Vụ Trưởng đoàn tuyển sinh của ĐH Duy Tân viết thư nặc danh bêu xấu các trường: Luật sư nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc trường ĐH Duy Tân có liên đới chịu trách nhiệm hay không sẽ phụ thuộc vào việc làm của các cá nhân này có được thực hiện theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền tại trường ĐH Duy Tân hay không.
Trường ĐH Duy Tân tại Đà Nẵng
Trường ĐH Duy Tân tại Đà Nẵng

Liên quan đến thông báo của Công an TP Đà Nẵng xác định thủ phạm viết thư nặc danh bêu xấu các trường ĐH trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua là Trưởng đoàn tuyển sinh phía Nam của Đại học (ĐH) Duy Tân gây chú ý dư luận, chiều ngày 21/9, VietTimes có cuộc trao đổi với luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc -  Văn phòng Luật sư Riêng tại Đà Nẵng về các vấn đề pháp lý đối với vụ việc chưa từng có tiền lệ này.

- Vừa qua, cơ quan Công an TP Đà Nẵng đã xác minh được việc một số cá nhân viết và phát tán thư nặc danh gây ảnh hưởng uy tín của các trường ĐH. Theo luật sư, hành vi đó vi phạm những quy định nào của pháp luật? 

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Việc viết và phát tán thư nặc danh gây ảnh hưởng uy tín của các trường ĐH đã vi phạm một số quy định của pháp luật như sau:

Thứ nhất là vi phạm quy định về trật tự công cộng, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013.

Thứ hai, trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm này là thực hiện theo sự chỉ đạo của một doanh nghiệp nào đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, thì đây là hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh. 

Cụ thể hơn, đây là hành vi cung cấp thông tin không trung thực về các trường ĐH khác, bằng cách trực tiếp đưa thông tin gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động của các trường ĐH. Nếu hành vi vi phạm này được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, TP trực thuộc trung ương trở lên thì sẽ phải chịu mức phạt tiền gấp đôi so với mức phạt thông thường, tối đa lên đến 600 triệu đồng. 

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc - Văn phòng Luật sư Riêng tại Đà Nẵng
Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc -  Văn phòng Luật sư Riêng tại Đà Nẵng

- Việc phát tán nội dung sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín tổ chức, tổn hại đến kinh tế như vậy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Và nếu có thì ở mức thiệt hại như thế nào, khung hình phạt ra sao?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, hành vi này chưa có quy định để xử lý trách nhiệm hình sự.

- Như thông báo của cơ quan công an, hành vi của các cá nhân đã vi phạm quy định tại Điểm L, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013: “Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân”. Và hành vi trên được Công an TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt hành chính, vậy mức phạt là bao nhiêu, liệu có đủ mức răn đe hay không?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Hành vi của các cá nhân này theo quy định tại Nghị định 167/2013 sẽ chịu mức phạt tiền cao nhất là 3 triệu đồng. 

Theo tôi, mức phạt này theo quy định của pháp luật là chưa đủ răn đe. Bởi với số lượng phát tán lến đến 900 lá thư gửi tận tay cho giáo viên, học sinh các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì chi phí mà họ phải bỏ ra để thực hiện hành vi này khả năng là cao hơn số tiền phải nộp phạt.

- Các cá nhân viết thư nặc danh là cán bộ có chức vụ của trường ĐH Duy Tân, vậy theo luật sư, ĐH Duy Tân có liên đới chịu trách nhiệm hay không? Và ĐH Duy Tân cần có động thái gì trước hành vi sai trái của cán bộ đơn vị mình?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Việc trường ĐH Duy Tân có liên đới chịu trách nhiệm hay không còn phụ thuộc vào việc hành vi của các cá nhân này có được thực hiện theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền tại trường ĐH Duy Tân hay không hay đây chỉ là hành vi đơn phương của chính họ. 

Tôi cho rằng, trước hành vi sai trái của cán bộ đơn vị mình, trường ĐH Duy Tân cần nghiêm khắc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân trên. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục công tác quản lý cán bộ, công tác tổ chức tuyển sinh để không xảy ra những vụ việc tương tự gây ảnh hưởng đến chính uy tín của nhà trường.

- Theo lãnh đạo một số trường ĐH trên địa bàn, hành vi này đã từng xảy ra, nhất là khi đến mùa tuyển sinh nhưng dưới hình thức khác. Theo luật sư, các trường ĐH là nạn nhân cần có những động thái gì để bảo vệ uy tín và danh dự của trường mình? Nhất là những động thái để được pháp luật bản vệ trước những chiêu trò truyền thông như thời gian qua?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc: Các trường ĐH bị ảnh hưởng bởi sự việc này cần thúc đẩy các hoạt động quảng bá về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, các điểm mạnh khác của trường mình để công chúng nắm bắt được thông tin chính xác từ phía nhà trường. 

Ngoài ra, các trường cần lên tiếng đính chính ngay lập tức khi bị ảnh hưởng bởi các thông tin không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của trường. Nếu nhận thấy có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các trường có thể khiếu nại lên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia để giải quyết.

- Xin cảm ơn! 

Ngày 21/9, Công an TP Đà Nẵng đã có văn bản thông báo kết quả xác minh làm rõ vụ việc thư nặc danh hạ uy tín các trường ĐH trên địa bàn TP được gửi đến các trường THPT, giáo viên, phụ huynh trên địa bàn.

Theo đó, thủ phạm là ông Lê Văn Chung - Phó giám đốc Trung tâm mô phỏng - Trường ĐH Duy Tân được phân công làm Trưởng đoàn tuyển sinh phía Nam và Trần Thị Thắm làm cộng tác viên công tác tuyển sinh.

Các thủ phạm đã soạn thảo các bài viết, gửi bằng hình thức nặc danh qua đường bưu phẩm với nội dung không đúng sự thật, hạ thấp uy tín các trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng và gửi đi đến các học sinh, giáo viên các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Số lượng thư được gửi đi là 900 bức thư.

“Hành vi của ông Lê Văn Chung và bà Trần Thị Thắm đã vi phạm quy định tại Điểm L, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Và Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Chung và bà Thắm.