Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hôm 10-7 Ảnh: THANH HOÀI |
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 31-5, tổng tiền nợ thuế của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt là Công ty Bồng Miêu) và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (gọi tắt là Công ty Phước Sơn, cùng thuộc Tập đoàn Besra) lên đến trên 430,7 tỉ đồng.
Công ty Bồng Miêu hiện đã hết hạn khai thác trong khi vẫn nợ hơn 103 tỉ đồng. Riêng Công ty Phước Sơn nợ gần 330 tỉ đồng, tạm ngừng hoạt động từ tháng 7-2014. Tuy nhiên, từ tháng 1-2016 đến nay, công ty này đã chuẩn bị tái hoạt động sản xuất, dự kiến tháng 8-2016 sẽ chính thức đưa nhà máy hoạt động lại.
Công ty Phước Sơn được Ngân hàng TMCP Việt Á bảo lãnh trả nợ thuế trong 12 tháng, kể từ ngày 15-8 tới. Tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ cơ chế bảo lãnh, việc trả nợ thuế này. Ngày 11-7, Cục Thuế sẽ có trả lời chính thức. Theo ông Đinh Văn Thu, nếu bảo đảm đúng các quy định pháp luật, việc trả nợ thuế khả thi, Công ty Phước Sơn mới có thể được cho phép hoạt động trở lại.
Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải kiên quyết xử lý và buộc doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ rồi mới xem xét cho sản xuất trở lại. “Nếu doanh nghiệp khai thác vàng chưa nộp thuế và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì dứt khoát phải đóng cửa mỏ. Khi họ đã nộp thuế, nếu muốn được phép hoạt động trở lại thì phải bảo đảm về môi trường. Các bộ, ngành liên quan và tỉnh cần có nghĩa vụ thẩm định thật kỹ rồi mới cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp khai thác vàng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Trương Hòa Bình cũng đề nghị xem xét rõ việc ngân hàng xin bảo lãnh trả nợ thuế cho Công ty Phước Sơn. Việc bảo lãnh không thể nói chung chung mà phải xem xét về chế tài, trách nhiệm của ngân hàng trong việc trả nợ thuế, thời hạn trả nợ, hình thức xử lý nếu không nộp thuế…
Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam xử lý nghiêm những trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Trong các trường hợp nhất định, có thể xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính thông thường nhằm nâng cao tính răn đe đối với những chủ bãi, người cầm đầu khai thác khoáng sản trái phép.
Theo NLĐ