Ứng tiền trước, đầu tư theo hình thức BT
Theo đó đây là dự án được đầu tư theo hình thức BT (đầu tư, chuyển giao) được Tập đoàn Vingroup ứng vốn trước nhưng không tính lãi vay ngân hàng. Giải trình đầu tư, Vingroup cho rằng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún và ngập nước nặng mỗi khi triều cường, ảnh hưởng lớn đến xe lưu thông trên tuyến đường này và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Còn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang trong tình trạng xuống cấp, đường dẫn lún, khe co giãn và mặt cầu bị hư hỏng.
Được biết tính đến thời điểm này đường Nguyễn Hữu Cảnh đã có thời gian dài 11 năm chờ chống lún. Và đây chính là con đường đã được công ty sản xuất và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong là chủ đầu tư dự án đã đưa vào sử dụng từ năm 2002. Vào năm 2004, công trình này được bàn giao lại cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM quản lý. Đơn vị này đã thuê Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích và đánh giá nguyên nhân hư hỏng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Thành phố đã xây dựng danh mục 26 dự án cần đầu tư trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BT, BOT hoặc BOT kết hợp BT với tổng mức đầu tư ước tính trên 92.000 tỉ đồng. |
Từ kết quả phân tích đánh giá cho thấy từ lúc đưa vào sử dụng, trên toàn tuyến đường thường xuyên hư hỏng và lún từ 0,05m đến 1m so với thiết kế ban đầu như trường hợp lún hầm chui cầu Văn Thánh các đoạn đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2 lún, hư hỏng và cầu vượt gần cầu Sài Gòn cũng vậy.
Cũng theo thông tin từ UBND TP.HCM, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm thuộc dự án thành phần cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Do dự án bị “treo” nhiều năm nên Vingroup đề xuất ứng trước 800 tỉ đồng để giải tỏa mở rộng đường Ung Văn Khiêm và 300 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh. Số tiền ứng trước sẽ được thành phố trả chậm trong ba năm.
Với việc nâng cấp những con đường này sẽ khắc phục tình trạng ngập, cải thiện cuộc sống của người dân. Riêng tuyến đường Ung Văn Khiêm mở rộng sẽ rút ngắn thời gian giao thông giữa Tân Cảng, đường Phạm Văn Đồng, trung tâm TP.HCM với sân bay Tân Sơn Nhất và các tỉnh khu vực miền đông.
Nhìn nhận từ các chuyên gia kinh tế về việc đầu tư hạ tầng giao thông đô thị thì trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình giao thông ở TP.HCM vừa qua, nhiều dự án rơi vào tình cảnh xếp hàng chờ vốn. Bởi vậy, việc thực hiện nhiều tuyến đường dưới hình thức xây dựng và chuyển giao (BT) sẽ là giải pháp cho hàng loạt dự án. Qua việc đa vốn hóa nguồn đầu tư như tập trung kêu gọi các tập đoàn tham gia chung vai gánh vác với nhà nước là một giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Vingroup sẽ xây phức hợp thể thao Thủ Thiêm
Tin mới nhất vào ngày hôm qua (5.10), UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương về phương án quy hoạch tổng mặt bằng khu phức hợp TDTT, giải trí tại khu chức năng số 2C Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đề xuất của Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Tập đoàn Vingroup.
Theo qui hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được chia thành 8 khu chức năng. Mỗi khu chức năng có đặc điểm riêng về công năng sử dụng hỗn hợp, mật độ xây dựng riêng, các không gian công cộng và các công trình điểm nhấn. Trong đó khu chức năng 2C thuộc khu lõi trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm và có chức năng chính là thể thao, giải trí. Việc phát triển khu chức năng này sẽ góp phần tạo động lực, thu hút đầu tư rất lớn vào các khu chức năng khác trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm nhìn từ bờ tây sông sài Gòn |
Thành phố cũng giao Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn Tập đoàn Vingroup lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án.
Được biết, khu chức năng số 2 nằm ở phía Nam của Khu Lõi Trung tâm, là một khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư đa chức năng và thể thao giải trí. Toàn khu được chia thành 3 khu nhỏ: Khu 2a ở phía Bắc Đại lộ Đông Tây, khu 2b - khu Phức hợp tháp quan sát và khu 2c - khu phức hợp thể thao giải trí.
Các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong Khu chức năng số 2 là Công trình Khu Phức hợp tháp quan sát (Khởi công tòa tháp cao nhất Việt Nam đã được báo Điện tử Một Thế Giới thông tin vào ngày 2.10), nhà thi đấu đa năng, trường học và trung tâm hành chính địa phương.
Theo Một thế giới