“Mỹ sẽ “trả giá đắt” ở Biển Đông, điều 10 tàu sân bay Trung Quốc cũng không sợ“

VietTimes -- "Chúng tôi sẽ không sợ hãi bởi hành động của Mỹ, thậm chí ngay cả khi Mỹ đưa 10 tàu sân bay đến Biển Đông. Nguy cơ với Mỹ là nước này có thể bị lôi kéo vào rắc rối bất chấp mong muốn của họ và sẽ phải trả giá đắt không tưởng", Đới Bỉnh Quốc tuyên bố.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Tờ Văn Hối Hồng Kông ngày 6/7 cho hay ngày 5/7 ông Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã có mặt ở Lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại vấn đề Biển Đông do Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và Quỹ Hòa bình Carnegie Mỹ đồng tổ chức, ông ta đã có bài phát biểu chính.

Hội nghị này có sự tham gia của vài chục chuyên gia đến từ Trung Quốc và Mỹ, họ đã tiến hành “trao đổi ý kiến rộng rãi, sâu sắc” về vấn đề Biển Đông.

Nói về quan hệ Trung-Mỹ, Đới Bỉnh Quốc đánh giá, cánh cửa lớn đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ đã mở ra hơn 40 năm, quan hệ hai nước đã đạt được thành quả to lớn, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, cũng đem lại lợi ích cho toàn thế giới, thậm chí là kỳ tích trong lịch sử “quan hệ nước lớn”.

Trung Quốc và Mỹ là hai “nước lớn” có sự khác nhau về lịch sử, văn hóa, chế độ xã hội, quan niệm giá trị và trình độ phát triển, do đó xuất hiện các bất đồng và vấn đề trong quá trình phát triển quan hệ hai nước là chuyện “rất bình thường” - Đới Bỉnh Quốc bình luận.

Đới Bỉnh Quốc khuyến nghị hai bên cần tăng cường “trao đổi chiến lược” một cách thẳng thắn, xử lý, quản lý và kiểm soát các bất đồng với thái độ mang tính xây dựng, vượt qua bất đồng, tập trung vào hợp tác, phát triển.

Về vấn đề Biển Đông, Đới Bỉnh Quốc tiếp tục luận điệu của Bắc Kinh, tiến hành xuyên tạc lịch sử, nhắc lại Tuyên bố Cairo và Thông cáo Potsdam, cho rằng Trung Quốc dựa vào những văn kiện này để thực hiện cái gọi là "thu hồi các đảo" ở Biển Đông.

Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ.
Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ.

Không hiểu ông Bỉnh Quốc lấy bằng chứng ở đâu, cho rằng trong thực tiễn Mỹ cũng "thừa nhận" cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). 

Theo đó, ông ta đánh lừa thiên hạ khẳng định cái gọi "chủ quyền của Trung Quốc" đối với quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và cho rằng, đó là một phần của sắp xếp lãnh thổ và trật tự quốc tế sau Chiến tranh, được luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc “bảo vệ”. 

Đới Bỉnh Quốc còn đổi trắng thay đen, xuyên tạc cho rằng các nước như Philippines và Việt Nam sau này "đã dùng vũ lực xâm chiếm phi pháp một bộ phận đảo đá ở quần đảo Trường Sa".

Đó là sự bịa đặt trắng trợn của một người từng đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc. Sự thật về các cuộc chiến xâm lược đảo đá của Việt Nam trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành gây ra bao đau thương vẫn được ghi lại rõ ràng trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Trung Quốc vẫn để báo chí tuyên truyền về các sự kiện đẫm máu và gây ra bao đau thương này mà không biết hổ thẹn.

Ông ta còn dọa nạt: "Căn cứ vào luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn có quyền tự vệ, cũng có khả năng thu hồi các đảo đá kể trên (hiện do Philippines, Việt Nam kiểm soát thực tế)".

Không dừng lại ở đó, Đới Bỉnh Quốc còn giở giọng cao ngạo cho rằng Bắc Kinh đã xuất phát từ cái gọi là "bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực" nên từ lâu luôn "giữ kiềm chế cao độ, tìm kiếm giải quyết hòa bình bằng đàm phán".  

Sau khi buông những lời dọa dẫm, Đới Bỉnh Quốc tỏ ra mềm mỏng hơn, thậm chí kể công của Bắc Kinh cho biết:

"Chính phủ Trung Quốc trước tiên đề xuất và luôn kiên trì 'gác lại tranh chấp, cùng khai thác', kiên trì giải quyết hòa bình tranh chấp bằng đàm phán, quản lý và kiểm soát tranh chấp bằng các quy tắc và cơ chế, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng bằng khai thác và hợp tác, kiên trì bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Đây là chính sách cơ bản giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng là cam kết trang nghiêm của Trung Quốc. Vài chục năm qua, tình hình khu vực Biển Đông tổng thể ổn định, khu vực Đông Nam Á phát triển tốc độ cao là 'cống hiến to lớn của Trung Quốc' và các nước liên quan đối với cộng đồng quốc tế.

Mặc dù hiện nay hòa bình ổn định Biển Đông 'bị một số phiền phức', nhưng chính sách kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương của Trung Quốc không thay đổi. Đây là Trung Quốc kiên trì tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, cũng là con đường duy nhất quản lý, kiểm soát và hóa giải vấn đề Biển Đông".


Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã được ông Đới Bỉnh Quốc nhắc lại, hoàn toàn không có gì mới. Bề ngoài nghe thấy có vẻ như Bắc Kinh đã "nhu" hơn, nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề, nhất là vấn đề chủ quyền và quyền lợi biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông luôn bị Bắc Kinh đòi chia sẻ, thậm chí chiếm đoạt.

Trung Quốc ra sức quân sự hóa Biển Đông. Ảnh: Huffingtonpost.
Trung Quốc ra sức quân sự hóa Biển Đông. Ảnh: Huffingtonpost.

Đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, ông Đới Bỉnh Quốc quen luận điệu của Bắc Kinh cho rằng Philippines đơn phương đưa tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines ra Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) đã "vi phạm" Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), một loạt thỏa thuận song phương với Trung Quốc và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Nhưng Đới Bỉnh Quốc không hề nhắc tới các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông mới chính là đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận song phương, khu vực và luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. 

Đới Bỉnh Quốc còn thể hiện thái độ hết sức coi thường luật pháp quốc tế, tức tối và ngang nhiên cho rằng vụ kiện Biển Đông của Philippines ngay từ đầu đã "phi pháp". Phán quyết của PCA "chẳng qua chỉ là một mớ giấy lộn"!? 

Trung Quốc không tham gia, không chấp nhận trọng tài, không thừa nhận, không thực hiện phán quyết "vừa là căn cứ vào luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi tự thân, vừa là bảo vệ tính hoàn chỉnh và uy tín của UNCLOS" - luận điệu của Đới Bỉnh Quốc thật nực cười. 

Ông ta còn cho rằng từ thời cận đại đến nay, Trung Quốc “chịu đủ ức hiếp và lăng nhục” của các cường quốc phương Tây, những ký ức của người Trung Quốc đối với vấn đề này vẫn còn “mới mẻ”. 

Lấy lý do đó, ông Đới Bỉnh Quốc cho hay Trung Quốc muốn nắm chắc trong tay vận mệnh của mình trong vấn đề "chủ quyền lãnh thổ", tuyệt đối không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết bên thứ ba nào. 

Họ Đới cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là phải kiềm chế chặt chẽ để Philippines không được tiến hành bất cứ hoạt động "khiêu khích" nào.

"Ở Trung Quốc chúng tôi sẽ không sợ hãi bởi hành động của Mỹ, thậm chí ngay cả khi Mỹ đưa 10 tàu sân bay đến Biển Đông. Nguy cơ với Mỹ là nước này có thể bị lôi kéo vào rắc rối bất chấp mong muốn của họ và sẽ phải trả giá đắt không tưởng", Đới Bỉnh Quốc tuyên bố.

Đới Bỉnh Quốc cuối cùng yêu cầu - khuyên bảo Mỹ: "Tuân thủ "cam kết" không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhận rõ ý đồ “chiến lược trỗi dậy hòa bình, không có ý định tranh bá” của Trung Quốc, đặt vấn đề Biển Đông vào “vị trí thích hợp” trong quan hệ Trung-Mỹ, chấm dứt can thiệp vào vấn đề "lãnh thổ" ở Biển Đông, cùng Trung Quốc quản lý, kiểm soát bất đồng, mở rộng các chương trình nghị sự tích cực trên biển. 

Trong thời đại toàn cầu hóa đan xen các cơ hội và thách thức, với tư cách là nước đang phát triển lớn nhất và nước phát triển lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ có nhiều "trách nhiệm chung" hơn trên các phương diện như thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. 

Trung Quốc và Mỹ đều là "dân tộc vĩ đại" giàu trí tuệ và tầm nhìn xa. Chỉ cần hai bên xuất phát từ "lợi ích chung", kiên trì tôn trọng lẫn nhau, trao đổi thẳng thắn thì nhất định có thể quản lý, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tìm được cơ hội hợp tác ".