Xung quanh việc Elon Musk tìm cách nhượng lại cổ phần Twitter

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Twitter dưới 'triều đại' của Elon Musk chưa cho thấy sự cải thiện về khả năng kiếm tiền và ông chủ của mạng xã hội này đang tìm cách sang nhượng cổ phần để huy động nguồn vốn mới.
Xung quanh việc Elon Musk tìm cách nhượng lại cổ phần Twitter (Ảnh: Fox)
Xung quanh việc Elon Musk tìm cách nhượng lại cổ phần Twitter (Ảnh: Fox)

Đội ngũ của Elon Musk đã liên hệ với các nhà đầu tư để huy động vốn mới cho nền tảng truyền thông mạng xã hội Twitter đang gặp khó khăn, Reuters dẫn lời một nhà đầu tư cho biết.

Mức giá chào bán là 54,2 USD/cổ phiếu – đúng bằng mức giá mà Elon Musk đã chi ra để trở thành chủ mới của Twitter hồi tháng 10/2022.

Jared Birchall – Giám đốc điều hành văn phòng gia đình của Elon Musk – được tin rằng đã có những liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng.

Nguồn vốn mới sẽ được Elon Musk sử dụng cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, bao gồm việc 'tuyển dụng' các lập trình viên để xây dựng một 'siêu ứng dụng' có thể xử lý hoạt động thanh toán và một số dịch vụ khác, theo nguồn tin của Financial Times.

'Họ đã cạn tiền nên mới làm điều đó. Tôi không nghĩ [Musk] lường trước được việc doanh thu giảm mạnh như vậy", Ross Gerber – nhà đầu tư đã tham gia 'deal' Twitter hồi tháng 10/2022 – chia sẻ.

Như VietTimes từng đề cập, Elon Musk được cho là đang chịu nhiều áp lực tài chính sau khi thu xếp 44 tỉ USD để mua lại Twitter bằng vốn vay (LBO).

Thương vụ của Musk khiến Twitter phải gánh thêm khoản nợ 13 tỉ USD. 'Núi nợ' này có mức lãi hàng năm ước khoảng 1 tỉ USD.

Nên biết, trong năm 2021, dòng tiền của Twitter chưa đến 1 tỉ USD. Đồng nghĩa, nền tảng mạng xã hội này đang tạo ra ít tiền hơn số lãi nó phải trả.

Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Musk đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, nổi bật là việc sa thải một nửa số nhân viên và đưa ra các chính sách kiểm duyệt nội dung mới.

Tuy nhiên, những động thái này gây ra sự hỗn loạn ở Twitter. Sự ra đi hàng loạt của các lãnh đạo cấp cao và kế hoạch kiểm duyệt nội dung mới của Musk được cho rằng là nguyên nhân chính khiến nhiều thương hiệu lớn rời bỏ mạng xã hội này.

Nguồn thu quảng cáo, nhấn mạnh rằng, có đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Twitter.

Elon Musk và các cố vấn cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu cho mạng xã hội này.

Theo The New York Times, vị tỷ phú đã tham gia các cuộc thảo luận về việc bổ sung các tin nhắn trực tiếp có trả phí – cho phép người dùng gửi tin nhắn riêng tư tới những người dùng nổi tiếng.

Họ cũng đã bàn về việc thêm các video “có tường phí” – người dùng phải trả phí để xem một số video nhất định - trên Twitter.

Nhóm của Musk cũng tính đến việc hồi sinh Vine, một nền tảng video dạng ngắn một thời, có thể thu hút khán giả trẻ hơn mà các nhà quảng cáo thèm muốn./.

Nguồn tham khảo: Financial Times, Reuters, The New York Times