CTCP Hàng không Vietjet (Mã CK: VJC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với khoản lỗ sau thuế lên tới 2.358,8 tỉ đồng, cao gấp 25,2 lần so với số lỗ 93,3 tỉ đồng trong quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022, hãng hàng không này báo lỗ sau thuế 2.171,3 tỉ đồng, đánh dấu năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi cổ phiếu của hãng được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong quý cuối năm 2022, doanh thu thuần của VJC ghi nhận 11.807,3 tỉ đồng, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách chiếm 88,7%, đạt 10.475,1 tỉ đồng, chủ yếu đến từ việc cho thuê chuyến bay (4.881 tỉ đồng) và kinh doanh hoạt động phụ trợ (3.037 tỉ đồng).
Doanh thu vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế trong quý 4/2022 của VJC cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 1.292 tỉ đồng và 1.264,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán lên tới 15.650,4 tỉ đồng, VJC báo lỗ gộp quý 4/2022 ở mức 3.843,1 tỉ đồng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, kết quả kinh doanh trong quý 4/2022 của VJC được bồi đắp đáng kể bởi hoạt động tài chính, với doanh thu đạt 2.063,6 tỉ đồng, tăng gấp 16,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, hãng hàng không này còn ghi nhận khoản lãi 1.618,9 tỉ đồng từ hoạt động khác (chỉ tiêu này trong quý 4/2021 chỉ là 0,36 tỉ đồng).
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4/2022 của VJC tăng mạnh 198,8% và 37,9% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ở mức 430,2 tỉ đồng và 183,3 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nguồn thu trong kỳ của VJC còn bị ăn mòn đáng kể bởi khoản chi phí tài chính lên tới 1.352,5 tỉ đồng, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là chi phí lãi vay (408,5 tỉ đồng), lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện (569,8 tỉ đồng) và 490 tỉ đồng dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư mua 50 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Mã CK: OIL) với giá gốc 990 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) của VJC là 17.483,2 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chiếm 26% tổng nguồn vốn.
Trong đó, nguồn vay chủ yếu của hãng là trái phiếu thường với tổng giá trị 10.650 tỉ đồng, chịu lãi suất từ 7,78-9,5%/năm. Vay nợ ngân hàng của VJC là 6.788,2 tỉ đồng, trong đó có 6.410 tỉ đồng vay ngắn hạn.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VJC đạt 67.146,8 tỉ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm 73%, với giá trị đạt 49.050,1 tỉ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền của VJC là 1.858,2 tỉ đồng./.