Vòng tranh luận thứ 3 của đảng Dân chủ: Tranh luận như không, các vấn đề quan trọng bị phớt lờ

VietTimes -- Vào ngày 12/9 vừa qua tại Dallas, Texas (Mỹ), đảng Dân chủ đã tổ chức vòng tranh luận thứ ba quy tụ các gương mặt ứng viên đang giành quyền đối đầu trực diện với đương kim Tổng thống Donald Trump trong kỳ bầu cử năm 2020. Giáo sư Terry Buss, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ có bài viết riêng gửi VietTimes bình luận về cuộc tranh luận nội đảng này. Bài viết thể hiện góc nhìn và nhận định riêng của tác giả.

Vòng tranh luận này xuất hiện 3 ứng viên tiềm năng nhất: Ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren – cả hai đều là Thượng nghị sỹ Mỹ. 7 ứng viên còn lại đều chỉ coi là đủ tư cách tham gia tranh luận khi giành được ít nhất 2% sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò và thu hút được đủ 130.000 nhà tài trợ.

Những người dẫn chương trình do hãng ABC News cung cấp.

Ông Obama trở thành đề tài tâm điểm của tranh luận

Trong 2 vòng tranh luận trước, và trong khoảng thời gian 2 tháng trước vòng tranh luận thứ ba này, nhưng ứng viên thỏa sức công kích các chính sách thời Obama, đặc biệt là về chương trình chăm sóc sức khỏe (hay Obamacare) và chính sách nhập cư. Ông Obama vốn được đảng Dân chủ coi như một “vị thánh” nên các đòn công kích nhằm vào ông là điều khiến người ta phần nào bất ngờ và bối rối.

Lý do đằng sau các đòn công kích này, là ông Biden đang cố gắng núp bóng Obama, vừa muốn hưởng uy tín từ những thành tựu của ông Obama lại vừa muốn giảm nhẹ những thất bại của ông Obama. Bởi vậy mà các ứng viên khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải công kích ông Biden và ông Obama.

Ông Obama và những người ủng hộ ông dường như đã lĩnh đủ những đòn tấn công kiểu này. Giờ đây, mọi ứng viên tham gia tranh luận đều ca ngợi ông Obama vì những nỗ lực trước đây, đồng thời nêu một cách thận trọng rằng các chính sách của họ là khác biệt với của ông Obama. Nhưng sau đó họ lại sực nhớ ra một thực tế rằng ông Obama có thể trả đũa họ trong các vòng bầu cử sơ bộ bằng cách lựa chọn một ứng viên duy nhất nào đó để đương đầu với Tổng thống Trump.

Điều trớ trêu ở đây là ông Obama chưa từng nói ra một câu nào ủng hộ ông Biden, và ông cũng chắc chắn không ủng hộ việc ông Biden ra tranh cử. Một số người đại diện khá nổi tiếng của ông Obama cũng bắt đầu công khai chỉ trích các phát ngôn mà ông Biden đưa ra trong chiến dịch vận động.

Di sản của ông Obama đang mờ nhạt dần trong tâm tưởng của đảng Dân chủ, một phần là do các đòn công kích liên tục của ông Trump – người theo cách nào đó đang làm sống lại chiến thắng của mình trong kỳ bầu cử năm 2016. Những diễn biến sắp tới trong tiến trình tranh cử chắc chắn sẽ rất thú vị.

Ông Trump thành ngôi sao nhờ được nhắc đến nhiều tại vòng tranh luận

Hầu hết ứng viên đều tung đòn công kích nhằm vào đương kim Tổng thống Donald Trump (Ảnh: NBC)
Hầu hết ứng viên đều tung đòn công kích nhằm vào đương kim Tổng thống Donald Trump (Ảnh: NBC)

Trong suốt 2 vòng tranh luận trước thì ông Trump ít khi được nhắc tới. Nhưng trong vòng thứ ba vừa qua, ông Trump lại trở thành đề tài trung tâm. Thay vì bỏ vốn thời gian ít ỏi để trả lời các câu hỏi hoặc cố gắng tách mình khỏi các ứng viên còn lại, những người tranh luận liên tục tung đòn công kích cá nhân nhằm vào ông Trump, và trong một số trường hợp còn khoái trá (hysterically) tuyên bố ông sẽ thất bại trong năm 2020.

Phần lớn những người tranh luận đều gọi ông Trump là kẻ phân biệt chủng tộc, kẻ theo chủ nghĩa ưu thế da trắng (hay phát xít), tham nhũng, và một kẻ tội phạm. Một số ứng viên tranh luận thậm chí còn cố cáo buộc ông Trump đã tạo động lực xấu để xảy ra 2 vụ thảm sát ở bang Texas.

Cụm từ “phân biệt chủng tộc” mà họ gán cho ông Trump không phải là một sự ngẫu nhiên. Mới đây, một đoạn băng ghi âm cuộc họp của các nhân viên trong tờ New York Times đã bị rò rỉ, trong đó các biên tập viên của tờ báo này thể hiện không còn muốn gọi ông Trump là kẻ cấu kết với Nga nữa, mà thay vào đó gọi ông là kẻ phân biệt chủng tộc. Các hãng tin khác, đặc biệt là CNN, MSNBC và Washington Post cũng bắt chước theo.

Kiểu chiến lược tranh luận phối hợp chỉ khiến các ứng viên tự hạ thấp thông điệp chính sách của họ, khiến họ trở nên “nhỏ mọn”, và trong một số trường hợp, làm họ rối trí.

Nó cũng đẩy ứng viên tự rơi vào bẫy của ông Trump: ông tự nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý, và ông sẽ xuất hiện dầy đặc trên các mặt báo với chi phí do phe Dân chủ chi trả !

Chiến lược trên cũng cho phép ông Trump phản pháo hiệu quả, rằng ông đã tạo dựng được một nền kinh tế mạnh mẽ trong đó công ăn việc làm, mức lương cùng việc làm mang tới lợi ích cho cộng đồng người da đen và người gốc Latin đang ở mức cao kỷ lục.

Các vấn đề quan trọng bị phớt lờ

Cuộc tranh luận trực tiếp lần ba không nêu bật được hướng giải quyết các vấn đề quan trọng của nước Mỹ (Ảnh: Time)
Cuộc tranh luận trực tiếp lần ba không nêu bật được hướng giải quyết các vấn đề quan trọng của nước Mỹ (Ảnh: Time)

Tuần trước, Quốc hội mỹ đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Đảng Dân chủ tận dụng ngay cơ hội này để tăng cường nỗ lực luận tội ông Trump. Luận tội không khác gì một bản án mà trong đó một cá nhân bị cáo buộc gây ra những tội ác nghiêm trọng và phải đứng trước vành móng ngựa.

Nguyên một tuần làm việc đầu tiên đó, người ta thấy phe Dân chủ có người ủng hộ, có người phản đối việc luận tội, khiến cho nội bộ chia rẽ khá sâu sắc. Có nhiều khu vực bầu cử Quốc hội mà đảng Dân chủ đang kiểm soát hiện nay từng bị ông Trump giành được trong kỳ bầu cử năm 2016. Và các đảng viên Dân chủ ở các khu vực đó lo sợ rằng nếu họ ủng hộ việc luận tội, họ sẽ thất bại trong kỳ bầu cử năm 2020.

Sự chia rẽ nội bộ trong đảng Dân chủ có thể khiến Hạ viện rơi vào tay đảng Cộng hòa, giúp cho đảng này duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện.

Những người tham gia tranh luận không hề được hỏi về sự nổi loạn của một số thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện. 4 thành viên mới được bầu cử, trong đó có 2 người Hồi giáo, 1 người gốc Latin và 1 người da đen, tất cả đều là phụ nữ (biệt danh là Biệt đội -- The Squad) đang dẫn đầu nỗ lực lật đổ các đảng viên Dân chủ truyền thống trong Quốc hội và thay thế họ bằng những thành viên cực đoan, cách mạng hơn – những người sẵn sang theo đuổi các chính sách cực tả. Nhóm này đặc biệt thu hút được nhiều người ủng hộ, cùng lúc bắt nạt những người dám chống đối họ.

Cũng giống như ông Trump, nhóm “Biệt đội” này là những ngôi sao truyền thông đồng thời là những người thao túng mạng xã hội một cách hữu hiệu. Nhóm này không chỉ thành công trong việc gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ, mà còn trên phạm vi toàn quốc. “Biệt đội” chắc chắn sẽ ra yêu sách với bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Điều này khá là xấu xa.

Các nỗ lực luận tội ông Trump cùng nhân tố “Biệt đội” dường như đã “hút hết sinh khí” của đảng Dân chủ trong nỗ lực hạ bệ ông Trump trong kỳ bầu cử năm 2020.

Không thấy người điều khiển chương trình của ABC News hỏi các ứng viên về những vấn đề này.

“Theo ý chúng tôi, còn không thì đừng trách”

Các ứng viên tranh cãi gay gắt về chính sách chăm sóc y tế của nước Mỹ (Ảnh: WSJ)
Các ứng viên tranh cãi gay gắt về chính sách chăm sóc y tế của nước Mỹ (Ảnh: WSJ)

Người Mỹ có câu thành ngữ “hãy làm theo ý tôi, không thì đừng trách" (nguyên văn: my way or the highway), ý nói tôi không quan tâm ý kiến của anh là gì nếu nó trái ý tôi. Những ứng viên tham gia tranh luận vừa qua đã thể hiện thái độ này một cách hết sức cực đoan.

Mọi ứng viên đều đề cập tới sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng chính trị và trong cộng đồng người dân Mỹ. Họ kêu gọi sự hàn gắn. Họ thể hiện ước muốn hợp tác với đảng Cộng hòa để tìm kiếm những giải pháp lưỡng đảng cho nhiều vấn đề.

Nhưng rồi các ứng viên lại tiếp tục tung đòn công kích nhằm vào ông Trump và phe Cộng hòa, cáo buộc họ đã gây ra các vấn đề tiêu cực cho xã hội. Các ứng viên thừa nhận rằng họ không thể thấy trước được viễn cảnh hợp tác với phe đối lập để giải quyết nhiều vấn đề. Họ đổ lỗi cho ông Trump và đảng Cộng hòa -- bên mà họ coi là xấu xa, suy đồi – gây nên thế bế tắc ở Washington. Hộ cáo buộc ông Trump đã hành động như tội phạm và vi hiến.

Và giải pháp mà đảng Dân chủ đưa ra cho 2020 là: Hãnh động như tội phạm và vi hiến để đạt được mục đích.

Hãy nhớ rằng ông Obama đã chán nản thế nào khi không thể nhận ra chương trình nghị sự ẩn chứa đầy sự biến đổi trong Quốc hội, bởi vậy mà ông cố tình bỏ qua nó bằng cách ra các sắc lệnh điều hành gây tranh cãi, các quy định quan liêu, và thực hiện việc kiện ra tòa. Cũng cần nhớ rằng ông Trump đã thành công trong việc tháo dỡ di sản của ông Obama nhờ việc vận dụng đúng chiến lược của chính ông Obama.

Và giờ đảng Dân chủ lại dự định cứu rỗi đất nước và chuyển đổi nó bằng cách tiếp tục vi phạm hiến pháp và các nguyên tắc quản trị dân chủ để đạt được mục đích. Hành động này chỉ có thể dẫn đến kết cục tệ hại: Nó không hiệu quả.

Cuộc thư hùng 3 bên: Biden - Sanders - Warren

Vòng tranh luận thứ ba được xem là cuộc đua tam mã giữa 3 ứng viên dẫn đầu (Ảnh: Getty)
Vòng tranh luận thứ ba được xem là cuộc đua tam mã giữa 3 ứng viên dẫn đầu (Ảnh: Getty)

Vòng tranh luận thứ ba được xem là cuộc thư hùng giữa 3 ứng viên dẫn đầu. Theo dự đoán ban đầu thì ông Biden và ông Sanders/bà Warren sẽ đấu với nhau, và ông Sanders và bà Warren sẽ lần lượt tự tách khỏi nhau và tấn công lẫn nhau.

Ông Biden và nhóm Sanders/Warren đúng là có đối đầu, nhưng ông Sanders và bà Warren vẫn tỏ ra giống nhau như một cặp song sinh, bởi cả hai đều theo đuổi các chương trình nghị sự cung có tính chất xã hội chủ nghĩa cực đoan. Đến cuối cùng, hai người này chắc chắn sẽ phải đối đầu với nhau, đó là màn diễn mà người ta sẵn sàng chi tiền để xem.

Dường như vấn đề lớn của đảng Dân chủ chính là chăm sóc sức khỏe. Ông Biden hiện đang đề xuất vực dậy chương trình Obamacare, trong đó duy trì hệ thống bảo hiểm sức khỏe tư nhân (mà phần lớn người dân Mỹ đều có) đồng thời áp dụng hệ thống bảo hiểm được chính phủ trợ cấp đối với người nghèo. Ông Biden cũng đề xuất một lựa chọn chăm sóc y tế công.

Cặp đôi Sanders/Warren thì muốn áp dụng một hệ thống y tế miễn phí, được chính phủ rót vốn (Medicare for All – tạm dịch là chăm sóc y tế cho tất cả) dành cho bất cứ ai tới nước Mỹ, trong đó có cả những người nhập cư trái phép.

Người giành chiến thắng trong tranh luận về vấn đề y tế sẽ được xem như giành chắc vị trí ứng viên duy nhất của đảng Dân chủ ra tranh cử với ông Trump.

Tuy nhiên, cả hai hướng tiếp cận trên đều ẩn chứa nhiều vấn đề: Đảng Cộng hòa, trong đó có ông Trump, đã phản đối Obamacare suốt 8 năm liền, làm nó hư hại một cách có hệ thống và gần như đã tiêu hủy nó. Sự phản đối nhằm vào Obamacare còn giúp tạo ra “đảng Trà” trong năm 2009. Đảng Cộng hòa sẽ không bao giờ chấp nhận một Obamacare phiên bản 2.0.

Medicare for All thậm chí còn bị phe Cộng hòa và ông Trump ghét cay ghét đắng, đó là chưa kể ý kiến dư luận. Chi phí để vận hành chương trình này ước tính lên tới hàng nghìn tỉ USD. Chương trình Medicare dành cho người lớn hiện đang áp dụng còn đang dần đi đến phá sản. Và khoảng 140 triệu người dân Mỹ đang sở hữu bảo hiểm tư nhân không sẵn lòng từ bỏ loại bảo hiểm này.

7 ứng viên còn lại cũng chỉ đưa ra các đề xuất về chương trình y tế kiểu chắp vá, bắt chước các đề xuất trên.

Đảng Dân chủ sẽ phải đối diện với một cuộc chiến hết sức khó khăn nếu họ ủng hộ một trong số các chính sách y tế kể trên trong lúc thực hiện chiến dịch chống lại ông Trump.

Tranh luận, có mà như không

Gọi đây là vòng tranh luận thật ra là không đúng. Bởi nó rất thiếu tranh luận. Tôi nhận thấy kiểu công kích ngụy biện cá nhân (ad homonym) nhằm vào ông Trump không thể giúp các ứng viên phát đi thông tin về các chính sách mà họ theo đuổi. Thế nhưng hầu hết các ứng viên lại né tránh những câu hỏi mà điều phối viên của ABC News đưa ra, trong khi cũng rất ít khi mà người dẫn chương trình và ứng viên tranh luận thách thức quan điểm của nhau.

Nhiều ứng viên trả lời những câu hỏi chỉ nhằm mục đích mớm tin cho các kênh truyền thông. Một ứng viên còn tuyên bố rằng ông sẽ phân phát  “những đồng dollar dân chủ” mà người dân đóng góp cho các ứng viên, với mục đích diệt trừ tham nhũng, thu hẹp tầm ảnh hưởng của liên đoàn lao động, của các tập đoàn lớn, của các hoạt động từ thiện phục vụ cho chiến dịch của đảng chính trị.

Ông Sanders cũng có cùng kiểu vận động trên trong mỗi vòng tranh luận và cả khi phát biểu trước đám đông: Ông ta muốn biến Mỹ thành một đất nước xã hội chủ nghĩa giống như các quốc gia Bắc Âu. Nhưng các nước Bắc Âu không tự nhận mình là xã hội chủ nghĩa. Họ không kiểm soát khu vực tư nhân. Ông Sanders (và cả bà Warren) lại muốn tiêu hủy khu vực tư nhân.

Thú vị ở chỗ, ông Biden đã thách thức cặp đôi Sanders/Warren về vấn đề chi phí dành cho các chương trình nghị sự của hai người mà chắc chắn nước Mỹ không thể kham nổi cho dù cho có tăng thuế cao chót vót hay kiểm soát nền kinh tế thật thêm chặt chẽ đến đâu. Và cả ông Sanders và bà Warren đều không có trả lời tốt. Đây có thể là điểm then chốt cho ông Biden.

Trung Quốc và thương mại

Vấn đề Trung Quốc và thương mại cũng được đề cập. Phần lớn ứng viên đều chỉ trích các đòn tấn công ông Trump nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là các hàng rào thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Các ứng viên muốn gỡ bỏ hàng rào thuế và đàm phán với Trung Quốc. Sau đó, ông Biden nhảy bổ vào và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang vi phạm các quy định và nguyên tắc của thương mại quốc tế, mà nếu họ không ngừng lại, Mỹ se gặp rắc rối lớn. Ông Biden ăn điểm trong luận điểm này.

Các ứng viên không có hứng thú với thương mại. Ông Sanders bác bỏ hết mọi thỏa thuận thương mại. Những ứng viên khác thì cho rằng thương mại nên được dùng để thúc đẩy các mục tiêu công bằng xã hội, trong khi các giao dịch kinh tế thì bị xếp sau về tầm mức quan trọng. Họ cho rằng các quốc gia, để được giao thương Mỹ, cần phải chấp nhận trợ giúp các tổ chức công đoàn, tôn trọng quyền của người lao động, nhân quyền, biến đổi khí hậu, và nông dân. Và các nhà hoạt động đại diện cho các nhóm người này sẽ chịu trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thương mại. Chúc may mắn!

Chủ đề chung: Phân biệt chủng tộc

Dù đều là người giàu có, nhưng phần lớn các ứng viên đều than nghèo khổ để hòa mình với cử tri tầng lớp trung lưu và người nghèo (Ảnh: API))
Đều là người giàu có, nhưng phần lớn các ứng viên đều than nghèo khổ để hòa mình với cử tri tầng lớp trung lưu và người nghèo (Ảnh: API))

Chủ đề chung mà các ứng viên đảng Dân chủ này sử dụng chính là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chế độ nô lệ - bắt nguồn từ năm 1619 – đã reo rắc những mầm mống của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong mọi ngóc ngách của xã hội Mỹ. Người da trắng giờ phải chịu trách nhiệm cho vấn đề của người Mỹ gốc Phi. Ông Trump, đảng Cộng hòa và những người theo trường phái bảo thủ thì bị xem như những kẻ theo thuyết ưu thế người da trắng, phát xít, chống người nhập cư hay đại loại như vậy.

Theo họ thì sự thất bại trong chính sách công đều xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một ứng viên còn cố gắng nêu luận điểm rằng cộng đồng người Mỹ gốc Phi chịu ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu một cách không bằng.

Việc chi tiền bồi thường cho những tổn thất của người Mỹ gốc Phi bỗng nhiên trở thành một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự về chính sách của các ứng viên.

Chả ai nhắc đến việc, làm thế nào mà coi người khác như kẻ phân biệt chủng tộc lại có thể giúp đoàn kết lại một đất nước có phần đông dân cư là da trắng.

Khi người giàu than…nghèo

Rõ ràng là các ứng viên đảng Dân chủ cũng tự nhận thấy khó xử bởi thực tế là họ rất giàu, giàu đến mức họ đang là đại diện cho tầng lớp tinh túy của xã hội. Bởi vậy mà mỗi ứng viên đều kể lể rằng bản thân họ cũng từng trải qua sự nghèo khổ, từng sống trong một gia đình không hài hòa, từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc hay trải qua những điều kém may mắn trong cuộc sống.

Một ứng viên kể bản thân sinh trưởng trong một gia đình có cha nghiện rượu. Một ứng viên khác thì sống trong một cộng đồng bảo thủ nơi mà ông phải giấu nhẹm việc mình là người đồng tính. Một số người khác thì kể chuyện mình lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của người mẹ đơn thân.

Một số khác thì rõ là giàu có nhưng vờ tỏ ra nghèo khổ. Một ứng viên kể rằng mình sống ở một khu ngoại ô trù phú, cha mẹ làm việc cho hãng IBM, để rồi ghi danh vào các trường đại học danh tiếng như Stanford, Oxford và Yale. Một người khác thì có cha mẹ giàu có, và rất may mắn khi cưới được một người có cha là tỉ phú.

Mục đích của các ứng viên đảng Dân chủ này là cố gắng hòa nhập với tầng lớp trung lưu và người nghèo. Cùng lúc, họ cáo buộc những cá nhân và tập đoàn giàu có gây ra nhiều tệ nạn nước Mỹ. Họ nói những cá nhân, tập đoàn đó đang bóc lột người dân và đó là hành vi đồi bại, vô đạo đức. Ông Trump thì cáo buộc những người này đang tạo ra chiến tranh giai cấp.

Một lần nữa, phe Dân chủ lại nói nhiều về sự đoàn kết, để rồi sẽ lại tỏ ra ghẻ lạnh với nhiều người.

Sự trở lại của Biden, có lẽ vậy

Ứng viên Sanders liên tục la hét và chỉ trỏ trong vòng tranh luận (Ảnh: Getty)
Ứng viên Sanders liên tục la hét và chỉ trỏ trong vòng tranh luận (Ảnh: Getty)

Vẫn có khả năng một trong số 17 ứng viên còn lại của đảng Dân chủ lội ngược dòng và giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ của đảng. Nhưng hiện tại, cuộc đua này rõ ràng là trận chiến chỉ giữa 3 bên: ông Biden, ông Sanders và bà Warren.

Xét theo một khía cạnh nào đó thì vấn đề chính sách giờ đã trở thành thứ yếu nếu so với “khả năng đắc cử”. Nói cách khác, người chiến thắng phải là người có cơ đánh bại ông Trump, chứ không phải người đưa ra được những chính sách tối ưu.

Ông Biden là gương mặt đại diện cho nhánh ôn hòa của đảng Dân chủ và là người kế thừa di sản của ông Obama, đại loại vậy. Nhiều học giả tin rằng ông có nhiều khả năng đánh bại ông Trump. Tuy nhiên ông Biden lại có rất nhiều pha vạ miệng, nhiều pha giúp ông nhận được sự ủng hộ nhưng thực ra lại không đúng sự thực. Ông còn không nhận được sự ủng hộ của ông Obama. Có khả năng lớn là nhóm “Biệt đội” trong đảng Dân chủ sẽ còn kéo ông xa hơn về phía Tả.

Ông Sanders thì đại diện cho nhánh dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đảng. Năm 2016, ông đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ thu hút được nhiều cử tri trẻ tuổi. Lúc đó ông suýt đánh bại bà Hillary Clinton. Không may, ông Sanders không bao giờ chịu đổi mới thông điệp mà ông đưa ra từ 3 năm trước. Các chính sách của ông ta hơi mơ hồ và chưa được ước tính chi phí. Giờ đây ông mỗi lúc một trở nên cực đoan hơn: Khi trả lời câu hỏi, mặt ông ta đỏ gay, mắt thì long sòng sọc trong khi tay bấu chặt lấy bục đài như thể muốn bóp nát nó ra. Rồi sau đó ông ta la hét vào khán giả. Ông đã trở thành một người thô bẳn (curmudgeon).

Bà Warren là một ứng viên xã hội chủ nghĩa nhưng giả bộ (masquerading) là người cấp tiến hoặc cải cách (liberal or progressive). Bà có kế hoạch giải quyết mọi vấn đề chính sách và cung cấp những thứ miễn phí cho mọi “nhóm đặc thù” (identity group). Vấn đề là chính sách của bà có rất ít tính khả thi, đặc biệt nếu xét về chi phí. Về tính cách cá nhân, bà Warren giống như một người giáo viên nghiêm khắc không bao giờ dung thứ sự bất đồng quan điểm. Bà ta là nữ hoàng của sự nhàm chán.

Nên nhớ, thâm hụt ngân sách của Mỹ giờ đã ở mức 22,5 nghìn tỉ USD. Làm khoản nợ đó lớn thêm xét về mặt chính trị là bất khả. Thế nhưng không thấy ứng viên nào nhắc tới khoản nợ kinh hoàng này.

Cả ba nhân vật này đều ở độ tuổi trên 70, nên đều rất nhạy cảm với những lời chỉ trích về tuổi tác. Ông Biden (77 tuổi) trông đúng là già, còn ông Sanders (78 tuổi) và bà Warren (70 tuổi) trông có vẻ năng động hơn.

Viễn cảnh

Tôi không khỏi kinh ngạc rằng làm sao mà một đất nước giàu có nhất trong lịch sử nhân loại, có tới 340 triệu dân, lại có thể lựa ra một nhóm nhân vật như vậy để lãnh đạo đất nước. Nếu thêm cả ông Trump ở phe đối diện, thì ngay cả ở trong tiểu thuyết giả tưởng chúng ta cũng khó mà tưởng tượng được kết cục cuối cùng.

Ở giai đoạn này, không ai có thể thấy trước được cuộc bầu cử năm sau sẽ diễn biến thế nào. May mắn thay, người dân Mỹ vẫn còn nhiều cuộc tranh luận xem như tra tấn để mà trông đợi. Tin tốt lành cho đảng Dân chủ là khoảng 17 ứng viên còn lại vẫn còn đủ trẻ trung để có thể tiếp tục tranh cử Tổng thống vào năm 2024 và 2028. Người dân Mỹ không chờ nổi nữa rồi!

Huyền Chi (chuyển ngữ)