Thông tin về nhập khẩu thép của VSA đưa ra cùng thời điểm với thông tin mà ông Trương Thanh Hoài (Vụ trường Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công thương) trả lời báo chí hồi tuần trước.
Ông Hoài nói rằng, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thép lớn, và nhập siêu thép mỗi năm lên đến 6-7 tỉ đô la Mỹ. Tính ra lượng nhập khẩu năm nay lên đến 22 triệu tấn thép thô quy đổi nên không lạ gì mà các dự án thép, như dự án tại Cà Ná của Hoa Sen nhanh chóng được bổ sung vào quy hoạch.
Lập luận về việc thiếu thép nên cần bổ sung những dự án đầu tư lớn, kiểu như Cà Ná của Hoa Sen thoạt nghe tưởng rất hợp lý song thực tế chưa hẳn như vậy.
Hiện nay Quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối thép đến năm 2020, có xét đến 2030 còn đang được rà soát trên cơ sở xem xét tình hình sản xuất ở trong nước, khu vực và thế giới. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam, hạn chế đầu tư các sản phẩm đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép mà trong nước chưa đáp ứng được.
Hay nói khác đi là phải kiên quyết loại bỏ các dự án thép mà thị trường đang dư thừa, khuyến khích các dự án luyện các loại thép trong nước chưa đầu tư hoặc đầu tư rất ít để cân bằng thị trường.
Nhìn vào cơ cấu nhập khẩu thép hiện nay, không thể đánh giá được việc chấp thuận đầu tư các dự án thép, bất kể là dự án thép gì, là do thiếu thép.
Theo thống kê của VSA, lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu 7 tháng đầu năm nay là 13,7 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,15 tỉ đô la Mỹ; mức dự báo giá trị nhập khẩu thép năm nay khoảng 7 tỉ đô la mà Bộ Công Thương đưa ra có thể là con số thấp.
Nhưng có thể diễn biến nhập khẩu 6 tháng cuối năm sẽ chững lại do Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài từ đầu tháng 8-2017.
Để tránh bị đánh thuế cao, các nhà nhập khẩu nhóm mặt hàng phôi thép và thép dài đã đẩy mạnh nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm; trong số thép nhập khẩu này có đến 6,56 triệu tấn (chiếm gần 60%) là thép Trung Quốc.
Một số mặt hàng thép nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước, như phôi thép nhập khẩu 996.000 tấn, tăng 22%, thép hình nhập 97.400 tấn (tăng 33%); tôn mạ kim loại và sơn phủ màu nhập 1,18 triệu tấn, tăng 35%... Đây chính là nhóm mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được, cung vượt gấp đôi cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cán thép và nhà phân phối vẫn nhập về vì giá thép nhập khẩu rẻ hơn, nhất là thép Trung Quốc đang bán phá giá ra thị trường thế giới do khủng hoảng thừa về nguồn cung.
Nhìn vào cơ cấu nhóm mặt hàng nhập khẩu như trên có thể khẳng định rằng, giá trị hàng tỉ đô la Mỹ nhập khẩu thép không thể ảnh hưởng hay quyết định đến việc chấp thuận dễ dàng các dự án đầu tư vào ngành thép, trước khi doanh nghiệp trình ra Báo cáo tiền khả thi (Pre-FS), xác định nhóm mặt hàng đầu tư sản xuất là gì.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay thì hiệp hội không ủng hộ đầu tư vào các dự án sản phẩm phôi thép và thép dài do chênh lệch cung cầu quá lớn. Còn đối với các sản phẩm như thép tấm lá cán nguội, lá cán nguội, tấm cán nóng, thép hợp kim đặc biệt thì dễ được ủng hộ hơn bởi nhóm sản phẩm này đang thiếu, phải nhập”.
Bất cứ doanh nghiệp nào ra quyết định đầu tư cũng hướng đến mục tiêu lợi nhuận là yếu tố quyết định. Họ có quyền đề xuất ngành hàng mong muốn. Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là làm sao việc chấp thuận các dự án đầu tư phải phù hợp với sự phát triển của ngành. Và càng không thể nói như lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng rằng: Nếu không sớm bổ sung dự án mới vào quy hoạch thì 4 năm nữa, ngành thép ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu.