Bước tiến âm thầm của đại gia Phương Hữu Việt với LEC Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – CTCP LEC Group (LEC Group) dù mới được thành lập từ năm 2018 nhưng đã nhanh chóng đem lại những "trái ngọt" cho ông chủ Việt Phương Group.
Hoạt động logistics, nhập khẩu than giúp LEC Group trở thành "cỗ máy in tiền" mới cho ông Phương Hữu Việt
Hoạt động logistics, nhập khẩu than giúp LEC Group trở thành "cỗ máy in tiền" mới cho ông Phương Hữu Việt

Là “tay chơi” nổi bật nhất tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Việt Phương Group của ông Phương Hữu Việt (SN 1964) luôn nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và thị trường.

Tập đoàn này được biết tới với các hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, bất động sản, khu công nghiệp, ngân hàng và đầu tư tài chính, thủy điện. Song, theo tìm hiểu của VietTimes, với sự hỗ trợ đắc lực từ VietABank, "đế chế" của vị doanh nhân quê Bắc Ninh không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực vừa nêu.

Và ngoài Việt Phương Group, "đế chế" của ông Phương Hữu Việt còn có nhiều “group” khác như: Capella Group, Infinity Group và LEC Group.

Dù mới chỉ thành lập từ cuối năm 2018, nhưng CTCP LEC Group (LEC Group) đã nhanh chóng đem lại những "trái ngọt" cho ông chủ Việt Phương Group.

LEC Group kinh doanh ra sao?

Theo tìm hiểu của VietTimes, LEC Group được thành lập vào tháng 11/2018, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 300 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Trần Đức Tuấn (SN 1983).

Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Capella Group (Capella Group) góp 150 tỷ đồng, sở hữu 50% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư VNC (VNC) góp 45 tỷ đồng, sở hữu 15% vốn điều lệ; CTCP OTE Group (OTE Group) góp 105 tỷ đồng, sở hữu 15% vốn điều lệ. OTE Group là kết quả của sự hợp tác giữa VNC và nhóm Otran Logistics – cổ đông lớn của CTCP Cảng tổng hợp Thị Vải.

LEC Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics, bao gồm các dịch vụ cảng, kinh doanh kho bãi, vận chuyển.

Theo giới thiệu, Công ty này đang có mối hợp tác với nhiều cảng lớn, trải dài khắp 3 miền trên cả nước, trong đó nổi bật là cảng Phú Thái (Hải Dương), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, LEC Group còn là đơn vị vận chuyển, nhập khẩu dăm gỗ, viên nén gỗ, than đá (từ các quốc gia Indonesia, Nga, Úc) vào Việt Nam. Một số khách hàng thân thiết của Công ty có thể kể tới như: CTCP Đầu tư Khoáng sản – than Đông Bắc (thành viên của Tổng công ty 319 trực thuộc Bộ Quốc Phòng), Công ty TNHH Than Phú Mỹ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, LEC Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.564,4 tỷ đồng, báo lãi thuần 29,8 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của công ty này đạt mức 1.319,9 tỷ đồng, gấp 4 lần quy mô vốn chủ sở hữu.

Với kết quả kinh doanh kể trên, lĩnh vực logistics có thể coi là mảnh ghép hoàn hảo vừa giúp hoàn thiện “hệ sinh thái” đa ngành của ông Phương Hữu Việt, vừa là mảng đầu tư sinh lời hiệu quả.

Capella Group

Capella Group – pháp nhân nắm giữ một nửa số vốn điều lệ của LEG Group - được ông Phương Hữu Việt thành lập từ tháng 7/2015, ban đầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng.

Tới tháng 4/2018, Chủ tịch VietABank bất ngờ thoái vốn khỏi Capella Group nhượng lại số cổ phần cho 2 cổ đông cá nhân là Nguyễn Vĩnh Huy (98% VĐL) và Nguyễn Thu Hằng (2% VĐL). Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, 98% vốn Capella Group do ông Nguyễn Văn Trọng nắm giữ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, lưu ý rằng, là một trong những thân tín của vị Chủ tịch VietABank, mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành nhà băng này từ ngày 1/7/2020. Vị doanh nhân này còn nắm giữ lượng lớn cổ phần tại CTCP Q7 – chủ đầu tư dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ Huỳnh Tấn Phát tại 1591-1595 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Quận 7, Tp. HCM.

Tới năm 2019, Capella Group mới bắt đầu phát sinh doanh thu
Tới năm 2019, Capella Group mới bắt đầu phát sinh doanh thu

Có phần kín tiếng hơn Việt Phương Group, song Capella Group là một trong những mắt xích quan trọng, cùng ông Phương Hữu Việt và một số cá nhân liên quan góp vốn đầu tư vào một loạt pháp nhân khác.

Capella Group, ông Phương Hữu Việt và CTCP Bất động sản Capella (Capella Land) là những cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Infinity Group (Infinity Group), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Sau 1 năm đi vào hoạt động, trung tuần tháng 8/2017, Infinity Group góp vốn cùng CTCP Habada và bà Phương Minh Huệ (CEO Việt Phương Group, Thành viên HĐQT VietABank) thành lập CTCP Bất động sản Habada – IFG.

Cho tới năm ngoái, Infinity Group mới bắt đầu phát sinh doanh thu nhưng chỉ ở mức khiêm tốn 6,5 tỷ đồng, lợi nhuận phát sinh không đáng kể. Tính đến cuối năm 2019, Infinity Group có tổng tài sản đạt mức 824 tỷ đồng.

Quy mô tổng tài sản của Infinity Group có xu hướng chững lại trong 2 năm trở lại đây
Quy mô tổng tài sản của Infinity Group có xu hướng chững lại trong 2 năm trở lại đây 

Capella Land được thành lập từ tháng 5/2015, đầu tư vào nhiều pháp nhân là Công ty TNHH Đầu tư Capella Hà Nam (chủ đầu tư Khu công nghiệp Thanh Liêm, quy mô 293 ha, tỉnh Hà Nam), CTCP Capella Quảng Nam (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng II, quy mô 103 ha, tại Khu kinh tế mở Chu Lai) và Công ty TNHH Đầu tư Capella Bắc Giang (Cụm công nghiệp Nham Sơn – Yên Lư, quy mô 75 ha).

CTCP Capella Quảng Nam còn là đối tác nhận chuyển nhượng số cổ phần chi phối tại CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Nhân Hòa (chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Nhân Hòa - Phương Liễu 44,9 ha và Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 tại Quế Võ, Bắc Ninh) từ nhóm Hải Phát Invest.

Đáng chú ý, Hải Phát Invest và Việt Phương Group cũng là những đối tác thân quen ở nhiều thương vụ. Bên cạnh đó, nhóm Hải Phát Invest từng là một trong những “tay chơi” từng nắm lượng lớn cổ phiếu VietABank. Việc phát triển các dự án khu công nghiệp của Capella Land cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn tín dụng của VietABank.

Capella Land chưa sinh lời, song đang nhận được sự hậu thuẫn lớn
Capella Land chưa sinh lời, song đang nhận được sự hậu thuẫn lớn

Ở một chi tiết khác, Capella Land cũng nắm giữ cổ phần tại CTCP Ngọc Hải Đăng – chủ đầu tư dự án “Khu du lịch Ngọn Hải Đăng” tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận là “cứ điểm” của Rạng Đông Group – tay chơi “ít biết” ở VietABank mà VietTimes từng đề cập.

Trở lại với Capella Group, ngoài các khoản đầu tư kể trên, pháp nhân này còn là cổ đông lớn của CTCP Nhựa Đồng Nai (Mã CK: DNP) và CTCP TV Hub – một nhà sản xuất nội dung truyền hình giải trí và quản lý truyền thông.

Những LEC Group, Capella Group và Infinity Group mà VietTimes đề cập ở trên đều là những pháp nhân còn khá trẻ trong “hệ sinh thái” đồ sộ của ông Phương Hữu Việt. Nhưng hơn hết, sự phát triển của những mắt xích quan trọng này phần nào cho thấy tham vọng lớn của vị doanh nhân quê Bắc Ninh, khởi nguồn từ nền móng Việt Phương Group.

Trong số các thành viên cùng nhóm, Việt Phương Group nổi danh trên truyền thông nhiều nhất, song bức tranh tài chính và những hoạt động đầu tư của “mắt xích” này vẫn còn nhiều bí ẩn với phần đông công chúng. Điều này sẽ được VietTimes làm rõ ở kỳ tới./.