Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các chuyên gia đã đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực, góp phần đảm bảo an ninh y tế khu vực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine.

Vắc xin đã giúp Việt Nam sớm bước qua đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế
Vắc xin đã giúp Việt Nam sớm bước qua đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế

Nâng cao năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam

Vaccine đã cứu thế giới khỏi đại dịch COVID-19. Không ai có thể biết được thế giới còn phải đối mặt với đại dịch tương tự hay không, vì thế, việc sản xuất vaccine vẫn là vấn đề cốt yếu để phòng dịch.

Việt Nam là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) với 10/11 vaccine. Đặc biệt, Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vaccine của WHO từ 2015.

Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam có 4 công ty tham gia nghiên cứu vaccine Covid-19, cho thấy tiềm năng phát triển vaccine của nước ta. Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình chuyển giao công nghệ mRNA do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine trong nước.

Việt Nam đã nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường năng lực sản xuất và chứng nhận vaccine nội địa dựa trên việc áp dụng thành công công nghệ vaccine mRNA trong đại dịch.

Vì thế, đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực đã trở thành điểm nhấn tại hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vaccine và tham gia chương trình chuyển giao công nghệ vaccine mRNA của Việt Nam, do Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/5.

VT_UNDP.jpeg
Ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - cho rằng đây là cơ hội quan trọng cho Việt Nam tiếp cận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine

Lộ trình này vạch ra các hành động cần thiết để nâng cao năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh y tế khu vực.

Ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - cho rằng đây là cơ hội quan trọng cho Việt Nam tiếp cận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine, góp phần ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và đảm bảo nguồn cung cấp vaccine an toàn.

Thực trạng năng lực của Việt Nam

Khảo sát thực trạng năng lực sản xuất vaccine tại Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Việt Nam cho biết: Có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm IVAC, POLYVAC, VABIOTECH và NANOGEN. Trong đó, 3 Công ty có vốn Nhà nước 100%, riêng NANOGEN là vốn tư nhân.

4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 sử dụng các công nghệ khác nhau. NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng pha 3 và đang chờ cấp phép; IVAC đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng pha 2; VABIOTECH đã hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng; trong khi POLYVAC đang nhận chuyển giao công nghệ mRNA.

3 công ty của Nhà nước đều đã sản xuất các loại vaccine, như IVAC với 4 loại là uốn ván, DPT, BCG và cúm mùa; POLYVAC có 4 vaccine là bại liệt uống, rotavirus, sởi và sởi - rubella; VABIOTECH có 4 loại là viêm não Nhật Bản, VGB, tả và VGA. Chỉ có NANOGEN là “hành trang” sản xuất vaccine chưa có gì.

Theo TS. Nguyễn Khánh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - 3 đơn vị của nhà nước đều có từ 23-45 năm kinh nghiệm trong sản xuất vaccine và đều đã phân phối vaccine cho thị trường trong nước. Mỗi đơn vị sản xuất 4 loại thành phẩm khác nhau, riêng vaccine uốn ván của IVAC đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Tất cả vaccine của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn GMP và ISO, nhưng chưa vaccine nào đạt tiêu chuẩn WHO PQ. Riêng IVAC đạt thêm tiêu chuẩn GLP, VABIOTECH đạt tiêu chuẩn GDP.

VT_hoi thao.jpeg
Các chuyên gia đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực

Thế mạnh để phát triển sản xuất vaccine

Việt Nam có chủ trương thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Bên cạnh đó, ngày 5/5/2023 WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song vẫn khuyến nghị tích hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 trong chương trình tiêm chủng trọn đời.

Đặc biệt, Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine khi 3 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt GMP. Khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine cao. Việt Nam đã sản xuất được 10/11 loại vaccine trong chương trình TCMR. Việc WHO công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đạt chứng nhận “Hoạt động tốt”, là cánh cửa mở để xuất khẩu vaccine ra thế giới

Chủ trương “tự chủ vaccine” nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là cơ hội trong phát triển sản xuất vaccine nội. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất vắc xin đều muốn đẩy mạnh xuất khẩu vaccine thông qua việc đạt chứng nhận PQ của WHO. Kinh tế phát triển, nên người dân sẵn sàng chi trả cho vắc xin dịch vụ tăng lên.

Tận dụng kinh nghiệm quốc tế và hợp tác, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn những hạn chế trong sản xuất vaccine khi hầu hết vaccine sản xuất trong nước là vaccine đơn giá, do hạn chế về trình độ kỹ thuật và nguồn lực. Đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vaccine còn thấp. Thiếu nguồn tài chính bền vững để duy trì tỷ lệ TCMR ở mức cao. Chính sách giá đối với vaccine trong TCMR còn quá thấp, nên không đủ chi phí.

VT_ Vac xin.jpeg
Thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước tại Trường Đại học Y Hà Nội

Bên cạnh đó là việc đảm bảo mô hình kinh doanh phù hợp với cung cầu của thị trường còn hạn chế khi việc quyết định quy mô sản xuất, giá vaccine, phát triển sản phẩm mới theo định hướng của Bộ Y tế, chưa phát huy việc phân tích, đánh giá thị trường, marketing, quảng cáo, truyền thông, quan hệ công chúng...

Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực, TS Nguyễn Khánh Phương cho rằng Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vaccine. Xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cần hoàn thiện khung chính sách

Những năm qua, năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Song để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

Theo UNDP, một số khuyến nghị định hướng chính sách mà Việt Nam cần quan tâm để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực, gồm:

Tăng tài trợ của chính phủ và hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển vaccine, bao gồm thiết lập các khoản tài trợ nghiên cứu, ưu đãi thuế và các ưu đãi tài chính khác để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân. Theo UNDP, kinh nghiệm của các nước cho thấy vai trò của khu vực tư nhân là quan trọng trong việc phát triển và sản xuất vaccine trong nước, bởi khu vực này mang lại chuyên môn, sự đổi mới và tài trợ để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vaccine mới. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong mở rộng quy mô sản xuất và phân phối vaccine.

VT_vaccine.JPG
Vaccine Covid -19 giúp Việt Nam sớm kiểm soát được dịch

Việt Nam cũng cần hợp lý hóa quy trình quản lý để phê duyệt vaccine, bao gồm thành lập một cơ quan quản lý chuyên trách để giám sát việc phát triển và phê duyệt vaccine, đồng thời phê duyệt nhanh chóng đối với vaccine sản xuất trong nước.

Tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức giữa các nhà sản xuất vaccine trong nước và các đối tác quốc tế; xây dựng chiến lược vắc xin quốc gia toàn diện, bao gồm kế hoạch ứng phó khẩn cấp và quản lý dịch bệnh.

UNDP cho rằng Việt Nam cần ưu tiên phát triển và sản xuất vaccine cho các bệnh bị lãng quên và các bệnh truyền nhiễm; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.