Đó là thông tin được đưa ra tại Họp báo kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước.
Cụ thể, có nhiều đơn vị lỗ lớn như: Vinalines lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ hơn 471 tỷ đồng, Vinaincon lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.
Song song với đó, theo Kiểm toán Nhà nước, có một số đơn vị có nợ khó đòi lớn như: Mobifone công ty mẹ là 312,8 tỷ đồng, chiếm 30,4% nợ phải thu; Công ty VNPT- Global là 14,39% (chiếm 10,3%); Hapro là 376,65 tỷ đồng (chiếm 25,7%); Vinataba- văn phòng TCT là 86,64 tỷ đồng (chiếm 4,6%); EVN với Tổng công ty điện lực miền Bắc 49,8 tỷ dồng; TCT Điện lực miền Nam 16,7 tỷ đồng; TCT Điện lực TPHCM với 34,3 tỷ đồng…
Ngoài ra, cũng trong năm 2014, 2015 nhiều Tổng công ty thực hiện mua sắm ô tô vượt mức cho phép cả tỷ đồng như: Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) - Công ty mẹ mua xe Toyota 4Runner 2,25 tỷ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép tới 1,21 tỷ đồng. Công ty CP Xây dựng số một - Việt Nguyên mua xe Mecedes Benz và thanh lý xe Audi không đúng Quy chế tài chính của đơn vị.
Đánh giá vấn đề nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ và có nợ khó đòi, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2014 nền kinh tế trong nước có bước phục hồi nhanh hơn so với thế giới nhưng môi trường kinh doanh và hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trong khi, đó yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút.