Vụ kiện “bẻ khóa iPhone” dưới góc nhìn của chuyên gia về tội phạm mạng Mỹ
Nguyên Hồng
VietTimes -- Ông Thomas Dougherty -- Cố vấn tư pháp về Tội phạm mạng của Mỹ đã tiết lộ về nguyên nhân vụ kiện giữa Chính phủ Mỹ và công ty Apple. Theo đó, ông Thomas cho biết, nguyên nhân chính là do Apple đang có xu hướng chuyển dịch mối quan hệ: ngày càng thân thiết hơn với khách hàng thay vì với Chính phủ như từ trước đến nay.
Nội dung này được trao đổi tại Tọa đàm khoa học “An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và Điều chỉnh chính sách ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) -- thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, tổ chức chiều 23/3.
Nói rõ hơn, ông Thomas Dougherty cho biết, trước khi vụ kiện diễn ra, theo quy định, Chính phủ nếu muốn có thông tin từ Apple thì sẽ đệ trình đơn lên tòa án, thuyết phục các thẩm phán rằng thông tin này quan trong và Chính phủ phải nắm rõ. Từ đó, tòa án sẽ ra phán quyết yêu cầu Apple cung cấp thông tin.
Từ năm 1989 đến gần đây, sau khi nhận được phán quyết của tòa, Apple luôn tỏ ra hợp tác với Chính phủ, sẵn sàng cung cấp các bằng chứng phạm tội của tội phạm mạng.
Tuy nhiên, gần đây, Apple đã có đơn phản hồi không cung cấp thông tin cho Chính phủ, ngay khi được tòa yêu cầu, vì lý do "nhằm bảo vệ bí mật riêng tư của khách hàng".
Ông Thomas cho rằng, nguyên nhân của việc Apple không cung cấp thông tin cho Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu có thể là do sự chuyển dịch mối quan hệ, từ thân thiết với Chính phủ sang thân thiết với khách hàng.
Ông Thomas cho biết thêm, đầu tháng 3 vừa qua, tòa sơ thẩm đã kết thúc với phần thắng nghiêng về phía Apple, nhưng thực tế là Chính phủ Mỹ đã có thể giải mã được sản phẩm của Apple nên việc Apple có hỗ trợ hay không cũng không còn quan trọng nữa.
Đồng thời với việc giải mã được sản phẩm của Apple, Chính phủ Mỹ cũng đã rút lại đơn kiện của mình.
"Nếu vụ kiện còn tiếp tục, thì có thể kéo dài và phải lên đến Tòa tối cao mới có thể ngã ngũ được", ông Thomas nêu tầm quan trọng của vụ kiện.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, Chính phủ Mỹ đã đòi hãng Apple phải mở khóa chiếc iPhone có liên quan trong một vụ án ma túy ở Brooklyn, New York, nhằm tìm thêm chứng cứ của nghi phạm. Tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này của Chính phủ vì lý do "bảo vệ bí mật riêng tư” của khách hàng.
Đến đầu tháng 3 năm nay, quan tòa James Orenstein ở Brooklyn vừa ra phán quyết rằng, ông không có thẩm quyền pháp lý để ra lệnh Apple phá bảo vệ an ninh của chiếc iPhone bị tịch thu trong cuộc điều tra ma túy ở Brooklyn.
Phán quyết này đã giúp “quả táo cắn dở” củng cố vững chắc những lập luận của mình trong cuộc đấu pháp lý với Bộ Tư pháp Mỹ.