Xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công thương: Nâng ý thức lãnh đạo trước, bàn chuyện tiền sau

VietTimes -- Chiều 22/9, Bộ Công thương họp xử lý 12 dự án không hiệu quả thuộc Bộ. Trước đó, vào buổi sáng, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã đã thúc giục Bộ tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý các dự án này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh họp xử lý các dự án không hiệu quả. Ảnh TTXVN
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh họp xử lý các dự án không hiệu quả. Ảnh TTXVN

Chủ trì cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khá gay gắt khi nói về tiến độ xử lý các dự án thua lỗ. Bên cạnh việc liệt kê các vấn đề chồng chéo trong quản lý của các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng khẳng định có hiện tượng buông lỏng quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp không nghiêm trong chấp hành chủ trương pháp luật, không thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp.

Từ đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt vấn đề phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các dự án không hiệu quả của ngành trong việc chấp hành chỉ đạo chung của Chính phủ.

Tại Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh muốn các lãnh đạo tập đoàn phải sâu sát hơn nữa với các dự án thua lỗ thuộc Tập đoàn này. Cụ thể là phải kiểm tra công việc của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc các dự án DAP số 1 (Đình Vũ – Hải Phòng), DAP số 2 và đạm Ninh Bình…

Theo Vụ Kế hoạch Bộ Công thương, hiện có 3 dự án của Vinachem đang vận hành với phụ tải trên 80%, còn lại nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất theo kế hoạch từ ngày 25/8 đến 10/10. Tuy nhiên, cả 4 dự án đều đã có cải thiện đáng kể về kết quả sản xuất, kinh doanh, quan trọng là thu hẹp được mức độ thua lỗ.

Với các dự án thuộc PVN, Vụ Kế hoạch cho biết dự án PVTex vẫn chưa khởi động lại. Theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên là PVFCCo và PVCFC, BSR đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTex rà soát đánh giá thực trạng nhà máy thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng.

Từ đó, nếu các lãnh đạo dự án “tuân thủ không nghiêm, không chấp hành thì căn cứ theo thẩm quyền của Hội đồng thành viên để xem xét trách nhiệm, cần thiết thì có phương án thay thế và kiện toàn lại nguồn nhân lực và nhân sự các dự án” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vinachem phải bố trí đúng người có năng lực trong công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp trong xử lý các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn.

“Bộ sẽ có trách nhiệm với các đồng chí để cùng tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không phải vì đợi công tác cán bộ mà buông xuôi” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “nhắc” các lãnh đạo Vinachem.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu dự án PVTex như là điển hình cho sự thiếu giám sát, quản lý của lãnh đạo tập đoàn đã dẫn đến thua lỗ và ngưng dự án.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo PVN phải “tổ chức lại trong Hội đồng thành viên và các đầu mối của PVN hiện nay”.

Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định “Bộ sẽ làm việc với tập đoàn để rà lại trách nhiệm của từng đồng chí trong Hội đồng thành viên cũng như Tổng Giám đốc để đảm bảo vai trò trách nhiệm của từng cán bộ trong việc đảm bảo đúng thẩm quyền tại các dự án”.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo PVN nhắc lại đề nghị được áp dụng 2 biện pháp để xử lý các dự án thua lỗ tại tập đoàn. Đó là giữ nguyên chính sách nhập khẩu đối với nguyên liệu sơ xợi cũng như Ethanol như hiện nay.

Đồng thời, lãnh đạo PVN tiếp tục đề nghị Chính phủ đồng thuận với việc tạo cơ sở pháp lý và cho phép doanh nghiệp là cổ đông Nhà nước được phép góp vốn phục vụ việc chạy lại các dự án không hiệu quả hoặc thua lỗ.