Phát triển kinh tế số:

Việt Nam cần 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030

VietTimes – Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử.
Doanh nghiệp Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy chuyển đổi số (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy chuyển đổi số (ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai các giải pháp đột phá và xây dựng các mục tiêu nhằm phát triển kinh tế dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số

Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. 

Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển các loại doanh nghiệp công nghệ số gồm: Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất. Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của từng ngành, từng địa phương theo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải xác lập một đầu mối ở Trung ương và một đầu mối ở mỗi địa phương để thực hiện việc tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số. Khung chính sách thử nghiệm cũng cần được xây dựng một cách có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong giai đoạn 2020-2021.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh. Các quy định về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp sẽ được cải cách để cho phép đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ, đánh giá hiệu quả dựa trên tổng mức đầu tư theo chu kỳ 3-5 năm. Dự kiến việc này sẽ hoàn thành trong năm 2021.