hơn về tốc độ hiện đại hóa, tốc độ mua sắm cũng như mức độ đa dạng vũ khí của mỗi nước và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, GFP còn dựa trên 50 yếu tố có ý nghĩa quyết định về tiềm năng đương đầu với các cuộc chiến tranh thông thường bao gồm các yếu tố liên quan đến nguồn lực con người (quân số dự phòng), tài nguyên, vị trí địa lý, tài chính, sức mạnh của các quân binh chủng, khả năng huy động hậu cần. Các loại vũ khí hạt nhân không được tính đến như một tiêu chí xếp hạng.

Global Fire Power là trang web quân sự phi chính phủ của Mỹ, chuyên đánh giá về tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của các quốc gia trên thế giới dựa trên các dữ liệu công khai do chính phủ các nước công bố.