Chỉ al-Assad buồn khi Nga rời Syria

Sự kiện Nga rút quân khỏi Syria nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Nhưng có một người chắc chắn rất buồn. Đó chính là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Giới quan sát cho rằng ông Putin rút quân khỏi Syria để ép ông Assad chấp nhận giải pháp hòa bình Ảnh: Reuters
Giới quan sát cho rằng ông Putin rút quân khỏi Syria để ép ông Assad chấp nhận giải pháp hòa bình Ảnh: Reuters

Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin bây bất ngờ nhưng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Đáng chú ý nhất là phản ứng tích cực từ phía Saudi Arabia, thế lực bảo trợ chính cho phe đối lập, và Iran, thế lực chống lưng cho chính quyền al-Assad. Tại Riyad, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeiir mô tả đây là diễn biến “rất tích cực”.

Ông al-Jubeiir bày tỏ hi vọng rằng động thái của Nga “sẽ buộc al-Assad phải nhượng bộ” trong đàm phán hòa bình ở Geneve (Thụy Sĩ), đồng thời bác bỏ tin đồn rằng “có một thỏa thuận đổi chác” giữa Saudi với Nga liên quan đến giá dầu, dẫn đến việc Nga rút quân khỏi Syria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Jawad Zareef coi quyết định của Nga là “tín hiệu tích cực cho tiến trình ngưng bắn” và cho rằng cho rằng Moscow không cần phải để quân ở lại Syria. Giới phân tích nhận định Iran hài lòng với việc Nga rút quân, bởi khi đó Iran sẽ lấy lại vai trò ảnh hưởng chính với chính quyền al-Assad.  

Mỹ và phương Tây đều hoan nghênh việc Nga rút quân khỏi Syria, tuy vẫn có những hoài nghi nhất định.  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Nga rút quân đồng thời khởi động đàm phán hòa bình “là cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria”. Ông Kerry sẽ công du đến Moscow vào tuần tới để thảo luận trực tiếp với ngoại trưởng Nga về “vấn đề Syria”.

Giới ngoại giao Mỹ lạc quan, nhưng giới quân sự Mỹ tại Trung Đông thì dè dặt hơn. Người pháp ngôn lực lượng Mỹ tại Iraq cho rằng Nga chỉ rút khỏi Syria một số lượng khí tài “rất hạn chế”. Theo ông này, sức mạnh chiến đấu của Nga trên thực địa “vẫn như cũ, chỉ có không quân giảm bớt chút ít”. Liên minh quốc tế chống IS “vẫn đang băn khoăn chưa rõ chủ đích thật sự của Nga thế nào?”

Còn Ngoại trưởng Anh Philip Hammond dè chừng cảnh báo Nga có thể lại “nói một đằng làm một nẻo”. Và đôi bên Syria kình chống nhau lại thể hiện thái độ trái chiều. Phe đối lập Syria coi đó là “tín hiệu tích cực”. Chủ tịch Liên minh đối lập Ins al-Abada bày tỏ hi vọng “sắp tới Nga sẽ rút hoàn toàn”.

Chỉ có chính quyền Syria là bên duy nhất hiện nay thực sự không hài lòng với quyết định của Nga. Ngoại trưởng Syria Waleed al-Mu’allem tỏ ra bực dọc khi tuyên bố trên truyền hình rằng “không ai có quyền sắp đặt việc bầu tổng thống ở Syria”. Tuyên bố này thể hiện phản ứng trực tiếp của Damascus đối với nội dung thứ ba của vòng đàm phán Geneve bắt đầu ngày 14/3, về tổ chức bầu quốc hội và tổng thống Syria dưới sự giám sát của LHQ.

Giới quan sát nhận định tuyên bố của ngoại trưởng Syria là phản ứng ngầm thể hiện sự bực bội với Nga. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Syria al-Maqdad tức tốc bay sang Tehran để thảo luận với chính quyền Iran. Ông Al-Maqdad được ông Ali Akba’r Waliyati, cố vấn chính trị của lãnh tụ tối cao Ali Khamaneii vấn an rằng “Nga đã thông báo với Iran là họ sẽ trở Syria khi chính quyền Syria yêu cầu”.

Trang mạng Aawsat.com ngày 17/3 đưa tin “theo một nguồn ngoại giao Arab cao cấp từ Moscow”, ông al-Assad và ông Putin đã “điện đàm nảy lửa” sau khi tổng thống Nga bất ngờ thông báo việc rút quân. Trong cuộc điện đàm này, Putin trình bày với al-Assad những đề xuất liên quan đến đàm phán Geneve Ông al-Assad coi đó là “một đòn giáng mạnh vào liên minh Syria - Nga - Iran.

Vấn đề là chính quyền al-Assad lo ngại Nga sẽ cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Arab áp đặt giải pháp chính trị để khôi phục hòa bình ở Syria. Và tại đó, ông al-Assad không còn vai trò gì và chế độ hiện hữu có thể bị xóa sổ.

Theo Zing