Cụ thể, mức mua vào - bán ra của Eximbank là 21.305 VND (mua chuyển khoản 21.325 VND) và 21.400 VND.
Tham khảo các ngân hàng thương mại khác, mức giá bán ra phổ biến và vẫn giữ ổn định ở 21.370 VND. Theo đó, dường như Eximbank “một mình một ngựa” với mức cao khác biệt nói trên.
Mốc giá 21.400 VND không đại diện cho mặt bằng chung của thị trường. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh hiện nay, việc Eximbank nâng giá có thể xem là một phản ánh: những ai cần bán ra USD hẳn đã bán rồi.
Lệ thường những năm gần đây, quãng giao dịch cận Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND thường biến động mạnh, các ngân hàng thương mại rút giá xuống sâu trước nguồn cung chuyển đổi lớn. Có năm, mức giảm lên tới trên 100 VND, chênh lệch giá mua vào - bán ra cũng doãng rộng từ 60 - 70 VND lên tới 100 VND.
Năm nay điều đó không lặp lại. Nhưng không có nghĩa lượng cung ngoại tệ hạn chế, hay nhu cầu chuyển đổi sang VND phục vụ thanh toán, chi trả lương thưởng dịp cuối năm kém đi.
Thực tế, trên thị trường liên ngân hàng, hai tuần liên tiếp trước Tết Nguyên đán, giá USD giảm và giao dịch ở mức thấp, luôn nằm dưới ngưỡng 21.350 VND - ngưỡng Ngân hàng Nhà nước định hướng mua vào. Điều này cũng có nghĩa, trước nguồn cung dồi dào và giá rơi xuống dưới mức định hướng, nhà điều hành hẳn đã mua được ngoại tệ để gia tăng trở lại dự trữ ngoại hối.
Song, cũng chính với “nút chặn” 21.350 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào, tỷ giá USD/VND không rơi sâu. Hay mức độ cung ngoại tệ, mức độ chuyển đổi sang VND không còn phản ánh ở cặp tỷ giá trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại như những năm trước, mà phản ánh ở mức độ mua vào của Ngân hàng Nhà nước.
Mức độ mua vào của Ngân hàng Nhà nước không được công bố, thị trường thiếu đi một thông tin tham khảo cần thiết để lường định, đối với đại chúng. Tuy nhiên, trở lại sau kỳ nghỉ Tết, xu hướng tỷ giá có thể dự đoán được: sẽ không có những đợt giảm mạnh như những năm gần đây, những ai cần bán ngoại tệ hẳn đã bán dịp cao điểm chỉ trả vừa qua.
Như diễn biến tuần cận Tết, mốc 21.350 VND trở thành một chốt chặn, tỷ giá USD/VND gần như không thể xuyên qua. Ngân hàng Nhà nước đã “đón lõng” nguồn cung ngoại tệ ở giá đó, hay gián tiếp “bảo hộ” cho các quyết định găm giữ USD. Dĩ nhiên chặn giá để hỗ trợ xuất khẩu cũng là một cách nói. Còn tình huống nhà điều hành ngừng mua và để tỷ giá xuyên qua mốc 21.350 VND là khó xẩy ra, bởi họ đang đứng trước yêu cầu tiếp tục gia tăng được dự trữ ngoại hối.
Cũng chính vì có chốt chặn giá xuống đó, cùng với mức định hướng bán ra khi giá lên, diễn biến cung - cầu trên thị trường ngoại tệ tuần cận Tết, và cả sắp tới, không thực sự được phản ánh rõ nét qua giá. Sự can thiệp sớm hơn của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tiếng nói của thị trường “bé” đi.
Đó là, thay vì biên độ rộng hơn với +/-1%, thực tế hiện nay và thời gian tới thị trường gần như chỉ được “nói” trong khoảng -0,5% đến 0,7% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, với giá định hướng mua vào - bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 21.350 - 21.600 VND, thay vì khoảng rộng 21.243 - 21.673 VND theo mức sàn và trần quy định.
Can thiệp sớm hơn, canh biến động tỷ giá trong khoảng hẹp hơn biên độ cho phép như vậy cũng thể hiện quyết tâm giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng mặt khác, đây cũng chính là áp lực giữ ổn định, khi mà trong kỳ cao điểm chi trả vừa qua những ai cần bán ngoại tệ hẳn đã bán ra, mà phía trước nhà điều hành chỉ còn 1% “quỹ để dành” theo khoảng cam kết kiểm soát biến động cả năm 2015 không quá 2%, sau khi đã dùng 1% ngay từ đầu năm (ngày 7/1/2015).
Ngoài ra, như quán tính của dòng chảy, sau Tết Nguyên đán, dòng tiền VND qua mùa cao điểm chi trả sẽ trở lại ngân hàng. Tiền đồng nhiều lên cũng là một yếu tố được chú ý trong xu hướng của tỷ giá.
Theo VnEconomy