Việt Nam sẽ phân bổ băng tần 5G trong năm 2019 - 2020 và thương mại hóa vào 2020

Để tận dụng những lợi thế của việc đi tiên phong trong triển khai mạng 5G, Bộ TT&TT dự định tiến hành các thử nghiệm kết nối 5G trong năm 2019, sẽ lên kế hoạch phân bổ băng tần 5G trong năm 2019 - 2020 và cấp phép thương mại vào năm 2020.

Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G đã diễn ra hôm nay (16/8) tại Hà Nội.

Tại Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G diễn ra hôm nay (16/8), Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết Việt Nam đã cấp phép cho 3 nhà mạng triển khai thử nghiệm 5G ở một số thành phố như Hà Nội và TP. HCM. Tháng 5 vừa qua, Viettel đã thực hiện kết nối 5G và thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, để tận dụng những lợi thế của việc đi tiên phong trong triển khai mạng 5G, Bộ TT&TT dự định sẽ tiến hành các thử nghiệm kết nối 5G trong năm 2019, lên kế hoạch phân bổ tần số 5G trong năm 2019-2020 và cấp phép thương mại vào năm 2020.

Để các dịch vụ 5G đi vào cuộc sống, cần phân bổ băng tần cho mạng lưới 5G. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN đối mặt với nhiều thách thức trong việc phân bổ tần số cho 5G, bởi nhiều nước khu vực đang dùng băng tần 3.5 GHz cho các hệ thống vệ tinh, trong khi băng tần mW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) còn có những băn khoăn về vùng phủ.

Thách thức đầu tiên trong việc triển khai 5G chính là làm thế nào phân bổ hài hòa băng tần dùng cho 5G. Do đó, Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ trì tổ chức Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G để chia sẻ, tìm kiếm giải pháp quy hoạch băng tần phù hợp cho 5G, đảm bảo hài hòa phổ tần cho 5G trong khu vực ASEAN.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về băng tần cho 5G, trong đó chủ yếu về băng tần C band (3.3 GHz - 3.8 GHz) và băng tần 26/28 GHz. Đã có 12 mạng lưới 5G được thương mại hóa tại 7 quốc gia, và chủ yếu các mạng 5G này đều dùng băng tần 3.5 GHz và băng tần 28 GHz.

Ông Peng Zhao, Giám đốc băng tần cấp cao của Hiệp hội GSMA, cho biết châu Á sẽ là khu vực dẫn đầu tăng trưởng kết nối, với 617 triệu kết nối 5G trong năm 2025, chủ yếu nằm ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thương mại hóa mạng 5G vào năm 2020 và sẽ phát triển rất nhanh, dẫn đầu với 392 triệu kết nối vào năm 2025, trong đó có nhiều kết nối là M2M (machine-to-machine).

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN, năm 2025 Nhật Bản sẽ có 88 triệu kết nối 5G (chiếm 45% tổng số các kết nối di động tại Nhật) và Hàn Quốc có 37 triệu kết nối 5G vào năm 2025 (chiếm 60% tổng số các kết nối di động tại Hàn Quốc).

Theo lãnh đạo GSMA, các chính phủ phải đảm bảo sẽ phân bổ băng tần thành công cho các nhà mạng triển khai 5G. Chính phủ và nhà mạng cần khuyến khích các khoản đầu tư lớn, dài hạn vào mạng lưới 5G.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36/viet-nam-se-phan-bo-bang-tan-5g-trong-nam-2019-2020-va-thuong-mai-hoa-vao-2020-188744.ict