Việc Elon Musk thâu tóm mạng xã hội Twitter là một trong những thương vụ 'hỗn loạn và đầy màu sắc'. Nó chỉ được hoàn tất trước 15 phút trước hạn chót mà tòa án đã đặt ra cho người đàn ông giàu nhất thế giới.
Thương vụ 44 tỉ USD đã mở ra một chương mới trong lịch sử hoạt động của Twitter. Trong khi đó, Elon Musk giờ đây còn được biết tới là 'ông trùm truyền thông mạng xã hội'.
Cuối tháng 3/2022, Elon Musk bất ngờ mua vào 9% cổ phần và đề nghị nắm giữ 1 ghế trong hội đồng quản trị của Twitter. Sau khi mối quan hệ với cựu giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal xấu đi, Musk đổi ý, quyết định mua lại toàn bộ công ty này.
Vị tỷ phú ban đầu đưa ra lời đề nghị 44 tỉ USD nhưng sau đó đã tăng lên 46,5 tỉ USD nhằm gây áp lực đàm phán. Và như đã thấy, bằng chiến lược 'trì hoãn', Musk sau cùng đã chốt 'deal' Twitter thành công với mức giá tương đương với lời đề nghị ban đầu: 44 tỉ USD.
Theo Financial Times, thương vụ đã thu hút những 'tay chơi' quyền lực nhất Phố Wall: JPMorgan Chase và Goldman Sachs với vai trò cố vấn của Twitter; Morgan Stanley và Barclays ở phe Musk. Đó là chưa kể giới thượng lưu ở Thung lũng Silicon và 'đội quân' luật sư hùng hậu.
Hậu thuẫn cho Musk là gói hỗ trợ tài chính có quy mô lên tới 13 tỉ USD – được cho là lớn nhất lịch sử Phố Wall – được một nhóm các nhà băng do Morgan Stanley đứng đầu thu xếp một cách nhanh chóng. Dẫn lời trên Financial Times, một nguồn tin liên quan đến hoạt động này đã miêu tả việc thẩm định hợp đồng là "dễ dàng" vì nó "không có gì cả".
Các ngân hàng này ban đầu nhận thấy ít rủi ro khi ủng hộ Musk nhưng được cho là nhanh chóng hối hận vì sự vội vàng của mình khi mặt bằng lãi suất tăng lên, còn cổ phiếu các công ty công nghệ bắt đầu lao dốc.
Trong bối cảnh đó, Morgan Stanley đã chạy đua để tìm kiếm các nhà đầu tư khác để mua lại quyền tiếp quản và san sẻ gánh nặng tài chính cho Musk.
Musk còn huy động được 7 tỉ USD từ sự hợp tác 'bất thường' giữa liên minh các nhà đầu tư, bao gồm: Larry Ellison – nhà đồng sáng lập Oracle Corp; sàn giao dịch tiền điện tử Binance; các công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz và Sequoia Capital.
Cùng với đó, Musk cũng tìm đến quỹ QIA của Hoàng tử Ả Rập Xê Út Alwaleed bin Talal.
Nên nhớ, Musk từng bán lượng lớn cổ phần Tesla trong năm 2021 để dồn lực cho thương vụ thâu tóm Twitter. Số tiền mà Musk thu về từ hoạt động này có thể lên tới 20 tỉ USD, theo ước tính của Reuters.
Những 'sói già Phố Wall' đằng sau thương vụ thâu tóm Twitter của Elon Musk (Ảnh: Fox) |
Elon Musk sẽ làm gì với Twitter?
Sau khi mua lại Twitter, Elon Musk sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ được cho là khó khăn hơn gấp bội: cố gắng vực dậy nền tảng mạng xã hội mà vị tỷ phú này yêu thích.
Twitter đang phải vật lộn để duy trì tốc độ phát triển so với các đối thủ và khôi phục doanh thu quảng cáo.
“Chief Twit” tuyên bố đã vạch ra những kế hoạch lớn để truyền cảm hứng cho tốc độ đổi mới sản phẩm nhanh hơn và chuyển sang các mảng kinh doanh mới, đồng thời tinh gọn bộ máy.
Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã sa thải Giám đốc điều hành Parag Agrawal; Giám đốc tài chính Ned Segal; Giám đốc Pháp chế và Chính sách Vijaya Gadde; và Tổng cố vấn Sean Edgett.
Musk còn cam kết khôi phục "quyền tự do ngôn luận" cho Twitter và hủy bỏ các lệnh cấm vĩnh viễn, mở đường cho cựu tổng thống Donald Trump trở lại trên nền tảng mạng xã hội này.
Ngoài ra, Musk từng ám chỉ mong muốn xây dựng Twitter thành một 'siêu ứng dụng' giống như WeChat. Đó sẽ là ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin, mua sắm, thanh toán và gọi xe trên cùng một nền tảng.
Changpeng Zhao - Giám đốc điều hành Binance - cho biết ông hy vọng sẽ giúp Musk “nhận ra một tầm nhìn mới cho Twitter”, bao gồm cả việc mở rộng “việc sử dụng và chấp nhận tiền điện tử và công nghệ blockchain". Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tiền điện tử khả năng sẽ là một phần trong kế hoạch của Musk./.
Nguồn tham khảo: Financial Times, Reuters