“Xe vua” lại lộng hành

Chủ các doanh nghiệp vận tải cho rằng nếu để logo “Kim Phát”, “Đức Hiếu”, “VTL”, “Lâm Vinh” trên đầu xe thì như có “lệnh bài” trong tay
“Xe vua” trên đường phố TP HCM với logo “Kim Phát” Ảnh: HẢI LIÊN
“Xe vua” trên đường phố TP HCM với logo “Kim Phát” Ảnh: HẢI LIÊN

Theo giới tài xế xe tải, sau khi Bộ Công an triệt phá 2 đường dây logo, tưởng chừng tình trạng “xe vua” sẽ lắng xuống. Thế nhưng, thời gian gần đây, ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An lại xuất hiện nhiều logo mới mang các tên: Kim Phát, Đức Hiếu, VTL, Lâm Vinh…

“Ai cũng thế cả…”

Chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP HCM cho biết do thường xuyên bị các lực lượng chức năng kiểm tra, mới đây, ông phải dán logo “Kim Phát” để lưu thông được dễ dàng. “Tôi có hơn chục xe thùng (xe tải) đều đi bằng logo “Kim Phát” và từ đó tới nay, chưa hề bị lập biên bản” - người này nói. 

Cũng theo chủ doanh nghiệp này, để được dán logo “Kim Phát” lên xe, mỗi tháng ông phải trả cho chủ logo 4,5 triệu đồng/xe. Không chỉ có các nhà xe ở khu vực TP HCM mà nhiều chủ doanh nghiệp khác ở các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều phải nhờ logo “Kim Phát” và xem nó như “bùa hộ mệnh” bất khả xâm phạm. 

Ông T., chủ một doanh nghiệp chuyên vận chuyển cám ở tỉnh Bình Dương, cho biết logo “Kim Phát” bao các tuyến đường vành đai như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và khu vực ra vào các cảng Cát Lái, Tân Thuận, Khánh Hội. Ngoài ra, logo này có thể đi đến tận Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, tùy vào quãng đường dài ngắn khác nhau mà số tiền đóng cho chủ logo cũng khác.

Khi chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ vì thời gian gần đây, lực lượng chức năng kiểm tra rất sát chuyện này thì một tài xế nói ngay: “Ông thử đi một vòng khu vực Quốc lộ 1 hoặc vào các cảng ở quận 7, quận 2 là thấy xe dán logo “Kim Phát” chạy bất cứ giờ nào, hàng chất như núi”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, logo “Kim Phát” mới xuất hiện khoảng gần 4 tháng và có “tiếng vang” trong giới vận tải. Hiện nay, lượng xe dán logo “Kim Phát” lên đến hàng ngàn chiếc. Sau nhiều lần chúng tôi lân la làm quen, chủ một doanh nghiệp đã cho số điện thoại của một người tên Vinh với lời giải thích: “Vinh là chân rết, chuyên giao logo “Kim Phát” cho người chủ tên Thanh”.

Chúng tôi đã theo chân một chủ doanh nghiệp vận tải đang có một số xe tải nhẹ cần chở hàng từ huyện Nhà Bè, TP HCM về Bình Dương và muốn nhờ Vinh giúp. Lúc đầu, Vinh từ chối nhưng sau khi chúng tôi kể khổ thì anh ta nhận lời giúp và dặn: “Nhớ giữ kín”.

 Vinh cho biết logo “Kim Phát” chỉ cho đi các tuyến đường vành đai từ Long An về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, gồm: Quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Nguyễn Văn Linh; một số khu vực ra vào các cảng Cát Lái, Khánh Hội, Tân Thuận… 

Khi chúng tôi hỏi nếu có hàng cần đi vào khu vực trung tâm TP HCM thì dùng logo “Kim Phát” được không, Vinh đáp: “Nếu xe ông lỡ có vào đó thì cứ gọi tôi nhưng phải chi thêm chút đỉnh”. Về cách thức “đóng hụi” hằng tháng cho logo “Kim Phát”, Vinh cho biết sẽ cung cấp một số tài khoản, cứ đầu tháng thì chúng tôi ra ngân hàng chuyển tiền vào, mỗi xe 4,5 triệu đồng. “Ai cũng thế cả, chứ gặp nhau không tiện đâu” - Vinh trấn an.

Nếu như logo “Kim Phát” bất khả xâm phạm ở TP HCM, Long An, Bình Dương thì logo “Đức Hiếu” lại “bá chủ” tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, lượng xe chở hàng ở cảng Phú Mỹ, cảng Miền Nam từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Đồng Nai hay Bình Dương, TP HCM đều sử dụng logo “Đức Hiếu” để lưu thông, ước tính cũng không dưới 1.000 xe các loại.

 Ngoài ra, còn xuất hiện các logo “Lâm Vinh”, “VTL” cũng bao các tuyến đường vành đai từ Long An đi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Giá mỗi xe từ 3,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Hiếm khi bị chặn lại

Để kiểm chứng những thông tin trên, ngày 2-12, chúng tôi lên một xe tải nhẹ có dán logo “Kim Phát”, chở hàng từ cảng Cát Lái đi huyện Củ Chi, TP HCM. Khoảng 12 giờ, sau khi bốc hàng từ bãi xong, tài xế cho xe chạy về hướng cầu Phú Mỹ, sau đó về đường Nguyễn Văn Linh rồi đi theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 22. 

Điều mà chúng tôi ghi nhận được là trên suốt chuyến đi, không hề thấy lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông kiểm tra. “Hiếm khi bị CSGT, Thanh tra Giao thông chặn lại. Nếu có thì phải điện về gấp để bên kia giải vây vì chủ xe đã đóng hụi hằng tháng rồi” - tài xế tiết lộ. Chúng tôi hỏi gọi điện theo số nào thì tài xế cho biết số điện thoại của Vinh cung cấp. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý xin số điện thoại để sau này có việc nhờ Vinh giúp thì tài xế này xua tay: “Không được đâu, chủ xe mà biết thì cả nhà tôi ra đường ở”. Cũng theo tài xế này, xe mà chúng tôi đang đi chỉ chở được 3,5 tấn nhưng lượng hàng hiện tại là hơn 5 tấn.

Trước đó, sáng 30-11, chúng tôi đã bám theo một xe đầu kéo dán logo “Kim Phát” chở gần 30 ống bê tông lưu thông hướng từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) về An Sương. Mặc dù vào giờ cao điểm nhưng tài xế vẫn cho xe lưu thông với tốc độ chóng mặt và liên tục đổi làn, vượt xe phía trước. 

Sau đó, chiếc xe này rẽ vào Quốc lộ 22 rồi đi huyện Củ Chi mà không hề bị lực lượng chức năng xử lý. Tại khu vực vòng xoay An Lạc, chúng tôi tiếp tục phát hiện một xe đầu kéo khác cũng dán logo “Kim Phát” và chất đầy ống bê tông lưu thông như “hung thần” về hướng huyện Củ Chi.

Trong các ngày 29, 30-11 và 1, 2-12, chúng tôi có mặt trên một số tuyến đường như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 51… và chứng kiến hàng trăm xe các loại dán logo “Kim Phát”, “Đức Hiếu”, “VLT”, “Lâm Vinh” chở hàng như “núi” nhưng không hề bị các lực lượng chức năng xử lý.

 Coi chừng bị lừa

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cho biết sau khi lực lượng chức năng triệt phá 2 đường dây logo, rất có thể một số đối tượng khác lợi dụng cho rằng quen biết với lãnh đạo PC67 và Thanh tra Giao thông để bán logo. “Nếu người dân phát hiện thì báo cho cơ quan công an để xử lý” - ông Trà nói.

 Đổ xô mua logo “Lái xe an toàn”

Gần đây, giới tài xế rủ nhau đi mua logo “Lái xe an toàn” với mẫu nền đỏ, chữ vàng để có thể chở quá tải mà không bị phạt.

Chiều 2-12, trong lúc 5 tài xế đang nằm nghỉ tại quán nước giải khát ở khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP HCM) thì một thanh niên tên Long đến gợi ý mua logo về dán ở đầu và đuôi xe để tránh bị phạt. Trong lúc các tài xế vẫn chưa hiểu chuyện, Long chỉ chiếc xe container đang lưu thông về Khu Chế xuất Tân Thuận và nói: “Có thấy trên xe kia dán logo “Lái xe an toàn” không? Mua nhanh không bị phạt (!?)”.

Một tài xế hỏi Long địa chỉ bán logo này thì anh ta nhanh nhảu đáp: “Tui biết 4 chỗ bán giá rẻ, bảo đảm. Đừng có đến chỗ bán đề-can ở vòng xoay An Lạc, vừa đắt vừa giả, không giống như quy định…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi quy định do ai ban hành, nội dung như thế nào thì Long không nói.

Ngày 5-12, chúng tôi cùng một tài xế tên Toàn (ngụ thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) tìm mua logo “Lái xe an toàn”. Mấy ngày qua, Toàn khá hoang mang về chuyện cánh tài xế ở Bình Dương đồn thổi việc bị phạt nặng nếu không dán logo này ở đầu xe tải. Toàn dẫn chúng tôi đến một cửa hàng kinh doanh đề-can trên Quốc lộ 13. 

Thấy có người vào, nhân viên cửa hàng chạy ra săn đón: “Anh trai mua logo “An toàn” phải không?”. Toàn ra hiệu mua 5 logo để trang bị cho 2 xe tải và được nhân viên dẫn vào bên trong lựa mẫu. Cụ thể, mẫu làm bằng chất liệu giấy dán lên thùng xe, mặt kính và mẫu làm bằng mi-ca có thể treo lên tháo xuống. Giá của từng loại là 30.000 đồng, 70.000 đồng và 150.000 đồng/logo, tùy chất liệu và kích thước.

Tại đây, chúng tôi chứng kiến có người mua một lúc 40 logo “Lái xe an toàn” và giải thích là về phân phát cho các tài xế khác ở bãi xe. Hầu hết những người đến cửa hàng này mua logo “Lái xe an toàn” cho biết chỉ nghe truyền tai nhau về hiệu lực của nó. “Nếu không mua, lỡ bị CSGT bắt là chết” - tài xế tên Hòa (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) nói.

Theo tài xế Lê Anh Tấn (ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), anh từng bị một số đối tượng dụ dỗ mua logo “Lái xe an toàn” để được bao đường. “Tôi có chiếc xe tải thường xuyên chở nhớt đi giao cho các đại lý ở TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Giữa tháng 11-2015, trong lúc tôi đang ngồi nghỉ gần Trường Đại học Nông Lâm thì một số đối tượng đến hỏi có muốn bao đường không? Dù chạy xe khá an toàn nhưng nghĩ bao đường cho chắc ăn nên tôi đồng ý” - anh Tấn kể.

“Xe vua” lại lộng hành ảnh 1

Logo “Lái xe an toàn” đang được cánh tài xế đổ xô mua Ảnh: Lê Phong

 Sau đó, anh Tấn được nhóm người trên dẫn vào một quán nước để thương lượng “hợp đồng”. Những người này cho biết logo “Lái xe an toàn” chỉ treo cho có, vẫn bị phạt. Muốn “ấm êm” thì phải mua logo “xịn” do chính nhóm này phân phối. 

Dấu hiệu phân biệt với mẫu logo giả là có thêm dòng chữ: “Ủy ban ATGT” kèm theo 2 ngôi sao. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi mua logo “xịn”, xe của anh Tấn vẫn bị lực lượng chức năng “hỏi thăm”. Lúc này, anh Tấn gọi vào số điện thoại mà nhóm thanh niên cho để liên lạc khi gặp sự cố thì không được.

Trao đổi với chúng tôi về thông tin không gắn logo “Lái xe an toàn” sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng, một CSGT thuộc PC67 Công an TP HCM nói: “Có nghe quy định nào đâu, tin đồn thôi!”.

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Giao thông Sở Giao thông Vận tải TP HCM - cho biết sẽ kiểm tra các xe gắn logo “Lái xe an toàn” để tìm hiểu thực hư sự việc. “Hiện không có quy định nào bắt buộc các xe tải phải gắn logo “Lái xe an toàn” - ông Việt khẳng định.

Theo NLĐ