Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: Tranh chấp Biển Đông cần giải quyết hòa bình
Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông Trung Quốc ngày 7/7 cho hay, cùng ngày, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Trung Quốc, ông Vương Nghị.
Hai bên trao đổi về nhiều vấn đề nóng trong khu vực như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Biển Đông. Sau đó, hai bên tổ chức họp báo chung.
Trong vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị tiếp tục quen thói đổ lỗi của Bắc Kinh, cho rằng "Philippines từ chối đối thoại, không có lợi cho giải quyết vấn đề Biển Đông".
Ông ta tuyên truyền: "Thông qua đối thoại để giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan là lập trường nhất quán của Chính phủ Trung Quốc.
Trái lại, cách làm từ chối đối thoại, thúc đẩy trọng tài cưỡng chế mà không được nước đương sự đồng ý là đã vi phạm tinh thần pháp trị, đã bẻ cong tôn chỉ của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), không chỉ không có lợi cho giải quyết hòa bình tranh chấp, mà sẽ còn tiếp tục kích động tình hình căng thẳng, cần được tất cả các nước chủ trì chính nghĩa ngăn chặn".
Ông Vương Nghị nói vậy chứ thực tế khác với lời ông nói. Luật pháp luôn có nhiều quy định khác nhau. Chẳng hạn như, trong vấn đề hôn nhân gia đình, luật pháp các nước phổ biến cho phép tự do hôn nhân, trong đó được phép ly hôn khi hai bên không còn hòa hợp, có thể đơn phương đưa đơn ly hôn ra tòa.
Trong luật pháp quốc tế chắc chắn cũng có nhiều quy định tương tự. Khi xảy ra tranh chấp, có những quy định mà một bên đương sự có thể đơn phương đưa đơn lên tòa án hay tòa trọng tài mà không cần một bên đương sự còn lại có đồng ý hay không. Philippines đã làm như vậy và đúng với tinh thần của UNCLOS.
Hơn nữa, Philippines đã công khai rằng các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trước đây đã đi vào ngõ cụt, đó chính là lý do để Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA).
Đối với vụ kiện này, không phải Trung Quốc không có cơ hội để tham gia và chứng minh với cộng đồng quốc tế về các quyền và lợi ích của mình trong khuôn khổ UNCLOS, từ đó chiếm ưu thế về pháp lý và đạo đức, loại bỏ mọi sự chỉ trích vô lý từ dư luận.
Trung Quốc là một “nước lớn có trách nhiệm”, lại có ưu thế là nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có ưu thế là “có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý” như Trung Quốc hay tuyên truyền. Vậy tại sao Trung Quốc không dám đứng ra giữa tòa trọng tài để giành chiến thắng?
Về phần mình, đáp lại phát biểu của ông Vương Nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon đã bày tỏ mong muốn tranh chấp Biển Đông được giải quyết hòa bình.
Ông Ban Ki-moon nói: "Tôi đã nhấn mạnh với ông Vương Nghị, giống như tôi cũng đã nói với tất cả các nước liên quan, tranh chấp Biển Đông cần giải pháp bằng phương pháp hòa bình, tránh làm leo thang tình hình và xuất hiện hiểu lầm, từ đó đe dọa an ninh và phát triển của khu vực".
Ông Ban Ki-moon cho biết từ khi nhậm chức đến nay đã có 10 lần đến thăm Trung Quốc, trông đợi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sắp tới.
Trong các vấn đề quốc tế, hai bên quan tâm nhất đến tình hình bán đảo Triều Tiên, ông Ban Ki-moon cho rằng khôi phục đối thoại mới là phương pháp tốt nhất giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ông mong muốn Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ tăng cường làm việc để làm giảm tình hình căng thẳng khu vực và hỗ trợ các bên tái khởi động đối thoại.
Được biết, ông Ban Ki-moon tiến hành thăm Trung Quốc từ ngày 6 đến ngày 10/7/2016. Năm nay cũng là tròn 45 năm Trung Quốc “khôi phục” chiếc ghế ở Liên hợp quốc. Trung Quốc muốn nhân cơ hội này để “tăng cường hợp tác” với Liên hợp quốc.
Vương Nghị cao giọng với Mỹ: “Trò hề” đã đến lúc kết thúc
Ngoài ra, báo chí Trung Quốc ngày 7/7 còn cho biết, ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã tiến hành điện đàm. Hai bên tập trung trao đổi về “vấn đề trên biển”.
Khi đề cập đến việc Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, ông Vương Nghị lại phê phán công tác thụ lý của PCA, cho rằng vụ kiện này đã có nhiều “gán ghép, thiếu sót” về “thủ tục, pháp lý, chứng cứ”.
Vương Nghị đưa ra cáo buộc tức tối cho rằng PCA đã “mở rộng quyền, vượt quyền, căn bản không có quyền thụ lý, phán quyết trái với luật pháp và sự thực chắc chắn không có khả năng ràng buộc”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc tự ca ngợi hành vi của Bắc Kinh, cho rằng “Trung Quốc dựa vào pháp luật, không tham gia, không chấp nhận vụ kiện trọng tài này chính là đang bảo vệ pháp trị và các quy tắc quốc tế, bảo vệ tính nghiêm túc và tính hoàn chỉnh của UNCLOS. Trò hề này của tòa trọng tài nên kết thúc”.
Vương Nghị tái khẳng định lập trường cũ kỹ của Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục cao giọng yêu cầu Mỹ không đứng về bên nào, thận trọng về lời nói và hành động, không áp dụng các hành động gây thiệt hại cho “chủ quyền và lợi ích an ninh” của Trung Quốc.
Ông ta còn tiếp tục kêu gọi thúc đẩy xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu các bên giữ kiềm chế; cho rằng Mỹ và Trung Quốc có “lợi ích chung” trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông. Mỹ ủng hộ các bên tiếp tục giải quyết hòa bình tranh chấp bằng con đường ngoại giao.