V.League không phải “thắt lưng buộc bụng”, vui hay buồn?

VietTimes -- Để cứu các CLB bóng đá, FIFA đã khuyến cáo nên giảm 50% tiền lương. Nhưng tại V.League 2020, chỉ có 5 CLB phải “thắt lưng buộc bụng”, vậy nên mừng hay lo?
Tại V.League 2020, đến nay chỉ có 5 CLB phải “thắt lưng buộc bụng”.Ảnh VPF.
Tại V.League 2020, đến nay chỉ có 5 CLB phải “thắt lưng buộc bụng”.Ảnh VPF.

Cơn dịch Covid đã tràn khắp 5 châu lục tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, tất nhiên các HLV, cầu thủ cũng không ngoại lệ. Theo tính toán của FIFA nếu bóng đá bị ngừng trệ trong 3 tháng vì dịch COVID-19, một số CLB nhỏ sẽ đứng trên bờ vực phá sản.

Sân cỏ thế giới lao đao

Tại Premier League, các CLB lớn như MU, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham…đã ngay lập tức phải đàm phán để giảm lương để có thể cân bằng tài chính. Chỉ sau 1 tháng, bóng đá Đức là có đến 13/36 CLB báo cáo gặp khó khăn về tài chính, ngay tháng 3 Schalke 04 giảm 15% lương BHL, cầu thủ và vẫn phải tiếp tục giảm nếu không muốn phá sản.

Bản thân các ngôi sao lớn, thuộc tốp có thu nhập hàng đầu thế giới như Ronaldo, Messi cũng ý thức được mình phải giảm lương để cứu câu lạc bộ. Họ còn chủ động đứng ra vận động các đồng nghiệp giảm lương.

Ronaldo đi đầu trong việc kêu gọi các cầu thủ Juve giảm lương. Ảnh CLB
Ronaldo đi đầu trong việc kêu gọi các cầu thủ Juve giảm lương. Ảnh CLB

Các giải đấu lớn như J-League (Giải vô địch Nhật Bản), K-League (Giải nhà nghề Hàn Quốc), Chinese Super League (Giải nhà nghề Trung Quốc)... có thể không gặp vấn đề. Nhưng các CLB ở khu vực Đông Nam Á lại là chuyện khác.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài trừ Malaysia, việc giảm lương gặp phải sự chống đối quyết liệt của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp (PFAM) các giải vô địch khác đều thực hiện “thắt lưng buộc bụng”. CLB Persita Tangerang (thi đấu ở Giải vô địch Indonesia) chỉ trả 10% lương các tháng 4, 5, 6 cho cầu thủ. Hiện các CLB Thái Lan cũng đang tiến hành đàm phán để giảm 50% lương của các cầu thủ. Trong khi đó, 3 CLB Melaka, Kedah và Penang (Malaysia) đang lâm vào cảnh nợ lương cầu thủ. 

V.League khá bình yên

Ban đầu, người ta tưởng V.League sẽ gặp khó khăn lớn bởi bóng đá Việt chủ yếu sống “ký sinh hoàn toàn vào ông bầu" nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Hiện 5 đội bóng tại V.League phải thực hiện việc cắt giảm lương bao gồm: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, CLB Sài Gòn, Dược NH Nam Định, CLB TP.HCM và Thanh Hóa.

Nếu tính con số tuyệt đối chỉ CLB TP.HCM số tiền lương tiết kiệm chi tương đối lớn, các CLB khác chỉ nặng yếu tố tinh thần, HLV và cầu thủ chung lưng đấu cật với đội bóng. Ban đầu, Quảng Nam FC cũng định giảm 30% tiền lương nhưng tính đi, tính lại cũng chả được bao nhiêu nên CLB rút lại quyết định.

Trước hết, nhìn chung tiền lương cầu thủ Việt Nam không cao, cao nhất Công Phượng 130 triệu đồng/tháng thấp hơn nhiều tiền lương 20.000 euro/tháng khi còn thi đấu ở CLB Sint-Truidense ở Bỉ. Ngay tuyển thủ Văn Đức (SLNA) cũng chỉ nhận 20 triệu đồng/tháng, thua xa tiền đạo Teerasil Dangda khi còn đá Thai-League cũng nhận tiền lương đến 900.000 baht/tháng (gần 650 triệu đồng). Nên giá trị thực của việc cắt giảm chi phí tiền lương, nếu có cũng không đáng kể.

Gã "già giàu" TP.HCM 30% lương tháng 4. Ảnh CLB TP.HCM
Gã "già giàu" TP.HCM 30% lương tháng 4. Ảnh CLB TP.HCM

Chưa kể, các CLB V.League thường “lách luật” bằng các “hợp đồng tập sự” khiến các cầu thủ trẻ có 2 năm chỉ nhận vài triệu tiền lương tượng trưng, sau 25 tuổi mới được hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên. Nên các đội bóng trên cũng phải chia ra nhiều nhóm để có tỷ lệ cắt giảm tiền lương khác nhau, bởi có những cầu thủ trẻ, nếu giảm nữa, không đủ ăn mì tôm.

Đúng như ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA chia sẻ, quỹ lương của các đội bóng Việt Nam đều không quá lớn. Việc các đội “con nhà nghèo” như: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, CLB Sài Gòn, Dược NH Nam Định, và Thanh Hóa phải giảm lương, đơn thuần là ngày thường chi phí của họ cũng đã không thể được như các đội bóng khác.

Tất nhiên, bù lại V.League sẽ có “tiền lót tay” khi chuyển nhượng và tiền thưởng từng trận. Hậu vệ Đoàn Văn Hậu sẽ nhận mức lương trước thuế rất cao khoảng 450.000 euro (khoảng 11,5 tỷ đồng) mỗi năm nhưng không thể bỏ túi 8-9 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 như Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc ký với Viettel.

Vui hay buồn?

Bóng đá chuyên nghiệp “kiểu Việt Nam” đang có nhiều nguồn chi “lệch chuẩn” so với các CLB chuyên nghiệp trên thế giới. Thậm chí Hải Phòng, có mùa giải từng thưởng 10 tỷ đồng cho 4 vòng đấu chót, trong cuộc đua trụ hạng. Giá trị trụ hạng cao gấp 10 lần, giải thưởng cho đội vô địch là chuyện chỉ có ở sân bóng Việt. Vì lẽ đó khi bóng ngừng lăn, các CLB V.League sẽ không phải chi tiền thưởng cho từng vòng đấu, số tiền đối với nhiều đội bóng có khi còn lớn hơn quỹ lương hàng tháng.

Nam Định là 1 trong 5 đội đã "thắt lưng, buộc bụng". Ảnh NĐFC
Nam Định là 1 trong 5 đội đã "thắt lưng, buộc bụng". Ảnh NĐFC

Ngược lại, đối với các CLB bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, ngay cả Thai-League các nguồn thu từ: bản quyền truyền hình, bán vé, áo đấu, đồ lưu niệm, quảng cáo…rất lớn, khi bóng ngừng lăn sẽ giảm sút đáng kể. Với V.League các khoản thu này không đáng kể, nên do đại dịch Covid, V.League 2020 ngừng thi đấu thì cũng không mấy ảnh hưởng.

Điều mà người ta lo lắng nhất là Covid có ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh của các ông bầu hay không? Nếu các ông bầu kinh doanh lĩnh vực khác thiệt hại kinh tế không lớn, thì có nghĩa các CLB V.League sẽ không cần giảm lương HLV, cầu thủ, chuyện phá sản lại càng không thể xẩy ra. Nhưng điều này vui hay buồn thì chỉ có những nhà quản lý bóng đá Việt Nam mới thấu hiểu.