Vụ ca sĩ Đức Tuấn đứng trên mái nhà ở Hội An: Xâm phạm di sản bị xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau vụ ca sĩ Đức Tuấn đứng trên mái ngói nhà cổ Hội An để chụp ảnh, nhiều độc giả đặt câu hỏi, hành vi xâm phạm, làm bẩn di tích lịch sử, văn hóa bị xử lý thế nào?

Ca sĩ Đức Tuấn đứng trên mái nhà tại phố cổ Hội An (ảnh đăng trên Facebook nhân vật)
Ca sĩ Đức Tuấn đứng trên mái nhà tại phố cổ Hội An (ảnh đăng trên Facebook nhân vật)

Mới đây, nhiều người bày tỏ bức xúc về việc ca sĩ Đức Tuấn đăng trên trang Facebook cá nhân hình ảnh anh mặc áo dài đứng, ngồi tạo dáng trên mái nhà ở khu phố cổ Hội An. Hình ảnh sau đó được gỡ bỏ khỏi trang cá nhân của nam ca sĩ nhưng cơ quan chức năng TP Hội An cho biết đang xác minh, xử lý.

Từ sự việc trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi, hành vi xâm phạm, làm bẩn di tích lịch sử, văn hóa sẽ bị xử lý ra sao? Trách nhiệm của chủ sở hữu, quản lý di sản là như thế nào?

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho biết phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, các công trình kiến trúc của phố cổ được bảo vệ và trùng tu theo quy trình nghiêm ngặt. Việc đứng, ngồi trên mái nhà cổ thể hiện thái độ ứng xử thiếu tôn trọng, bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt với một người có sức ảnh hưởng lớn trong công chúng thì càng không nên.

“Phía dưới ngôi nhà cổ hàng trăm năm có thể là gian thờ tự, là đời sống văn hóa, là không gian sinh tồn của nhiều thế hệ - một trầm tích văn hóa đã kết tinh thành di sản văn hóa phi vật thể, di sản kiến trúc... Vì vậy, việc đứng trên mái nhà cổ chụp ảnh không chỉ thể hiện ứng xử thiếu tôn trọng di sản mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại tới di sản, gây nguy hiểm cho nhiều người", luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc nói.

Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các một trong các hành vi như: Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá.

Do đó, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định có người đứng trên mái ngói ngôi nhà cổ ở Hội An để chụp ảnh thì có thể xử lý theo Luật Di sản.

Về xử lý vi phạm, luật sư Phúc cho biết theo điều 20 (quy định về xử lý vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa), Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (Nghị định 38/2021/NĐ-CP), hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đối tượng có hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

vt_ca si xam pham di san 7.png
Các hình ảnh đứng trên mái nhà tại phố cổ Hội An trên trang cá nhân của ca sĩ Đức Tuấn đã được tháo gỡ.

“Nghiêm trọng hơn, tuỳ theo mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi xâm hại Di sản văn hóa thì ngoài bị xử lý hành chính, người xâm hại di tích còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 345 Bộ luật hình sự (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng)” - luật sư Phúc nói.

Còn theo luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Văn phòng Luật sư Phong & Parners, Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa... Đặc biệt, chủ cơ sở di tích cần ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.

vt_xam pham di san.png
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Văn phòng Luật sư Phong & Parners

“Luật cũng quy định, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ bảo vệ; giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.”, luật sư Phong cho hay.

Điều 71 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 345 Bộ luật hình sự quy định về "Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”