VP Bank có thể thành cổ đông lớn cảng CICT do Vinalines gán nợ

Ngân hàng VP Bank có thể trở thành cổ đông lớn tại Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) do Vinalines vừa đề xuất Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) xin phép gán nợ bằng cổ phần tại chủ đầu tư của CICT cho ngân hàng này.
VP Bank có thể thành cổ đông lớn cảng CICT do Vinalines gán nợ

Đề xuất này được đưa ra do Vinalines thua lỗ nặng, không có tiền trả nợ gốc và lãi ngân hàng, đồng thời cũng không có khả năng tiếp tục rót vốn để duy trì hoạt động của CICT. Đây là cảng nước sâu đầu tiên ở phía Bắc đi vào hoạt động và lâm vào tình trạng lỗ nặng.

 Cuối tuần trước, Bộ GTVT đã phải tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho CICT, liên doanh giữa CTCP đầu tư cảng Cái Lân (CPI) (nắm 51%) và Công ty TNHH SSA (Hoa Kỳ) và một số đối tác khác, với tổng vốn đầu tư 155,3 triệu đô la Mỹ. Vinalines nắm 51% vốn tại CPI.

 Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, CICT hiện chỉ vận hành 20% công suất thiết kế giai đoạn 1 (520.000 TEU/năm) do lượng hàng thông quan qua cảng nước sâu này rất ít vì chi phí tàu vào xuất và nhập hàng ở cảng của CICT luôn cao hơn cảng khác, nhất là so với cảng Hải Phòng.

 CICT có vị trí xa, cơ sở hạ tầng không thuận tiện, các hãng tàu lớn trong hai năm gần đây liên tục cắt giảm lượng tàu vào cảng. Mặt khác, chỉ số cước vận tải hàng khô (BDI) liên tục sụt giảm, thậm chí xuống mức 560 điểm (tháng 3-2015) và dự kiến cũng không nhiều thay đổi trong năm nay, đẩy cảng này lún sâu thêm vào khó khăn.

 Mặt khác, chi phí đầu tư thông qua hình thức vay vốn quá lớn. Tỷ lệ vốn vay ở đây chiếm xấp xỉ 68% trong tổng mức đầu tư nên chi phí trả gốc và lãi vay mất cân đối so với dòng tiền quay về từ việc kinh doanh cảng. Khoản tiền phải trả của CICT ngày càng tăng, từ mức trả lãi vay 4,4 triệu đô la năm 2012 lên 9,5 triệu đô la (gốc và lãi) năm 2013, và gần 13,6 triệu đô la (gốc và lãi) năm 2014.

 Theo báo cáo của CICT gửi Bộ GTVT, số lỗ lũy kế của liên doanh này đến hơn 269,5 tỉ đồng năm 2014. Hai tháng đầu năm lỗ tiếp 39, 7 tỉ đồng nữa. Các ngân hàng cho CICT vay đã gửi thông báo đòi tiền và lãi phạt cho các khoản chậm thanh toán.

 Trước tình hình này, theo cam kết nếu đến hạn không trả được nợ  thì các cổ đông phải tiếp tục góp tiền vào quỹ dự phòng để xử lý tài chính và có thêm dòng tiền để hoạt động, cỡ chừng 20 triệu đô la. Song Vinalines, CPI đều không có khả năng tiếp tục đầu tư do đang trong thời gian tái cơ cấu nợ. Cổ đông lớn khác là SSA thì chỉ muốn bỏ thêm vốn hỗ trợ đúng theo tỉ lệ vốn góp 49% mà không có ý định tăng thêm tỷ lệ sở hữu.

Thêm một ngân hàng
Thêm một ngân hàng "nhảy" vào đầu tư cảng ?

 Để có đường thoát cho các bên, Vinalines đã đề xuất lên Chính phủ thoái 51% vốn góp tại CPI (công ty con của Vinalines giữ tỷ lệ tương ứng tại CICT) cho ngân hàng VP Bank vào tiếp quản, hỗ trợ tái cơ cấu hoạt động. VP Bank sẽ nhận lại phần vốn góp này như cách cấn trừ công nợ cho khoản vay hợp vốn năm 2009 mà Vinalines vay của VP Bank và một ngân hàng khác với tổng giá trị 36 triệu đô la để mua tàu Vinalines Sunrise.

 Đến nay, do không trả được 80% giá trị khoản vay này, Vinalines muốn gán nợ  cho VP Bank và VP Bank tiếp quản để giải bài toán nợ xấu.

 Đề nghị này đang được Chính phủ chuyển cho các bộ, ngành thẩm định để giải quyết.

 Việc đổi nợ lấy cổ phần đã từng được Vietinbank đề nghị với trường hợp cảng Hải Phòng song không thể thực hiện được vì cảng Hải Phòng không phải là con nợ trực tiếp của ngân hàng. Song trường hợp của VP Bank đối với cảng CICT có thể thực hiện được nếu trong trường hợp Vinalines - con nợ trực tiếp của VP Bank đổi nợ lấy cổ phần của họ tại CPI.

 Ngoài CICT, các liên doanh cảng của Vinalines tại Đông Nam Bộ như cảng SP-PSA, cảng CMIT đều phải tái cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay ngân hàng đến hết 2015 và 2016 vì thua lỗ.

Theo TBKTSG