Xây dựng thành phố thông minh: Rất cần kết nối các start-up
Ánh Dương
VietTimes -- "IoT là kết nối với nhau, là điều chúng ta còn thiếu. Vậy chúng ta hãy liên kết nhau, tìm tới nhau, cả những người đã làm, đang làm và sẽ làm với nhau mới có thể xây dựng thành công thành phố thông minh", ông Đỗ Đăng Dương, Giám đốc Kinh doanh Nhà thông minh Lumi Việt Nam cho biết.
Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội vừa phối hợp với Cộng đồng Kiến tạo địa cầu (Global Shapers Community - Hanoi Hub) thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức diễn đàn “Sáng tạo trong kỷ nguyên cách mạng 4.0”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hiện nay các thành tố của cách mạng 4.0 như Big data, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo hay robot thông minh đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ông tin tưởng, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, Việt Nam sẽ nhanh chóng hiểu biết đầy đủ về nó và có các hành động phù hợp để có thể phát triển đất nước một cách thông minh nhất.
Tham gia diễn đàn, các đại biểu nhận định, ứng dụng trí thông minh nhân tạo, internet kết nối vạn vật,.. đang là xu hướng của thế giới và đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ nâng cao lợi thế cho doanh nghiệp và mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được thành quả đó, Việt Nam cần những con người có bản lĩnh, có tâm huyết và phát triển được ý tưởng của mình, đồng thời phải rèn luyện được tính kỉ luật và không ngại khó, ngại khổ.
Sau cuộc tọa đàm, các bạn trẻ được chia phòng thảo luận theo 3 chuyên đề chính: Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) và dữ liệu lớn (Big data); IoT (Internet vạn vật): từ nhà thông minh đến thành phố thông minh.
Tại thảo luận IoT (Internet vạn vật): từ nhà thông minh đến thành phố thông minh, các diễn giả đã lần lượt giới thiệu các sản phẩm ứng dụng IoT như Nhà thông minh, Nông nghiệp thông minh, Xe thông minh,...
Các diễn giả tại thảo luận IoT: From SmartHome to SmartCity.
Nhận định về việc xây dựng thành phố thông minh, các diễn giả nhận định, để xây dựng SmartCity có hai hướng: từ trên xuống và từ dưới lên.
Cụ thể, từ trên xuống, là xây dựng kiến trúc thượng tầng, sau đó định hướng xuống để phát triển các công nghệ thông minh phụ trợ. Nghĩa là tạo ra nền tảng căn bản cho tất cả rồi từ đấy xây dựng lên các hệ thống thông minh.. gọi là ứng dụng ngành dọc.
Cách làm này làm được, chỉ khi có mệnh lệnh từ thượng tầng xuống, giống như Trung Quốc. Tuy nhiên, với chúng ta hiện nay, cách này là không khả thi.
Cách còn lại, là làm từ dưới lên, nghĩa là mỗi start up tự xây dựng một sản phẩm thông minh, sau đó liên kết lại với nhau, thỏa thuận, xây dựng, kết nối các sản phẩm lại. Tuy nhiên, cách này lại vướng mắc ở việc, mỗi start-up có một cách xây dựng riêng, một giao thức giao tiếp riêng nên khó có thể liên kết với nhau.
Các bạn trẻ tại thảo luận.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm - Ban Công nghệ FPT, cho biết, ông và các đồng nghiệp đã có ý tưởng liên kết các start-up có sản phẩm ứng dụng cho thành phố thông minh với nhau. Thực tế là ông đã triển khai và còn thiếu bước cuối cùng để thành công: tìm ngôn ngữ chung cho các start-up này.
Ông ví dụ, nếu muốn xây dựng thành phố thông minh bằng cách liên kết các ứng dụng start up lại với nhau, chúng ta cần xây dựng ngôn ngữ chung cho chúng, như việc việc chúng ta dùng tiếng việt để giao tiếp với nhau thường ngày.
Tuy nhiên, ông đã gặp khó, vì các đối tác, nhất là các đối tác lớn, thường sẽ có "cái tôi cá nhân" rất lớn, nên khó có thể ngồi lại với nhau cùng phát triển. Ông đánh giá, nếu muốn xây dựng smartcity theo cách này, "cái khó không phải là vấn đề về kỹ thuật, mà thuộc về “cái tôi" của các bên".
Mô hình nhà SmartHome của Lumi
Theo ông, chỉ khi nào có lợi ích rất lớn hoặc Chính phủ ban hành các Nghị định, Quy định.... yêu cầu các bên ngồi lại với nhau thì mới có thể liên kết được với nhau.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đăng Dương, Giám đốc kinh doanh của nhà thông minh Lumi nhận định, không thể "đổ thừa" tất cả cho nhà nước.
Thực tế, "chúng ta còn phân biệt vùng miền, và các nhà lập trình, những CEO chưa liên kết lại với nhau. Trong khi đó, IoT là kết nối với nhau, là điều chúng ta còn thiếu. Vậy chúng ta hãy liên kết nhau, tìm tới nhau, cả những người đã làm, đang làm và sẽ làm, lại với nhau mới có thể xây dựng thành công thành phố thông minh", ông Dương cho biết.