Đường đến Nhà Trắng của người lẩy Kiều với Tổng Bí thư Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" với ngụ ý quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp là hai câu Kiều ông Biden lẩy khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Joe Biden, người đàn ông tận tâm của nước Mỹ (Ảnh: Nikkei)
Joe Biden, người đàn ông tận tâm của nước Mỹ (Ảnh: Nikkei)

Nhiều người Việt Nam hẳn còn nhớ, hơn 5 năm trước, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Mỹ lịch sử lần đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiệc, ông Biden nhắc lại hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. "Chúng ta cùng nhau đối mặt với quá khứ và đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác thành công", Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận Việt Nam và Mỹ có những khác biệt về hệ thống chính trị, theo ông Biden, khi tôn trọng quan điểm của nhau, 2 nước có thể đưa tới mối quan hệ như ngày nay và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ông Bùi Thế Giang, cựu Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng, người tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm đó - kể lại với VietTimes rằng, khi đó các quan khách có mặt tại buổi tiệc đã ồ lên thích thú khi ông Biden lẩy hai câu quen thuộc trong truyện Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" với ngụ ý quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.

Ông Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trong buổi tiệc chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: Reuters)

Ông Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trong buổi tiệc chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: Reuters)

Việc trích dẫn một kiệt tác văn học kinh điển của Việt Nam nhằm đưa ra những thông điệp chính trị quan trọng cho thấy sự tinh tế, am hiểu lòng người của ông Joe Biden, mặc dù việc chọn lẩy Kiều luôn có sự cố vấn của đội ngũ chắp bút diễn văn, ông Bùi Thế Giang nhận xét.

Với những nền tảng vững chắc của quan hệ Việt – Mỹ đã được thiết lập trong 25 năm qua, cho dù ông Joe Biden hay ông Trump làm Tổng thống thì quan hệ hai nước vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển.

Tuy nhiên, ông Nelson Cunningham, Chủ tịch McLarty Associates và từng là phụ tá của ông Biden, tin rằng những hiểu biết đối ngoại cũng như các kết nối cá nhân của ông Biden trong suốt 8 năm làm Phó Tổng thống của chính quyền Obama - giai đoạn quan hệ song phương phát triển toàn diện - cũng không kém phần ý nghĩa.

“Ông Biden mong muốn gây dựng trở lại sự tin tưởng, hợp tác và gắn bó mà các quốc gia đồng minh và đối tác thương mại đã từng có với Hoa Kỳ. Việc bình thường hóa mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước đồng minh, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden nếu ông đắc cử”.

Việt Nam, theo ông Cunningham, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của chính quyền mới, với mong muốn “hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng trong một khu vực Đông Nam Á hùng mạnh và thịnh vượng”, ông Cunningham chia sẻ.

Chính khách mẫu mực và bền bỉ

Đại đa số người dân Mỹ biết quá rõ về ông Joe Biden trong suốt 48 năm ông có mặt trên chính trường. Đam mê và yêu thích chính trị từ nhỏ, những nỗ lực theo đuổi chính trị nghiêm túc của ông Biden đã được đền đáp khi trở thành Thượng nghị sĩ vào năm 29 tuổi. Tại thời điểm đó, ông là Thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ.

Là Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Delaware từ năm 1973 đến năm 2009 và sau đó là Phó Tổng thống hai nhiệm kỳ dưới thời ông Barack Obama, ông được cử tri biết đến như một chính khách tận tuỵ, mẫn cán, một người cha mẫu mực trong gia đình.

Trái ngược với ông Donald Trump, ông Biden được xem như tuýp chính trị gia truyền thống.

Ông Joe Biden cùng hai con trai và người vợ thứ hai, bà Jill Biden (Ảnh: Getty)

Ông Joe Biden cùng hai con trai và người vợ thứ hai, bà Jill Biden (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, hành trình vươn đến vị trí quyền lực cao nhất – Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - lại vô cùng gập ghềnh đối với ông Biden, với ba lần thất bại trước đó với các đối thủ cùng phe: năm 1984 trước ông Walter Mondale; năm 1988 trước ông Michael Dukakis; và năm 2008 trước ông Barack Obama.

Năm 2016, sau 8 năm đảm nhiệm cương vị Phó Tổng thống của chính quyền Obama (2009-2017), ông Biden đã bóng gió về việc tranh cử Tổng thống một lần nữa.

Nhưng dự định tranh cử Tổng thống của ông phải gác lại khi con trai cả, Beau Biden qua đời vì căn bệnh ung thư não.

Bốn năm sau, chính khách kỳ cựu quay trở lại đường đua và lần này, ông đã đi xa nhất có thể, vượt ngoài mọi dự đoán ban đầu, khi chỉ còn cách chiếc ghế Tổng thống Mỹ vài phiếu đại cử tri.

Hành trình đến ngôi vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lần này của ông Biden vốn đầy bất ngờ khi thoạt đầu ông không hề được xem là một ứng viên sáng giá.

Khi đó, hai đối thủ nổi bật nhất trong cuộc đua giành đề cử ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Nhưng cuối cùng, ông Biden đã vượt qua tất cả để trở thành người đối đầu cuối cùng với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Đảng Dân chủ đã quyết định chọn ông, một chính khách kỳ cựu có đường lối trung dung, thay vì ông Sanders với khuynh hướng chính sách cực tả, như một lựa chọn an toàn.

Nếu đắc cử, ông Biden sẽ trở thành Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ khi nhậm chức ở tuổi 79, phá vỡ kỷ lục của ông Trump trước đó khi nhậm chức ở tuổi 70.

Nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, ông cũng sẽ hoàn thành cuộc chạy marathon dài nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.

Trong lịch sử hiện đại, chưa ai nỗ lực nghiêm túc trong thời gian dài như vậy để đến với ngôi vị quyền lực nhất thế giới.

Một chính khách biết cảm thông

Sở dĩ lần này ông Joe Biden có thể đi xa đến thế là bởi vì “ông đã chứng tỏ cho cử tri Mỹ mình là một chính trị gia biết cảm thông, người sẽ nỗ lực hàn gắn một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc”, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành", Tiến sĩ Calvin MacKenzie, giáo sư chính trị học Đại học Colby nhận định với VietTimes.

Hàng loạt bi kịch và bất hạnh trong quá khứ khiến ông Biden có khả năng cảm thông với người khác. Cả cuộc đời ông được định hình bởi những mất mát và đau thương vượt quá khả năng chịu đựng của một người bình thường – cái chết của người vợ đầu và cô con gái; gần đây là cái chết của người con trai cả mà ông Biden vô cùng yêu thương.

Tháng 12/1972, khi vừa đắc cử Thượng nghị sĩ, ông được báo tin gia đình gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng ở quê nhà Delaware. Vợ ông và con gái Naomi thiệt mạng, còn hai con trai Beau, Hunter chấn thương ở chân, đầu.

Vì không muốn rời xa các con, ông Biden tuyên thệ nhậm chức ngay trong bệnh viện, theo New York Times.

Ông Barack Obama ôm chặt ông Joe Biden tại lễ tang của con trai Beau Biden. Ảnh: AP

Ông Barack Obama ôm chặt ông Joe Biden tại lễ tang của con trai Beau Biden. Ảnh: AP

Sau cái chết của người vợ đầu và con gái Naomi, ông viết trong cuốn hồi ký “Những lời hứa cần giữ” (Promises to keep) xuất bản năm 2008 rằng: “Nỗi đau cắt qua bạn như một miếng kính vỡ cứa vào cơ thể. Tôi bắt đầu hiểu rằng làm thế nào mà nỗi tuyệt vọng có thể dẫn con người lâm vào cùng cực và tại sao tự tử không chỉ là một lựa chọn, mà là một lựa chọn có lý”.

Kể từ mất mát đó, ông quyết định đi đi về về giữa Washington và Delaware mỗi ngày, đảm bảo luôn có mặt ở nhà khi các con trai thức dậy và đi ngủ. Nhiều lần, một hoặc cả hai cậu con trai của ông lên chuyến tàu hỏa Amtrak để cùng cha đến thủ đô - nơi ông làm việc.

Sự tận tâm với cuộc sống gia đình của ông Biden đã giúp 3 cha con vượt qua mất mát và phát triển tình cảm gắn bó.

Theo lời ông Ted Kaufman, người thân cận của ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ luôn cố gắng bù đắp tình cảm, không để các con trai chịu thiệt thòi.

Thượng nghị sĩ trẻ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ngay tại bệnh viện bên giường bệnh của hai con trai bị thương nặng sau tai nạn xe hơi. Tai nạn thảm khốc này đã cướp đi người vợ đầu và cô con gái của ông Biden (Ảnh: Getty)
Thượng nghị sĩ trẻ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ngay tại bệnh viện bên giường bệnh của hai con trai bị thương nặng sau tai nạn xe hơi. Tai nạn thảm khốc này đã cướp đi người vợ đầu và cô con gái của ông Biden (Ảnh: Getty)

“Joe Biden thường nói: ‘Delaware luôn có thể có một thượng nghị sĩ khác, nhưng những đứa trẻ của tôi thì không thể có người cha nào thay thế’. Bởi vậy, quy tắc của Biden là nếu con trai gọi điện, chúng tôi được yêu cầu đưa ông ấy nghe bất kể đang ở đâu”, Kaufman kể với New York Times.

Năm 2015, ông Biden chịu thêm mất mát lớn khi con trai cả Beau qua đời vì ung thư não ở tuổi 46. Sinh thời, Beau đảm nhận chức Tổng chưởng lý của Delaware hai nhiệm kỳ, từng phục vụ ở Iraq, là thiếu tá trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Ông Joe Biden từng kỳ vọng con trai trở thành Tổng thống Mỹ. Cựu phó tổng thống từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi thành công nhưng con trai còn hơn tôi rất nhiều. Nó giỏi hơn tôi về mọi mặt”.

Khi con trai bị ung thư, ông Biden từng dự định bán nhà để lấy tiền giúp con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Khi biết ý định này, ông Obama đã ra sức khuyên phó tướng đừng bán nhà và sẵn sàng giúp đỡ về tài chính để gia đình Biden vượt qua thời khắc khó khăn.

Ông Biden và con trai cả Beau Biden, niềm tự hào của ông. Beau Biden qua đời năm 46 tuổi vì căn bệnh ung thư não, khi đang là Tổng Chưởng lý của bang Delaware (Ảnh: Reuters)

Ông Biden và con trai cả Beau Biden, niềm tự hào của ông. Beau Biden qua đời năm 46 tuổi vì căn bệnh ung thư não, khi đang là Tổng Chưởng lý của bang Delaware (Ảnh: Reuters)

Sự ra đi của Beau là một cú sốc lớn, khiến ông Biden quyết định từ bỏ dự định ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm đó. Nhưng giống như sau mọi biến cố đau thương trước đó, ông tiếp tục nén nỗi đau vào trong để quay trở lại với công việc.

“Bốn ngày sau đám tang của Beau, tôi nhìn Joe cạo râu và mặc vest. Anh ấy đứng trước gương, hít một hơi, chỉnh vai áo và trở lại làm việc. Đôi lúc, tôi thậm chí không thể tưởng tượng anh ấy đã vượt qua mất mát để bước tiếp như thế nào”, bà Jill Biden, vợ ông kể lại.

“Tôi muốn đem lại cho mọi người hy vọng,” Biden nói năm 2017. “Rằng, có một cách ở đó – khi có mục đích sống, bạn có thể tìm ra cách vượt qua nỗi đau”.

Thông qua hành trình đau thương đó, Biden không chỉ tìm thấy mục đích sống mà hơn hết, người đàn ông này trở nên một người giàu lòng trắc ẩn và cảm thông. Những nỗi đau cá nhân khiến ông có thể dễ dàng thấu hiểu những đau khổ và mất mát của những người khác.

“Joe Biden có một sức mạnh kỳ lạ trong khả năng lắng nghe, chia sẻ và kết nối với những người cũng phải chịu đựng những mất mát lớn trong cuộc đời họ”, Thượng nghị sĩ Delaware Chris Coons nói với tờ Politico.

Khả năng cảm thông và chia sẻ, theo Giáo sư Calvin MacKenzie, là một phẩm chất mà nhiều cử tri Mỹ trông chờ ở Tổng thống mới của Hoa Kỳ, trong bối cảnh đất nước này đang chống lại đại dịch Covid-19, nhiều gia đình phải chứng kiến cảnh mất đi người thân.

Giờ đây, ở tuổi cận kề 80, sau quá nhiều thăng trầm và thất bại, ông Joe Biden đang đứng trước cơ hội được lịch sử gọi tên.

Liệu ông có thể hàn gắn một nước Mỹ đầy chia rẽ và tổn thương, khôi phục “linh hồn nước Mỹ” như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử hay không?

Chúng ta hãy chờ xem!