Đã có một thông cáo được phát đi từ Công ty cổ phần cà phê hoà tan Trung Nguyên. Về chuyện vợ chồng, thông điệp nói là: “Chúng tôi đang giải quyết các mâu thuẫn nội bộ dựa trên sự tôn trọng pháp luật và phán quyết của tòa án. Thật sự chúng tôi không muốn những việc như cá nhân hay gia đình ảnh hưởng đến việc kinh doanh hay cộng đồng dư luận. Khi sự việc đã được giải quyết ổn thỏa, chúng tôi sẽ chính thức có thông báo cụ thể”.
Nguồn tin riêng cho biết, tư vấn pháp lý cho bà Thảo và ông Vũ là hai luật sư rất tên tuổi và hết sức “mát tay” với truyền thông. Tuy nhiên, không cần luật sư thì ứng xử như vậy có lẽ cũng là lựa chọn của những người làm kinh doanh chuyên nghiệp.
Vấn đề là khi tiếng như vậy không hẳn là bà Diệp đang xử lý khủng hoảng bởi vì có thể vợ chồng bà đã kiểm soát toàn bộ câu chuyện ngay từ đầu. Đối với những người theo thuyết âm mưu, vợ chồng họ đã dẫn dắt dư luận như những bậc thầy về truyền thông.
Vì sao lại nói như vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần thông tin cho đầy đủ thông điệp ngày 14/12 của doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: “Hiện tại các nhà máy của Trung Nguyên IC (Công ty cổ phần cà phê hoà tan Trung Nguyên - PV) vẫn hoạt động ổn định để duy trì lượng cung đều đặn cho thị trường và một lượng lớn cho xuất khẩu. Do vậy, thị trường không hề thiếu cà phê G7 như được đồn thổi.
Các hoạt động kinh doanh của công ty tiến triển rất tốt, các dự án cũng đang triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, công ty đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động tại hai nhà máy ở Bình Dương và Bắc Ninh, không ảnh hưởng đến các đối tác và khách hàng nói chung”.
Toàn bộ câu chuyện rùm beng về Trung Nguyên trên mặt báo gần đây cũng bắt nguồn từ một thông báo phát đi từ chính Trung Nguyên hôm 10/11 về việc tạm ngưng cung cấp tất cả các sản phẩm thuộc nhóm hàng hòa tan chứ hoàn toàn không do ai “đồn thổi”.
Thông báo này ngay lập tức thu hút mọi sự chú ý của dư luận về Trung Nguyên vì G7 là sản phẩm chủ lực của họ. Sau đúng một tháng, bắt đầu có những rò rỉ thông tin về “cuộc chiến” pháp lý giữa hai vợ chồng xoay quanh quyền kiểm soát công ty cà phê hoà tan.
Thông tin này là lời giải thích trên cả xác đáng cho những cặp mắt tò mò vẫn luôn dõi theo “Chủ tịch Vũ”. Thắt nút, mở nút và hạ màn tài tình bằng lời khẳng định quá ư lịch lãm trên kia: “Công ty vẫn ổn, chúng tôi không muốn những việc như cá nhân hay gia đình ảnh hưởng đến việc kinh doanh!”.
Không tốn một đồng mà thương hiệu vẫn nổi như cồn, đặc biệt vào mùa cao điểm chuẩn bị hàng tết!
Chia tách Trung Nguyên?
Nhưng đấy chỉ là vở một, xin nhắc lại đó là phỏng đoán của những người theo thuyết âm mưu. Nếu ai nghĩ một đầu óc trác tuyệt như Đặng Lê Nguyên Vũ bày đặt ra tất cả những việc này chỉ để hâm nóng thương hiệu G7 để bán hàng thì thật thiển cận. Câu chuyện chỉ mới bắt đầu. Bà chủ cũng đã xác nhận điều này: “Khi sự việc đã được giải quyết ổn thỏa, chúng tôi sẽ chính thức có thông báo cụ thể”.
Bà Thảo chỉ có 5% cổ phần tại Cà phê hoà tan Trung Nguyên, phần còn lại gần như đều trong tay ông Vũ (cá nhân ông Vũ nắm 10% và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên nơi ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT nắm 85%). “Cuộc chiến” chỉ là danh từ của truyền thông bởi vì không thể có một cuộc chiến ở đây, có chăng chỉ là một trận đấu chớp nhoáng vì hai bên quá ư không cân sức.
Kể cả khi bà Thảo có “trát” của Toà Bình Dương về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đối với Công ty cổ phần cà phê hoà tan Trung Nguyên thì đây cũng không phải là “bùa hộ mệnh”.
Những viện dẫn của bà về việc Điều lệ công ty không quy định HĐQT có quyền miễn nhiệm chủ tịch cũng không có nhiều giá trị. Vì rằng, những tranh chấp nội bộ công ty cổ phần khi mang ra “đáo tụng đình” thì đều được soi chiếu bằng Luật Doanh nghiệp. Mà Luật thì đã quy định quá rõ trong trường hợp này.
Nhưng nếu nghĩ bà Thảo không nhận ra điều này để rồi vẫn cố bám víu thì cũng quả là thiển cận. Đang có hai mối quan hệ pháp luật được xử lý song song: Mối quan hệ về tranh chấp nội bộ công ty như đã nói và mối quan hệ hôn nhân gia đình. Bà Thảo có thể vẫn bị chồng miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT một công ty con của Tập đoàn nhưng bà vẫn là bà chủ của cả đế chế này.
Vì kể cả khi bà không phải là doanh nhân, không đóng góp được gì về mặt tiền bạc, bà chỉ là một người nội trợ, ở nhà “nâng khăn sửa túi” cho ông Vũ thì bà vẫn có thể có được phân nửa của những gì được gọi là tài sản chung của vợ chồng theo các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình.
Vậy thì cần thiết gì một cuộc tranh chấp nội bộ công ty mà không bỏ qua để tiến thẳng tới một cuộc ly hôn “nghìn tỷ”? Câu trả lời là bởi vì bà Thảo muốn mang đi theo mình cả mảng cà phê hoà tan của Trung Nguyên chứ không đơn thuần chỉ là chuyện chia tài sản sau cuộc hôn nhân tan vỡ.
Như vậy, nếu cả hai mối quan hệ pháp luật này cùng lúc được giải quyết thỏa đáng “dựa trên sự tôn trọng pháp luật và phán quyết của tòa án”, cũng rất có thể Trung Nguyên sẽ bị chia tách.
Đây cũng rất có thể là một tính toán của vợ chồng “Chủ tịch Vũ”, theo cách nói dân gian là kế “ve sầu thoát xác”. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng cũng không hẳn không có lý, ít nhất để “Chủ tịch Vũ” có nhiều thời gian hơn thực hiện những lời hứa còn bỏ ngỏ và đầu tư cho những dự án xa xôi của mình.
Khi đó, ông vừa thỏa sức phiêu lưu “cháy” theo niềm đam mê và hoài bão mà cũng vừa có thể yên tâm khi “hậu phương” vẫn an toàn. Trung Nguyên hiện chiếm 1/3 thị phần cà phê hoà tan trong nước nhưng trong nhiều lĩnh vực khác, ví như kim ngạch xuất khẩu cà phê, lại chỉ đứng thứ 36.
Xin nhắc lại, trên đây cũng chỉ là phỏng đoán phát khởi từ mong muốn rằng vượt lên tất cả, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn nắm tay nhau đi đến cuối con đường như buổi ban đầu chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng mà ông vẫn giữ. Để “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cả vợ cả chồng cùng “chung lưng đấu cật” xây đắp cho giấc mơ cà phê Việt vang danh thế giới.
Theo Baophapluat