Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và phòng chống độc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam - bệnh nhi nhập viện vào 20h ngày 30/10 với triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ cho siêu âm và khám cận lâm sàng, đã chẩn đoán bé bị viêm ruột.
“Em bé ăn kém nên bệnh viện hỗ trợ truyền dịch. Đến khoảng 2h sáng, bé bị mệt, nên bác sĩ tiếp tục khám và cho siêu âm, nhưng không phát hiện bất thường về đường ruột để phải can thiệp. Đến 8h50 sáng 31/10, tình trạng sức khoẻ của bé diễn biến xấu hơn khi bị mệt, lơ mơ nên được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và chống độc, thì bé bị ngưng thở. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu cho bé nhưng không thành công. Bé mất lúc 10h10 phút ngày 31/10” - bác sĩ Huỳnh Thanh Thúy thông tin.
Về nguyên nhân bé trai tử vong, bác sĩ Thúy cho rằng: Có rất nhiều loại vi rút, trong đó có khoảng 5% vi rút của đường ruột tấn công lên tim. Cháu bé được chẩn đoán tử vong do viêm cơ tim thể tối cấp, đây là biến chứng rất nặng của người bệnh khi nhiễm vi rút. Chúng tôi đã giải thích với người nhà về trường hợp của bệnh nhi này" - bác sĩ Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, bác sĩ Thúy cho hay, trong suốt quá trình bé nhập viện và điều trị, bệnh viện không tiêm bất cứ loại thuốc nào. Việc người nhà cho rằng bệnh viện tiêm thuốc cho cháu, có thể do nhầm với việc cán bộ y tế dùng bơm tim để kiểm tra ven cho cháu bé trước khi truyền bình dịch thứ 2.
Anh Võ Văn Diệu (38 tuổi, ba cháu Đ. tử vong) cho biết, con trai anh bị đau bụng hơn 1 tuần trước, gia đình mua thuốc cho bé uống và bé đã khỏe lại, ăn uống bình thường, đã đi học được 1 tuần. Đến ngày 30/10, khi đang học ở trường, cháu nói đau bụng, khó ăn uống nên cô giáo gọi điện cho anh lên đón về. Đến 19h cùng ngày, thấy cháu Đ. ăn vào bị nôn, hai vợ chồng quyết định đưa bé vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam thăm khám và bác sĩ cho nhập viện điều trị với chẩn đoán bị viêm đường ruột.
Tại bệnh viện, cháu Đ. được truyền 2 bình nước, được đưa đi siêu âm. Dù vậy, tình trạng nôn ói vẫn không cải thiện. Sáng 31/10, gia đình cho cháu uống thuốc chống nôn nhưng cứ ăn uống vào là cháu Đ. lại nôn ra. Gia đình đã phản ánh với bác sĩ là cháu nôn nhiều, sau đó, nhân viên y tế truyền thêm một bình nước cháu Đ.
Khoảng 15 phút sau cháu Đ. mệt lả người, liên tục nôn ói, nói năng mất kiểm soát, không còn nhận biết mọi thứ xung quanh. Lúc này, gia đình kêu cứu bác sĩ, cháu Đ. được đưa vào phòng cấp cứu. Hơn 30 phút sau, vợ chồng anh Diệu nhận thông tin con trai mình đã tử vong.