Indonesia, Malaysia “ngồi trên lửa” vì hạm đội tàu cá Trung Quốc

Mặc dù không kịch tính như các diễn biến ở phía Đông, song những động thái ở phía nam Biển Đông đang hé lộ một bầu không khí thù địch bao trùm hoạt động giao thương trên biển, khai thác năng lượng và tài nguyên biển, đặc biệt là hoạt động đánh bắt cá, Stratfor đánh giá.
"Hạm đội" tàu cá của Trung Quốc hùng hổ kéo vào lãnh hải của các nước khác với sự bảo kê của các tàu hải cảnh
"Hạm đội" tàu cá của Trung Quốc hùng hổ kéo vào lãnh hải của các nước khác với sự bảo kê của các tàu hải cảnh

Các hoạt động của Trung Quốc ở phía Nam Biển Đông đang thu hút nhiều sự chú ý. Xung quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Mỹ, Nhật Bản và các đối tác khu vực (chủ yếu là Việt Nam và Philippines) đang mở rộng hợp tác an ninh để đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, ở phía Nam vùng biển này, quan hệ của Trung Quốc với Indonesia và Malaysia hầu như chưa thu hút nhiều sự chú ý. Mặc dù không kịch tính như các diễn biến ở phía Đông, song những động thái ở phía Nam đang hé lộ một bầu không khí thù địch bao trùm hoạt động giao thương trên biển, khai thác năng lượng và tài nguyên biển (đặc biệt là hoạt động đánh bắt cá).

Ngày 19/3, hai tàu Trung Quốc đã ngăn cản một tàu tuần tra của Indonesia tịch thu một tàu cá của Trung Quốc khi đang hoạt động ở gần quần đảo Natuna. Phía Indonesia tuyên bố tàu cá này đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này, song phía Trung Quốc khẳng định khu vực này là “ngư trường truyền thống” của họ. Mặc dù giới chức Indonesia không tịch thu được tàu cá, song họ đã bắt giữ các ngư dân trên tàu. Các quan chức nước này cũng đe dọa đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay (Hà Lan) và sẽ dùng các tàu lớn hơn để phản ứng trước những vụ việc tương tự trong tương lai.

Trong một vụ việc tương tự ngày 25/3, khoảng 100 tàu đánh cá của Trung Quốc bị cáo buộc là xâm phạm vùng biển gần bãi cát ngầm Luconia hiện do Malaysia quản lý song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Có tin hai tàu tuần tra ven biển của Trung Quốc đi theo bảo vệ những tàu cá này. Hải quân Malaysia theo dõi tình huống, đe dọa sẽ có hành động pháp lý nếu những tàu này đi vào trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không công nhận phán quyết của tòa. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự, cũng như đánh cá để củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình không chỉ ở Bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa, mà còn cả ở vùng biển phía Nam Biển Đông.

Indonesia và Trung Quốc không có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông, và Trung Quốc công nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna. Tuy nhiên, do đường lưỡi bò của Trung Quốc gây ra sự chồng lấn về lãnh thổ, nên hai quốc gia này thường xuyên tranh cãi về quyền đánh cá. Năm 2015, Indonesia đã phá hủy một tàu cá của Trung Quốc. Trước đó, vào các năm 2010 và 2013, Indonesia đã tìm cách tịch thu các tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp ở ngoài khơi đảo Natuna, mặc dù các tàu thực thi luật hàng hải của Trung Quốc đã ngăn cản được Indonesia trong cả hai trường hợp.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Indonesia đều cố gắng tháo ngòi nổ căng thẳng cho các vụ trên, và có thể lần này họ sẽ làm được điều đó. Tóm lại, Trung Quốc sẽ chọn giải pháp kiềm chế, thay vì khiến một quốc gia vốn tự phong là nhà kiến tạo hòa bình của khu vực quay sang ủng hộ những nước đang phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặt khác, Indonesia cũng không muốn chọc giận Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang mở rộng hợp tác biển và quan hệ kinh tế với chính phủ Trung Quốc. Tương tự, Malaysia cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mặc dù hai nước vẫn thường tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và quyền đánh cá.

Ở phía Đông, các cuộc tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough không có được sự kiềm chế như vậy. Ở đây, Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với việc quân đội Mỹ và Nhật Bản tăng cường hỗ trợ những đối thủ của họ trong tranh chấp Biển Đông, đồng thời ngăn cản Trung Quốc nổi lên như một cường quốc khu vực.

Trong khi đó, các mối liên kết về quân sự và an ninh giữa một bên là Mỹ, Nhật Bản và một bên là Indonesia, Malaysia chưa được khai thác. Malaysia và Indonesia muốn giữ nguyên trạng, chủ yếu do họ không muốn phải chọn đứng về phe nào cũng như không muốn đánh mất mối quan hệ đem lại nhiều lợi ích với Trung Quốc hay làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và khu vực.

Mỹ và các đối tác khu vực đang tìm cách tập hợp một mặt trận đoàn kết để chống lại những hoạt động bành trướng của Trung Quốc, mà cụ thể là phối hợp các hoạt động tuần tra trên biển và trên không cũng như một số biện pháp an ninh khác. Tuy nhiên, nếu thiếu sự can thiệp quân sự, họ không thể ngăn cản được các hoạt động bồi đắp, quân sự và đánh bắt cá của Trung Quốc. Họ có thể lôi kéo Indonesia và Malaysia về phe họ, song hai nước này sẽ thận trọng trong việc thách thức Trung Quốc.

Và Trung Quốc cũng sẽ chuẩn bị đối phó với những kịch bản này. Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh những hoạt động quân sự tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi thúc đẩy sự can dự kinh tế với Indonesia và Malaysia để những nước này không liên kết với các nước khác trong khu vực chống lại họ.