Giao diện truyền thống của Winamp được người dùng trên toàn cầu biết đến.
Ra mắt lần đầu vào năm 1997, Winamp nhanh chóng trở thành ứng dụng chơi nhạc được yêu thích trên toàn cầu không chỉ do miễn phí, mà còn nhờ khả năng tùy biến cao (đặc biệt là cho phép người dùng dễ dàng tự tạo ra các giao diện mới của riêng mình). Sau khi bị AOL thâu tóm vào năm 2002, Winamp lại về tay Radionomy vào năm 2014. Lần cuối cùng phần mềm này được cập nhật là vào năm 2013. Vì vậy, khi thông tin về sự trở lại của ứng dụng này hé lộ, nhiều người tỏ ra vui mừng.
Theo Giám đốc điều hành Radionomy Alexandre Saboundjian, phiên bản tiếp theo của Winamp sẽ là hoàn toàn mới, cho phép người dùng nghe nhạc MP3 ở nhà, hoặc trên kho điện toán đám mây, cũng như thưởng thức các nội dung podcasts, các trạm radio trực tuyến, thiết lập các danh sách nhạc theo ý muốn.
Đáng chú ý, kế hoạch cập nhật Winamp trên cả máy tính để bàn và di động để tạo ra trải nghiệm tìm kiếm đồng nhất cho toàn bộ các nội dung âm thanh mà người dùng sở hữu ở mọi nguồn cung cấp có lẽ là thay đổi đáng chú ý nhất. Dù Alexandre Saboundjian từ chối đi vào chi tiết, không khó để đoán rằng Winamp sẽ trở thành điểm "hub" thu gom toàn bộ nội dung trên các nền tảng nhạc trực tuyến như Apple Music, Spotify...
Hiện tại, chưa có thông tin chi tiết nào hơn về giao diện của Winamp mới. Tuy nhiên, ý tưởng về việc biến một phần mềm chơi nhạc thuần túy thành trung tâm hội tụ toàn bộ các nội dung nhạc của mỗi cá nhân thực sự là điều thú vị, dù bản thân Winamp chưa hé lộ gì về phương thức làm điều đó. Điều này cũng không khỏi khiến người ta phải tò mò, vì việc tích hợp đa nền tảng là điều không dễ dàng gì trong bối cảnh thế giới số hiện nay.
Theo VnMedia