Tờ The New York Times Mỹ ngày 7/7 đăng bài viết của tác giả Jane Perlez cho biết vào mùa thu năm 2015, trong một căn phòng ở The Hague, 5 thẩm phán và học giả pháp lý đến từ các khu vực trên thế giới đã chủ trì một phiên tòa.
Ngồi phía trước họ ở một bên là luật sư đại diện của Philippines, mang theo máy tính xách tay và cuốn sổ ghi chép. Còn một bên khác là 3 chiếc ghế trống.
Hơn 3 năm qua, Trung Quốc luôn từ chối tham dự tố tụng của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA), cho rằng PCA không có quyền đưa ra phán quyết về tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines. Cơ quan trọng tài này đang cân nhắc thách thức đối với yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phán quyết sẽ được PCA đưa ra tuyên bố vào tuần tới (ngày 12/7/2016). Nhưng lúc này Bắc Kinh hầu như bắt đầu trở nên “căng thẳng”. Để thể hiện sức mạnh, từ hôm thứ Ba, Trung Quốc bắt đầu tiến hành tập trận (bất hợp pháp) trên Biển Đông.
Cuộc diễn tập này sẽ kéo dài một tuần (từ ngày 5 đến ngày 11/7/2016), địa điểm cụ thể tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Quân đội Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) tên lửa đất đối không (HQ-9) ở quần đảo này.
Trong khi đó, mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã phát động một cuộc vận động gian nan (ngoài PCA) nhằm chống lại Philippines, làm suy yếu uy tín của cơ quan trọng tài này (PCA), đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của một số nước đối với yêu sách "đường chín đoạn" (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khu vực yêu sách này bao gồm tuyến đường thương mại rất quan trọng, có thể tàng trữ dầu khí và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Thách thức thực sự từ vụ kiện Biển Đông đối với Trung Quốc
Trong khi đó, một loạt hoạt động của Trung Quốc lại cho thấy việc này có liên quan quan trọng. Kết quả trọng tài có thể sẽ làm thay đổi tình hình xung đột Biển Đông, sẽ biến nó từ một cuộc chạy đua giành lấy vị thế chủ đạo thực tế ở vùng biển này thành một thách thức đáng kể đối với Bắc Kinh, xem họ có tôn trọng luật pháp quốc tế và tổ chức đa phương hay không.
Trong tranh đoạt quốc tế, Trung Quốc dẫn trước xa. Họ bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và Mỹ, dùng đất cát nạo vét được để xây dựng (bất hợp pháp) từng hòn đảo nhân tạo, đồng thời xây dựng trên chúng các đường băng sân bay và trạm radar.
Nhưng, nếu PCA đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong các vấn đề quan trọng, sẽ buộc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rơi vào “thế thủ” – hoặc đẩy ông ta “vào góc tường”.
Đại sứ Singapore Bilahari Kausikan cho rằng: “Ý nghĩa của vấn đề này không chỉ giới hạn ở Biển Đông”. Ông chỉ ra, Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Công ước này là căn cứ để Philippines đề nghị trọng tài và để PCA tiến hành thụ lý vụ kiện.
Bilahari Kausikan nói: “Tầm quan trọng của vấn đề này ở chỗ, các quy tắc quốc tế có được tuân thủ hay không”. Bilahari Kausikan cho rằng, Trung Quốc “không thể tự lựa chọn tuân thủ quy tắc nào hoặc chỉ khi phù hợp với mong muốn của họ mới tuân thủ”.
Thấy được cơ hội này, chính quyền Barack Obama đã khởi động chiến dịch ngoại giao ủng hộ PCA và thuyết phục các nước đồng minh đứng lên ủng hộ “trật tự biển dựa trên quy tắc” cũng như sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Khi cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bắt đầu đệ trình vụ kiện lên PCA vào năm 2013, Mỹ và Trung Quốc đều dành quá nhiều quan tâm đối với vấn đề này.
Cách đây không lâu (năm 2012), Trung Quốc đã dùng sức mạnh chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) từ tay Philippines.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, ông Daniel R. Russel cho biết khi đó ông không biết việc Philippines đệ trình vụ kiện lên PCA. Vài học giả Trung Quốc cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc không được tư vấn chính sách ngoại giao đầy đủ, đã nhanh chóng quyết định không chấp nhận cơ quan trọng tài này.
Lập trường của Bắc Kinh không thay đổi, cho biết do chủ quyền của các đảo, đá ở Biển Đông tồn tại "tranh chấp", PCA không có quyền đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Nhưng, đơn kiện của Philippines đã tiến hành trình bày chi tiết, đã tránh vấn đề ai sở hữu chủ quyền đối với các đảo, đá.
UNCLOS cho phép một nước thực thi chủ quyền đối với vùng biển 12 hải lý kể từ bờ biển, cũng cho phép có quyền lợi kinh tế trong thềm lục địa và vùng biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển (vùng đặc quyền kinh tế). Nhưng UNCLOS quy định các đá ngầm và đảo nhân tạo không thể nhận được bất cứ quyền lợi biển nào.
Đón đọc phần tiếp theo: Chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ không được, Trung Quốc sẽ chọn thế bị dồn “vào góc tường”?