"Vũ khí bí mật" của các nhà vô địch Olympic Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bên cạnh những diễn biến sôi nổi, những chiếc bình giữ nhiệt được các vận động viên Trung Quốc dùng để uống nước cũng trở thành chủ đề được cư dân mạng quan tâm.
Ảnh: Sina
Ảnh: Sina

Trong các trận đấu bóng bàn giữa Ma Long và Fan Zhendong, Chen Meng và Sun Yingsha, những người uống nước nóng đã giành chức vô địch, cộng đồng mạng Trung Quốc còn gọi "bình giữ nhiệt" thành "bình giữ may mắn".

Tại sao người Trung Quốc thích uống nước nóng, ngay cả các nhà vô địch Olympic cũng không ngoại lệ? Làm thế nào mà uống nước nóng có thể giúp các vận động viên đạt được kết quả tốt hơn?

Nhà vô địch đơn nam bóng bàn Ma Long

Nhà vô địch đơn nam bóng bàn Ma Long

Nhà vô địch đơn nữ bóng bàn Chen Meng

Nhà vô địch đơn nữ bóng bàn Chen Meng

Nhà vô địch cử tạ nữ Hou Zhihui

Nhà vô địch cử tạ nữ Hou Zhihui

Trong bài phỏng vấn với Life Times, các chuyên gia đã giải thích ý nghĩ việc uống nước nóng qua các thời kỳ của Trung Quốc và đưa một số quy tắc uống nước trước, trong và sau khi tập thể dục. Các chuyên gia được phỏng vấn gồm:

Liu Juan, Giáo sư viện Lịch sử, Đại học Nhân dân Trung Quốc

Su Hao, Phó giáo sư, Trường Khoa học Thể thao và Nhân văn, Đại học Thể thao Bắc Kinh

Han Tieguang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Xúc tiến Y tế Thâm Quyến, chuyên gia về tích hợp thể thao và y học.

Tại sao người Trung Quốc thích uống nước nóng?

Sân bay, nhà ga, đường sắt cao tốc của Trung Quốc, đâu đâu cũng thấy nguồn cung cấp nước nóng, dù đi du lịch hay đi làm hàng ngày, bình giữ nhiệt là một trong những thiết bị sinh hoạt thiết yếu của người dân Trung Quốc.

Thời cổ đại: nước nóng là thức uống cao quý

Ảnh: Zhihu

Ảnh: Zhihu

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng có dấu vết của khói và lửa dưới đáy đồ gốm cách đây 10.000 năm, và cặn còn lại bên trong đồ gốm, điều này cho thấy rằng người Trung Quốc đã uống nước nóng từ thời cổ đại.

Tuy nhiên, việc đun nước nóng cần một lượng nhiên liệu nhất định, do đó, chỉ những gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu mới có thể uống nước nóng, còn những người ở tầng lớp dưới thường chỉ có thể uống nước lạnh.

Thời Trung Hoa Dân Quốc: nước nóng có thể khử trùng

Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, học thuyết vi trùng du nhập vào Trung Quốc khiến cho việc uống nước nóng trở thành có cơ sở lý luận khoa học. Khi nước được đun sôi, hầu hết các vi trùng trong nước có thể bị tiêu diệt. So với việc uống nước thô thì việc uống nước nóng có lợi hơn cho sức khỏe con người.

Trên cơ sở này, chính phủ Trung Quốc thời bấy giờ cũng đã vận động người dân uống nước nóng để giảm mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Những năm 1930: lời kêu gọi của chính phủ

Năm 1932, một trận dịch tả nghiêm trọng bùng phát trên toàn Trung Quốc, dịch lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao, và nước uống được coi là con đường chính lây truyền bệnh tả.

Khi đó, khả năng kinh tế của Trung Quốc chưa thể xây dựng hệ thống nước uống trực tiếp như phương Tây, nên chính phủ chủ trương kêu gọi người dân đun sôi nước rồi uống, đây là một biện pháp phòng chống dịch tiết kiệm và dễ thực hiện.

Vào những năm 1930, Trung Quốc đã phát động "Phong trào Đời sống Mới" nhằm xóa bỏ thói quen xấu từ mọi mặt và nâng cao chất lượng của người dân, đồng thời cũng chỉ ra rằng nước thô chứa một lượng lớn vi khuẩn, đây là nguyên nhân chính của bệnh tật. Chính phủ kêu gọi người dân phải đun sôi nước và uống nước nóng.

Phong trào Y tế Yêu nước Mới của Trung Quốc: để tâm lý "uống nước nóng" bén rễ trong lòng dân

Vào năm 1949, uống nước nóng đã bắt rễ trong ý thức của những người bình thường. Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, một chiến dịch y tế yêu nước trên toàn quốc với mục tiêu chính là phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm quan trọng đã được phát động.

Năm 1952, trong cuộc tranh với Mỹ, để "đập tan mầm mống chiến tranh", người Trung Quốc đã tiến hành công tác vệ sinh môi trường như "bài trừ tứ nguy", dọn rác, thông cống.

Về vệ sinh cá nhân, Trung Quốc kêu gọi quần chúng nhân dân uống nước đun sôi, nước nóng, không uống nước thô, không ăn đồ nguội, điều này đã giúp sức khỏe của quần chúng nhân dân được cải thiện rất nhiều.

Những năm 50: rèn thói quen uống nước nóng từ lúc trẻ thơ

Vào những năm 1950, sáng kiến ​​cho trẻ uống nước nóng thậm chí đã đi sâu vào các trường mẫu giáo, giáo viên phải đảm bảo cho trẻ uống nước nóng 3 lần / ngày để giúp trẻ hình thành thói quen uống nước nóng ngay từ khi còn nhỏ. Theo thời gian, việc uống nước nóng đã dần trở thành một thói quen quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người, chính thói quen này đã khiến chiếc bình giữ nhiệt trở thành vật bất li thân của nhiều người.

Dưới ảnh hưởng và sự định hình của môi trường xã hội đặc biệt này, uống nước nóng đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc, nó được lưu truyền và trở thành một lối sống độc đáo của người dân Trung Quốc.

3 bước uống nước để cải thiện tình trạng tập thể dục

Ảnh: Popsugar

Ảnh: Popsugar

Bổ sung nước kịp thời và khoa học trong quá trình tập luyện có thể tránh được các vấn đề như giảm mất nước do luyện tập, giúp cơ thể luôn trong trạng thái vận động tốt hơn.

Trước khi tập thể dục: bổ sung nước đầy đủ

Trước khi tập thể dục, bạn cần uống nước đầy đủ để đảm bảo cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

Hai giờ trước khi bắt đầu tập luyện, bạn nên bổ sung trước khoảng 500 ml nước (nước đun sôi hoặc nước khoáng).

Uống khoảng 300 ml nước 15 phút trước khi tập luyện.

Lưu ý không nên uống liền một mạch, hãy uống thành 2, 3 lần. Bổ sung nước trước khi tập luyện có thể cải thiện khả năng điều tiết nhiệt của cơ thể, tránh mất nước và hỗ trợ các chức năng tạng.

Trong quá trình tập luyện: bổ sung lượng nước vừa phải

Nói chung, cứ 15-20 phút tập thể dục, mỗi lần bổ sung 50-100ml nước, chia làm 2, 3 lần uống. Nếu bạn tiếp tục tập thể dục trong hơn một giờ, bạn có thể thay thế nước đun sôi bằng nước uống thể thao, có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể tốt hơn trong quá trình tập luyện.

Sau khi tập thể dục: bổ sung nước ngay lập tức

Hầu hết mọi người thường chú trọng việc uống nước trong khi tập, nhưng lại quên mất việc uống nước quan trọng thế nào sau khi buổi tập kết thúc.

Nếu thời gian tập dưới 1 giờ thì không cần bổ sung nước uống thể thao, nếu tập luyện trên 1 giờ thì cần bổ sung đồ uống thể thao hoặc nước muối đường để duy trì nồng độ đường trong máu và tránh mệt mỏi sau khi vận động.

Điều cần lưu ý là lượng đường trong nước uống thể thao nên được kiểm soát ở mức 4% đến 8%, nếu quá nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nhiệt độ nước tối ưu

Không uống nước lạnh trước, trong hoặc sau khi tập thể dục. Fang Zilong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Thể thao thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc, khuyến khích nhiệt độ nước nên ở tầm 37℃ ~ 39℃.

Không nên uống nhiều nước một lúc vì sẽ dễ gây loãng máu, lượng máu tăng đột ngột làm tăng gánh nặng cho tim và dễ gây bệnh tim mạch, vì vậy, bất kể bạn có bổ sung nước trước, trong hay không sau khi luyện tập, bạn phải nhớ bốn chữ "ít lượng nhiều lần".

Theo Sina