Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/4/2016, chỉ tính riêng số vốn đầu tư từ British Virgin Islands (BVI) – nơi được gọi là “thiên đường thuế” lên tới 644 dự án với hơn 19,7 tỷ USD. Sau khi Hồ sơ Panama được công bố, một trong những vấn đề được quan tâm là số vốn khổng lồ này đến từ “thiên đường thuế” có đáng lo ngại hay gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế?
Sở dĩ British Virgin Islands (BVI) được gọi là “thiên đường thuế” là bởi tại đây gần như xóa bỏ mọi loại thuế với người kinh doanh. Thủ tục thành lập công ty những nơi này cũng cực kỳ nhanh gọn, trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn, công ty toàn cầu. Hiện BVI có tới hơn 850.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tại đây đổ vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới hơn 19 tỷ USD.
Theo TS. Phạm Hùng Tiến, chuyên gia đầu tư nước ngoài, Viện Friedrich Naumann, việc đầu tư này là bình thường. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp có ý định thành lập các chi nhánh, văn phòng hoặc công ty con ở các thiên đường thuế với mục đích để né tránh thuế hoặc trốn thuế thì có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.
Mặc dù hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để cấm các doanh nghiệp thành lập các công ty ở thiên đường thuế, nhưng TS. Phạm Hùng Tiến cho rằng, chúng ta cũng không khuyến khích và cần hạn chế.
“Không phải chỉ riêng Việt Nam mà Chính phủ của các nước khác cũng rất quan tâm và đưa ra rất nhiều các sáng kiến, giải pháp để hạn chế các công ty thành lập văn phòng tại thiên đường thuế. Ví dụ như là minh bạch thông tin giữa các cơ quan thuế của các quốc gia với nhau và đồng thời đưa ra các biện pháp chủ động hơn, giảm mức thuế thu nhập ở tại quốc gia. Việt Nam đã tiến hành trong 5 năm qua, thuế suất từ 32%, hiện nay giảm còn 20%.”, TS. Phạm Hùng Tiến nhận định.
Cho đến nay, vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là một thách thức đối với cơ quan thuế. Nhất là khi một lượng vốn đầu tư khổng lồ lên tới hơn 19 tỷ USD đổ vào Việt Nam từ các công ty được thành lập ở “thiên đường thuế”, vấn đề từ chuyển giá lại một lần nữa được đặt ra.
Bởi không ngoại trừ trường hợp thay vì có hoạt động giao dịch và phát sinh lãi ở Việt Nam, doanh nghiệp lại thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ ký với các pháp nhân ở “thiên đường thuế”. Lợi nhuận thật được chuyển ra các công ty đăng ký ở “thiên đường thuế”, nơi mà họ không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp.
GSTS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, vấn đề đáng quan ngại nhất là lợi nhuận phát sinh ở Việt Nam có chính xác không, hay là có hành vi chuyển giá, trốn thuế.
“Nếu chúng ta không có giám sát chặt chẽ thì việc người ta phát sinh lợi nhuận đáng lẽ ra chúng ta phải thu đủ thuế như quy định của nhà nước về từng trường hợp thì chúng ta lại thất thu thuế. Do đó, để thực hiện được các quy định của luật pháp một cách nghiêm túc, vừa không nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của đất nước thông qua thu ngân sách nhà nước thì quan trọng nhất là giám sát thông qua một bộ máy công chức có trình độ chuyên nghiệp, có đủ công cụ, đặc biệt là hệ thống thông tin để giám sát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như hoạt động sinh lãi hoặc lỗ. Nếu chúng ta đủ năng lực thì sẽ không để xảy ra tình trạng đó.”, GSTS. Nguyễn Mại đánh giá.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến 20/4/2016, còn có nhiều nơi được coi là "thiên đường thuế" đầu tư vào Việt Nam, trong đó, lớn nhất là Singapore (1.600 dự án với 36,28 tỷ USD) và Hong Long (1.018 dự án với 15 tỷ USD)…
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, trong khi lựa chọn nhà đầu tư cần thận trọng với các doanh nghiệp đến từ vùng “thiên đường thuế”, vì nhiều công ty được lập ra tại đây rồi đầu tư vào nơi khác trong đó có Việt Nam, để tận dụng ưu đãi thuế, tiền chuyển về không phải chịu thuế, còn chúng ta lại mất nguồn thu. Với cơ quan thuế, thời gian tới sẽ có những giải pháp tăng cường giám sát và ngăn chặn hành vi này.
“Hồ sơ Panama cho thấy chúng ta phải tăng cường giao lưu các kênh trong và ngoài nước, phải tăng cường quản lý rủi ro, để chia sẻ thông tin với cơ quan thuế các nước để phối hợp. Đặc biệt vừa qua có nhiều vụ tranh chấp thuế giữa ta và các nước về doanh nghiệp FDI, nên cần nâng cao năng lực cho cán bộ công chức để giám sát được doanh nghiệp FDI trong khi các thủ tục đang ngày càng được đơn giản. Rà soát lại hiệp định tránh đánh thuế 2 lần được thực hiện lâu rồi nhưng phải đàm phán lại và tận dụng hiệp định hiện tại.”, ông Phụng chỉ rõ.
Để quản lý đầu tư FDI, các chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra, rà soát các dự án, không loại trừ đến từ đâu, để từ đó có các chính sách, giải pháp phù hợp. Với các dự án đến từ các “thiên đường thuế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng kết đánh giá tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng kí, vốn rút khỏi dự án, số dự án không thực hiện, chậm triển khai và việc chấp hành pháp luật tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng cần được rà soát, điều chỉnh để thu hút đầu tư, nhưng cũng phải đủ chặt chẽ để ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế.
Theo VOV