Hơn một trăm tham luận, công trình nghiên cứu trình bày tại hội nghị khoa học về điện quang và y học hạt nhân đều là những nghiên cứu mới, có tính ứng dụng cao, đã cho thấy những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong ứng dụng điện quang và hạt nhân trong y tế, đặc biệt là trong điều trị ung thư.
- Hội nghị khoa học quan trọng về điện quang và y học hạt nhân lần này mang đến những kỹ thuật gì mới cho Việt Nam, thưa giáo sư?
GS.TS Phạm Minh Thông: Hội nghị khoa học lần này có nhiều nội dung mới. Đó là kết hợp với Hội Điện quang châu Á để tổ chức báo cáo chủ đề về “sàng chậu” rất thiết thực, với sự tham dự của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc vv... cùng với các giáo sư, bác sĩ Việt Nam.
Một điểm mới nữa là có một hội thảo riêng do Hội Điện quang Việt Nam và Hội Điện quang Hàn Quốc kết hợp tổ chức với chủ đề an toàn trong điện quang- y học hạt nhân và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán nhanh. Đây là nội dung khá đặc biệt và mới trong tiến trình phát triển. Hội thảo này đã có nhiều giáo sư hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo trình bày đến từ Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc,… tham gia.
Đặc biệt, tại hội nghị lần này, chúng tôi đã mời một giáo sư từ Pháp sang, hướng dẫn cách thức xuất bản các bài báo, nghiên cứu khoa học ra thế giới. Việt Nam ngày càng cần xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành ra nước ngoài, vì hiện còn ít. Mặc dù Hội Điện quang là một trong những hội mạnh, đã làm rất nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, can thiệp và điều trị, nhưng công tác xuất bản các công trình khoa học ra thế giới lại chưa nhiều.
Hội thảo về nghiên cứu, ứng dụng điện quang -y học hạt nhân trong "sàng chậu "do các giáo sư đến từ nước ngoài thực hiện
|
- Với những kết quả đó, hội nghị lần này có ý nghĩa như thế nào với y tế Việt Nam, thưa ông?
GS.TS Phạm Minh Thông: Như tôi đã nói, một trong các ý nghĩa của hội nghị lần này là các chuyên gia Việt Nam tiếp cận được cách thức xuất bản các công trình nghiên cứu ra nước ngoài. Đây là điều cần thiết để viết tên Việt Nam trên bản đồ thế giới về các nghiên cứu điện quang và y học hạt nhân mà chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa.
Một ý nghĩa quan trọng nữa là tại sự kiện khoa học này, nhiều kỹ thuật y học hiện đại đã được trình bày. Bên cạnh đó, các hãng trang thiết bị y tế trong nước và nhiều nước đã mang đến nhiều kỹ thuật, trang thiết bị y tế hiện đại, như các máy cộng hưởng từ, chụp CT thế hệ mới nhất, giúp giảm chi phí bảo trì, vận hành và đem lại kết quả chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để phục vụ điều trị chính xác, hiệu quả.
Đặc biệt, tại sự kiện, các hãng thiết bị y tế còn giới thiệu công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, giúp công tác khám bênh, chẩn đoán thực hiện chính xác và nhanh chóng.
Việc triển lãm các thiết bị, máy móc giúp cho các bác sỹ, kỹ thuật viên trong cả nước biết được hiện nay trên thế giới có những thiết bị gì, kỹ thuật gì, để nắm bắt và có thể đầu tư, từ đó, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Vì thế, việc trưng bày này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y tế.
- Một vấn đề đang "nóng" hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Xin ông cho biết trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong chuẩn đoán hình ảnh hiện nay như thế nào?
GS.TS Phạm Minh Thông: Hiện nay trí tuệ nhân tạo đang được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng ở các nước cũng như ở Việt Nam. Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu đưa vào trong chẩn đoán với các phim X-quang chụp phổi, để phát hiện lao phổi, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn. Trí tuệ nhân tạo cũng được dùng trong sàng lọc ung thư vú trong phim chụp X-quang vú.
Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, nghiên cứu đối các bệnh khác, như bệnh lý về não, các bệnh lý về phổi, sau ghép phổi,…
GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam (trái) cùng chuyên gia hội Điện quang châu Á điều hành phiên hội thảo về điện quang can thiệp
|
- Với những kế quả đạt được trong thời gian qua, ông có thể cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ như thế nào trong ứng dụng điện quang - y học hạt nhân được xem là bước nhảy vọt?
GS.TS Phạm Minh Thông: Những bước tiến được xem là nhảy vọt trong lĩnh vực điện quang can thiệp của Việt Nam là trang thiết bị máy móc hiện đại.
Đơn cử là hiện nay, tại hầu hết cơ sở y tế ở các tỉnh thành đều có các máy CT, máy chụp cắt lớp 3 dãy, máy chụp cộng hưởng từ 1,5tesla,... Đó là những bước nhảy trong chẩn đoán bệnh.
Kỹ thuật điện quang can thiệp đang được phát triển rất mạnh. Các bệnh viện lớn ở trung ương và địa phương đều được ứng dụng trong bệnh lý thần kinh, đặc biệt là điều trị đột quỵ não.
Với những bước nhảy vọt này, hàng ngày các bác sĩ đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm chúng tôi đã cứu sống 200-300 bệnh nhân bị đột quỵ não từ khi triển khai. Hàng năm, tại các cơ sở y tế trong nước đã cứu được 1.500-2.000 bệnh nhân bị xuất huyết, đột quỵ não.
Nếu so trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam là nước làm nhiều nhất, ứng dụng nhiều kỹ thuật, cũng như thành công nhất về điện quang can thiệp.
- Mặc dù hiện tại có khá nhiều phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư, nhưng ung thư vẫn đang là căn bệnh khiến nhiều người lo sợ. Ông có thể cho biết điện quang can thiệp được sử dụng cho các loại bệnh ung thư và điều trị loại bệnh nào có hiệu quả cao nhất?
GS.TS Phạm Minh Thông: Điện quang can thiệp và y học hạt nhân đã có nhiều can thiệp trong chẩn đoán các bệnh ung thư, như chọc hút tế bào, sinh thiết, thậm chí là sinh thiết lõi. Đơn cử như bệnh ung thư vú, nếu lành tính thì có thể sinh thiết và cắt hẳn, cắt hoàn toàn khối u, hay chẩn đoán các bệnh u phổi, u gan,… Tất cả các loại u, ở các vị trí khó nhất, nhờ hướng dẫn của điện quang, siêu âm, CT cộng hưởng từ,… mà có thể làm các sinh thiết. Đối với điều trị, có thể ứng dụng điều trị rất nhiều bệnh nhờ điện quang can thiệp.
Tóm lại, các kỹ thuật nào trên thế giới đã làm trong chẩn đoán điều trị, thì hầu như ở Việt Nam, cũng đều làm được và đã triển khai ở các bệnh viện lớn, đồng thời đang dần chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã làm được các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, điều trị các bệnh ung thư, ung bướu, thần kinh, tim mạch, đột quỵ… nhờ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ được đào tạo theo hình thức chuyển giao cầm tay chỉ việc.
Nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị
|
- Theo giáo sư, trong thời gian tới, xu hướng mới nào sẽ áp dụng cho điện quang và y học hạt nhân, cũng như làm sao để ứng dụng được hiệu quả?
GS.TS Phạm Minh Thông: Trong tương lai, chúng ta cần mở rộng đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại ở các tuyến, nhưng cũng phải tránh lạm dụng kỹ thuật. Vì khi đầu tư nhiều máy móc, chúng ta dễ lạm dụng máy móc, dẫn đến chi phí bảo hiểm y tế tăng, không còn kinh phí cho điều trị.
Vì thế, cần tận dụng trang thiết bị máy móc, biết dùng kỹ thuật theo đúng chỉ định của bệnh. Đặc biệt là vấn đề an toàn bức xạ cho người bệnh và nhân viên y tế cần đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo chuyên ngành, bài bản cho các nơi, để đủ kiến thức cho các nhân viên kỹ thuật, ngoài việc tận dụng tính năng thiết bị máy móc, còn chỉ định chẩn đoán chính xác. Do đó, vấn đề thống nhất trong đào tạo bài bản chuyên ngành cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là một nội dung quan trọng, cần làm trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu