3 rủi ro lớn ảnh hưởng đến Facebook vào thời điểm này

VietTimes – Các nhà phân tích của hãng Macquarie Research đã nêu ra 3 rủi ro lớn đối với Facebook từ vụ bê bối Cambridge Analytica. Người khổng lồ mạng xã hội đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử công ty. 50 tỷ USD của Facebook đã “bốc hơi” chỉ sau hai ngày khủng hoảng. 
Facebook đang đối diện với scandal lớn (ảnh: The New York Post)
Facebook đang đối diện với scandal lớn (ảnh: The New York Post)

Các nhà phân tích của hãng Macquarie Research đã nêu ra 3 rủi ro lớn đối với cổ phiếu Facebook từ vụ bê bối Cambridge Analytica: Nguy cơ chính trị và pháp lý cho Facebook, sự mất lòng tin của người dùng vào các phương tiện truyền thông xã hội, và Mark Zuckerberg có những những hành động triệt để hơn để đổi phó với vụ bê bối Cambridge Analytica.

Các nhà phân tích nói rằng 3 yếu tố trên đây sẽ gây ảnh hưởng lớn để giá cổ phiếu của Facebook trên thị trường chứng khoán. Đúng như vậy, tính cho đến hết ngày hôm qua, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 8,1% và gần 50 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi Facebook.

Rủi ro thứ nhất: chính trị và pháp lý

Nguy cơ này là khá rõ ràng. Các nhà điều tra Anh quốc đang xin một lệnh khám xét khẩn cấp văn phòng của Cambridge Analytica tại Anh. Ở Mỹ, hai thượng nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi CEO Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội.

Vì vậy, mối nguy cơ chính trị và pháp lý rất rõ ràng với Facebook. Nó có thể không liên quan trực tiếp đến những gì mà Cambridge Analytica đã làm, nhưng các nhà làm luật muốn tìm hiểu nó đã xảy ra như thế nào.

Điều này có thể khiến các công ty công nghệ cao lo lắng. Sẽ có những quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ trong thời gian tới. Người sáng tạo ra world wide web, ông Tim Berners-Lee, gần đây đã nói rằng "một khuôn khổ pháp lý hoặc quy định" có thể là cần thiết cho các công ty công nghệ.

Rủi ro thứ hai: mọi người bắt đầu chán ghét mạng xã hội

3 rủi ro lớn ảnh hưởng đến Facebook vào thời điểm này ảnh 1ảnh minh họa: The Health Site

Các nhà phân tích của Macquarie Research nói rằng “dường như” người dùng đang nhen nhóm những ý nghĩ tiêu cực về các phương tiện truyền thông xã hội. Vụ việc của Cambridge Analytica càng khiến cho lòng tin của người dùng suy giảm.

Năm ngoái, tạp chí London Review of Books đã xuất bản một bài báo dài về Facebook có tiêu đề là “Bạn chính là sản phẩm của Facebook”. Còn nhà báo Farhad Manjoo của tờ New York Times thì viết rằng ông đã không tìm kiếm các tin tức từ mạng xã hội trong hai tháng qua (bài báo “Cuộc sống đã thay đổi”).

Macquarie Research thừa nhận rằng họ không có nhiều dữ liệu điều tra về thói quen sử dụng mạng xã hội của người dùng. Nhưng một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10 năm ngoái cho thấy gần hai phần ba số học sinh được hỏi cho biết chúng không quan tâm đến việc mạng xã hội có tồn tại hay không.

Rủi ro thứ ba: Mark Zuckerberg có thể hành động triệt để hơn

Cuối cùng, các nhà phân tích băn khoăn về việc Zuckerberg sẽ giải quyết vấn đề của Cambridge Analytica như thế nào.

“Chúng tôi nghĩ Facebook có thể hành động triệt để hơn hạn chế việc sử dụng thông tin người dùng cho mục tiêu quảng cáo, chia sẻ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến bảo mật khác. Điều này có thể khiến họ giảm khả năng kiếm tiền từ dữ liệu người dùng”.

Zuckerberg có thể hạn chế các quảng cáo chính trị, hoặc giới hạn số lượng dữ liệu được chia sẻ với các nhà quảng cáo. Điều đó có thể giúp người khổng lồ mạng xã hội giảm bớt sức ép từ công luận mấy ngày qua, nhưng nó cũng sẽ khiến cho hãng mất khá nhiều tiền.

Hiện Mark Zuckerberg vẫn chưa đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào về sự cố Cambridge Analytica. Cả cấp phó của ông là bà Sheryl Sandberg cũng vậy. Người ta chỉ biết rằng Facebook đã có một cuộc họp khẩn nội bộ để tìm cách đối phó với sự cố này. 
Đọc thêm: