Việt Phương Group 'buông' DVN?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việt Phương Group làm cổ đông chiến lược tại DVN từ tháng 12/2016. Hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, tập đoàn của ông Phương Hữu Việt vừa đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu DVN đang nắm giữ.
Việt Phương Group muốn thoái triệt vốn khỏi DVN
Việt Phương Group muốn thoái triệt vốn khỏi DVN

Cụ thể, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) vừa đăng ký bán toàn bộ 40,29 triệu cổ phiếu (tương đương 17% vốn điều lệ) của Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm – Mã CK: DVN).

VPG cho biết, giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, từ ngày 1/4 – 29/4/2022, mục đích nhằm ‘tái cấu trúc danh mục đầu tư’.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/3/2022, DVN đóng cửa ở mức 24.300 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, VPG có thể thu về 979 tỉ đồng từ việc thoái vốn khỏi DVN.

Thị giá cổ phiếu DVN trên sàn chứng khoán (Nguồn: Tradingview)

Thị giá cổ phiếu DVN trên sàn chứng khoán (Nguồn: Tradingview)

Được biết, ngày 23/3 mới đây, DVN đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại của năm 2020 bằng tiền mặt với tỉ lệ 5,7%. Như vậy, VPG vẫn có thể nhận gần 23 tỉ đồng tiền cổ tức từ DVN trước khi thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

Là thành viên quan trọng trong ‘hệ sinh thái’ Việt Phương Group của đại gia Phương Hữu Việt, VPG trở thành cổ đông chiến lược của DVN từ năm 2016 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá.

Cụ thể, DVN đã bán 40,29 triệu cổ phần cho VPG với mức giá thỏa thuận bằng mệnh giá, tương ứng 402,9 tỉ đồng. Đáng chú ý, số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm kể từ ngày 8/12/2016 – ngày DVN được cấp giấy chứng nhận chuyển sang hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần. VPG cũng là cổ đông lớn thứ hai tại DVN, chỉ sau Bộ Y tế (với tỉ lệ sở hữu 65% vốn điều lệ).

Ngoài ra, DVN cũng còn một cổ đông gần lớn khác, đó là CTCP Sam Holdings (Mã CK: SAM), sở hữu lượng cổ phần tương đương 4,98% vốn điều lệ.

Tính đến ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của DVN đạt 5.859,9 tỉ đồng, giảm 4% so với đầu năm.

Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (1.807,1 tỉ đồng), hàng tồn kho (1.051,5 tỉ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (1.720,4 tỉ đồng). Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của DVN là 866,9 tỉ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản.

Ở phía bên bảng cân đối, nợ phải trả của DVN đạt 2.866,7 tỉ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.220,8 tỉ đồng, chiếm 20,8% tổng nguồn vốn.

Năm ngoái, DVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.874,6 tỉ đồng, giảm nhẹ 8,2% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 216 tỉ đồng./.