Vụ chạy thận khiến 9 người tử vong: Khởi tố cựu Giám đốc bệnh viện Hòa Bình

VietTimes – Ông Trương Quý Dương – cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình – đã bị khởi tố bị can về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Đây là kết cục khá muộn màng, sau hơn một năm xảy ra vụ án chạy thận làm 9 người tử vong ở bệnh viện này 29/5/2017.
Ông Trương Quý Dương. Nguồn PLO
Ông Trương Quý Dương. Nguồn PLO

Thông tin khởi tố ông Trương Quý Dương đã được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh Hòa Bình. Đồng thời cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 105/QĐ-VKS-P2 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đối với ông Trương Quý Dương.

Tuy nhiên, thông tin này không cho biết sau khi khởi tố bị can, ông Trương Quý Dương có bị tạm giam hay không.  

Trước đó, ngày 7/5/2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình (thuộc tỉnh Hòa Bình) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận này.

Sau khi hoãn xử theo đề nghị của luật sư, phiên tòa chính thức bắt đầu lại vào ngày 15/5/2018, và kéo dài suốt 12 ngày, với tranh cãi kịch liệt giữa các luật sư, bị cáo, và Viện kiểm sát.

Đến chiều 5/6/2018, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ vụ án để cơ quan điều tra bổ sung các tình tiết cần phải làm rõ trong vụ án. Trong đó có nội dung yêu cầu làm rõ về trách nhiệm của ông Trương Quý Dương.

Trước phiên xử sơ thẩm, dư luận đã tranh luận gay gắt về trách nhiệm của ông Trương Quý Dương trong nguyên nhân gây nên cái chết của 9 bệnh nhân chạy thận.

Bởi theo quan điểm của cơ quan điều tra, không có đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trương Quý Dương. Mà chỉ có thể xem xét trách nhiệm hành chính của người này.

Thậm chí, sau này, trong quyết định điều tra bổ sung, cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục nhắc lại quan điểm này.

Theo cơ quan điều tra, trong tư cách đứng đầu bệnh viện Hòa Bình, ông Dương ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (cung cấp vật tư, sửa chữa, tiệt trùng, xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI hệ thống lọc nước RO số 2) cho Bệnh viện Hòa Bình là đúng quy định pháp luật.

Kết quả giám định đối với các trang thiết bị, vật tư phục vụ chạy thận theo hợp đồng này đều đảm bảo chất lượng theo hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Trong việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết, mua bán, sửa chữa máy móc, thiết bị y tế, thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cũng chưa phát hiện thấy có dấu hiệu hình sự.

Trong nội bộ bệnh viện, cơ quan điều tra cho biết ông Dương đã phân công, phân nhiệm cho các bộ phận, trong đó đơn nguyên thận nhân tạo.

Trong thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 – nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của 9 bệnh nhân - ông Dương đã giao Phòng Vật tư phối hợp với khoa Hành chính chịu trách nhiệm thực hiện.

Không có thông tin ông Trương Quý Dương có bị tạm giam hay không
 Không có thông tin ông Trương Quý Dương có bị tạm giam hay không

Tuy nhiên,  theo cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện, Phòng Vật tư và Khoa Hồi sức tích cực không báo cáo về tiến độ, cách thức thực hiện để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.

Cơ quan điều tra cho biết ông Dương đã thiếu sâu sát trong thực hiện chức trách người đứng đầu bệnh viện. Thể hiện cụ thể là từ năm 2015 đến năm 2017, ông Dương không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận cho cá nhân cụ thể. Cũng không có quyết định giao hệ thống nước RO cho cá nhân cụ thể trong khoa Hồi sức tích cực đảm nhiệm.

Từ khi có thành lập đơn nguyên thận, giám đốc bệnh viện cũng không có văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa, bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước RO, để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO tùy tiện trong thời gian dài.

Đáng chú ý, trong phiên xử sơ thẩm vụ án chạy thận nhân tạo làm chết 9 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ông Trương Quý Dương không có mặt tại tòa, dù có giấy triệu tập.