VietinBank 'siết nợ' Descon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở thời kỳ đỉnh cao, Descon được xem như là nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty này có chiều hướng đi xuống sau màn đổi chủ vào năm 2010.

VietinBank rao bán khoản nợ 508 tỉ đồng của Descon (Ảnh: Internet)
VietinBank rao bán khoản nợ 508 tỉ đồng của Descon (Ảnh: Internet)

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã CK: CTG) vừa công bố việc bán đấu giá khoản nợ của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon).

Theo đó, tính đến ngày 6/7/2022, tổng dư nợ của Descon tại nhà băng này đạt mức 508,5 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 328,4 tỉ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt là 180,1 tỉ đồng.

VietinBank không đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ của Descon, mà cho biết “sẽ lựa chọn người mua theo nguyên tắc là người có giá chào mua cao nhất và có đủ khả năng tài chính để thanh toán theo giá mua nợ”.

Descon làm ăn ra sao?

Descon tiền thân là Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ số 2 (trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ). Tháng 2/2002, doanh nghiệp này được tiến hành cổ phần hoá.

Đến tháng 10/2007, Descon chào bán 7,3 triệu cổ phiếu ra công chúng, qua đó tăng mạnh vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng lên 103 tỉ đồng. Chưa đầy 2 tháng sau, Descon đem 10,3 triệu cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với mã DCC.

Năm 2010, Descon chứng kiến loạt biến động trong cơ cấu cổ đông, với sự nổi lên của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khiến Descon dần bị những nhà thầu tên tuổi khác như CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã CK: HBC) bỏ lại phía sau.

Tới tháng 12/2011, cổ phiếu DCC bị huỷ niêm yết bắt buộc do vi phạm quy định nghiêm trọng về công bố thông tin.

Đến tháng 12/2014, Descon chào bán thành công 10,3 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, tăng gấp đôi vốn điều lệ lên mức 206 tỉ đồng. Tới tháng 9/2016, công ty này tiếp tục phát hành thành công 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 356 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, cơ cấu cổ đông của Descon bao gồm: Ông Trịnh Thanh Huy (56,17% VĐL), Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon – 1,6% VĐL), Công ty TNHH Mascon (13,76% VĐL), Asian Worldwide Resources Limited (2,05% VĐL) và các cổ đông khác (26,4% VĐL).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (AGM 2018), cổ đông Descon đã thông qua việc chào bán 34,4 triệu cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư cá nhân, bao gồm: Chủ tịch HĐQT Châu Anh Tuấn (12,48 triệu cp) và các bà Đỗ Thị Hiền (9,39 triệu cp), Trần Thị Tâm (9,39 triệu cp), Lại Mỹ Hạnh (3,13 triệu cp) để tăng vốn điều lệ lên 700 tỉ đồng. Song, thương vụ này vẫn chưa được thực hiện.

Tại AGM 2020, thượng tầng lãnh đạo của Descon chứng kiến sự thay đổi lớn khi 4/5 thành viên HĐQT cũ bị miễn nhiệm, ngoại trừ ông Châu Anh Tuấn.

Theo đó, 4 thành viên HĐQT mới bao gồm ông Trịnh Thanh Huy, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, ông Trần Thanh Hải và ông Nguyễn Quang Minh (sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Descon, thay thế cho ông Châu Anh Tuấn).

Trong đó, ông Trịnh Thanh Huy là cái tên khá nổi trên thị trường chứng khoán. Ông từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan (1997 – 2002), hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Beton 6 (Mã CK: BT6).

Tại Descon, ngoài vai trò là cổ đông lớn nhất, ông Trịnh Thanh Huy từng có 2 năm đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT trước khi miễn nhiệm vào cuối tháng 6/2012./.