Vụ trạm thu phí “cãi” Phó Thủ tướng: Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ

VietTimes - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin đăng trên báo Lao động phản ánh trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí.
Vụ trạm thu phí “cãi” Phó Thủ tướng: Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ

Trước đó, báo Lao Động số ra ngày 6/6/2016 có bài "Cãi" Phó Thủ tướng, BOT Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí", phản ánh:...trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco đã tiến hành tăng phí từ ngày 1/6 với 3 trong 5 loại phương tiện lưu thông qua trạm...Việc trạm BOT này tăng phí vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc bởi cách đây chưa đầy 1 tuần cả Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lẫn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đều khẳng định đã bác bỏ đề xuất xin tăng phí và đảm bảo sẽ duy trì mức phí hiện tại đến hết năm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin bài báo trên nêu và phối hợp với đơn vị liên quan xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 8/6/2016.

Được biết, trả lời PV, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco, chủ đầu tư trạm BOT Mỹ Lộc - Nam Định - cho rằng, việc tăng phí đã có lộ trình từ năm 2015 và đều có kế hoạch trong hợp đồng với Nhà nước, có Bộ Tài chính thẩm định cũng như cho phép chứ "không tự nhiên mà tăng được đâu".

Lãnh đạo công ty này nhận định liên quan tới các hợp đồng BOT, giữa DN với Nhà nước về tư cách pháp nhân là ngang nhau nên việc Nhà nước dùng quyền hành chính để áp đặt DN là khó vì việc tăng phí đều có trong lộ trình BOT và có tất cả các bộ ngành tham mưu.

Gần đây nhất, tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vừa diễn ra vào sáng qua 7/6, ông Dũng cũng khẳng định, mặc dù thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực BOT, nhưng thực tế việc họ có lãi với BOT là câu hỏi bỏ ngỏ, khi mà thời gian thu hồi vốn kéo dài tới 20 năm, tức là nhà đầu tư không có sự bảo toàn vốn.

Ông Dũng đặt câu hỏi: “20 năm đồng tiền Việt Nam trược giá 6 – 7% thì còn lại bao nhiêu? Tôi cho rằng Nhà nước được rất lớn so với thu hút vốn ODA. Nói rằng vốn ODA có lãi suất thì rẻ nhưng giá thành gấp rưỡi hoặc gấp đôi, thì hỏi rằng giá thành là đắt hay là rẻ? Chứ cứ nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không có hưng phấn đầu tư nữa”.

X.T